10 năm sau vụ cháy ITC

Đúng mười năm trước, ngày 29/10/2002, buổi trưa, một cuộn khói ngùn ngụt bốc lên ngay giữa trung tâm TP.HCM, lửa bao trùm cả tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1).

Những gương mặt bàng hoàng ngập nước mắt ngước lên, những tiếng kêu cứu, những bàn tay vẫy và cả những thân người từ trên cao đổ xuống. 60 người chết, 70 người bị thương chỉ trong vòng vài chục phút.

Thấm thoắt đã mười năm. Nếu trong khói lửa, một giây chờ đợi sự tiếp cứu dài như thế kỷ thì mười năm sau đó lại qua thật nhanh. Nhiều cuộc đời đã thay đổi nhưng bao nhiêu câu chuyện vẫn như mới ngày hôm qua.

10 năm sau vụ cháy ITC - 1

Cuộc gặp sau 10 năm giữa anh Đỗ Minh Huy (trái) và ông Lâm Nghĩa Hòa - Ảnh: Tự Trung

Học cảm ơn cuộc đời

Vài nét về tòa nhà ITC

Tòa nhà ITC gồm sáu tầng lầu với tổng diện tích 6.500m2, tọa lạc trên trục đường Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực được xây dựng năm 1970, sửa chữa năm 1985, sử dụng làm trung tâm mua sắm, văn phòng cho thuê, có vũ trường, nhà hàng... 13h30 ngày 29/10/2002, việc hàn giàn đèn trên trần vũ trường Blue ở tầng ba đã làm vảy xỉ nhiệt độ cao bắn vào lớp xốp cách âm gây cháy. Đám cháy làm 60 người thiệt mạng, 70 người bị thương, thiệt hại hơn 32 tỉ đồng.

Hiện tại tòa nhà ITC đã được đập bỏ để xây dựng tháp SJC do Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương đầu tư. Tuy nhiên, công trình chưa được xây dựng, hiện trạng là bãi đất trống được tận dụng để giữ xe.

“Nhanh quá” - Hải Đăng, nguyên nhân viên Công ty bảo hiểm AIA, vừa thầm thì vừa trau chuốt những chi tiết cuối cùng cho đoạn clip dài hơn 7 phút ghi lại biến cố để tưởng nhớ những đồng nghiệp của mình. AIA mất 23 người trong vụ cháy, và hôm nay đã là lần thứ mười Hải Đăng chộn rộn, bồi hồi chuẩn bị cho chuyến đi một vòng TP.HCM, lên Tây Ninh, qua Long An để thắp nén nhang cho những “người AIA” đã mất.

“Mỗi lần tham gia chuyến đi này là một lần cuốn phim hãi hùng quay ngược lại trong tâm trí tôi” - Đỗ Minh Huy, chàng trai 25 tuổi, cao to, khỏe mạnh đã bị ngọn lửa dồn đẩy đến mức phải liều thân nhảy từ tầng năm xuống tầng một ngày nào, kể. Cuốn phim ấy cũng đã quay đi quay lại hàng ngàn lần trong Huy suốt mấy tháng trời nằm điều trị những vết thương chí mạng: gãy cột sống, giập thận, lá lách, suốt cả năm tập vật lý trị liệu, và một cuộc đời mới phải làm quen với nạng chống, xe dành cho người khuyết tật...

“Có những sáng thức dậy nhìn cây gậy bên cạnh, tôi bực bội nghĩ tại sao mình phải thế này? Nhưng rồi mỗi lần ăn một món ngon, xem một cuốn phim hay, du lịch đến một thắng cảnh, tôi lại thấy mình may mắn hơn 60 người khác đã phải ra đi trong ngọn lửa. Tôi lại cảm ơn cuộc đời” - Huy nói.

Huy đã lập gia đình, người vợ không ai khác hơn là chị Xuân Thủy, một đồng nghiệp cũng may mắn thoát nạn 10 năm trước. Họ hạnh phúc bên cô con gái nhỏ đã sớm phải thuộc bài học: không được leo lên lưng cha.

Day dứt tim mẹ


Không nở được một nụ cười như Huy, bà Minh Thu (ở Gò Sỏi, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), mẹ của Phạm Thị Thanh Hương, nguyên nhân viên Công ty Cơ khí điện Hà Tây có văn phòng tại lầu 5 tòa nhà ITC, lại cứ nấc lên với những giọt nước mắt tràn ướt câu chuyện. Hương ra đi khi chỉ mới 24 tuổi, vừa ra trường được hai năm, tháng lương đầu mua tặng mẹ một cái chăn, nhịn may sắm trong “cái tết đầu tiên có tiền” để mua tấm đệm cho mẹ tìm hơi ấm qua những mùa đông miền Bắc. “Tìm được một việc làm mới triển vọng hơn, cháu nó háo hức lên tàu vào Nam, hứa: con sẽ cố gắng làm việc, để dành tiền về nhà xây cho các em một cái buồng tắm” - bà Thu nghẹn ngào. Nhà có bốn cô con gái nhưng suốt bao năm bên rừng cọ, đồi chè Phú Thọ, những sinh hoạt riêng tư chỉ được che chắn bằng những tàu lá cọ.

Thế rồi cô con gái xinh xắn, thông minh nhất nhà, cô gái duy nhất được học hết đại học, được biết cả Hà Nội lẫn Sài Gòn, cô gái mang bao nhiêu kỳ vọng của gia đình trên đôi vai gầy đầy yêu thương và bản lĩnh ấy chỉ đến tòa nhà ở trung tâm thành phố làm việc được đúng 1 tháng 21 ngày.

Khi tin dữ bay về, cả nhà tức tốc vay mượn tiền mua vé máy bay vào TP.HCM, chia nhau tìm kiếm chờ chực ở các bệnh viện, cả tuần liền không tìm được con lại phải thất thểu quay ra. Mấy tháng, cơ quan chức năng lại nhắn tin, lại bay vào thì được thông báo: trước khi có kết quả xét nghiệm ADN, thi thể của Hương đã được một gia đình nạn nhân khác nhận, đã an táng mồ yên mả đẹp. Đến thăm mộ con nhưng tấm bia lại mang tên cô gái khác, bà Thu bàng hoàng không nói nên lời, gia đình bên kia cũng sững sờ không tin đó là sự thật. Thỏa thuận để giải quyết vấn đề không thể có được trong tâm trạng ấy.

“Tôi chỉ thăm con được một lần nữa khi được mời vào tham dự phiên tòa. Tiền bồi thường, tiền xã hội giúp đỡ, tổng cộng được vài chục triệu đồng chi phí đi lại hết. Từ đó đến nay, gia đình khó khăn quá không còn cơ hội vào Sài Gòn nữa, không biết bao giờ mới đổi được tấm bia, bao giờ mới đưa được con về. Tôi vào nghĩa trang xã xới cỏ ở một góc, coi như đó là mộ phần của con, ngày rằm, mồng một, ngày giỗ, ba mươi tết đến đó thắp nén hương, mong vong linh con hiểu mà thông cảm cho mẹ. Cứ thế mà mười năm...” - câu chuyện của bà Thu tắt nghẹn, người nghe chuyện cũng bàng hoàng. Mười năm, vết thương vẫn chưa lành miệng.

10 năm sau vụ cháy ITC - 2

10 năm sau vụ cháy ITC - 3

Những hình ảnh tang thương của 10 năm trước đây

10 năm sau vụ cháy ITC - 4

ITC giờ là bãi đất trống

10 năm sau vụ cháy ITC - 5

Gia đình anh Đỗ Minh Huy - Ảnh: Tự Trung

“Đừng sai lầm như tôi...”

Tiếp tục câu chuyện của những người trong cuộc, chúng tôi tìm gặp ông Lâm Nghĩa Hòa, chủ cơ sở cửa sắt, người đã cho thợ đến hàn dàn đèn ở vũ trường Blue, nguyên nhân gây cháy trực tiếp, người đã bị hội đồng xét xử kết luận là phải chịu trách nhiệm chính, bị kết án 7 năm tù giam, cao nhất trong số 11 bị cáo. Trong phiên tòa ngày ấy, ông Hòa đã thành khẩn đồng ý với tất cả luận điểm luận tội của Viện kiểm sát: sử dụng thợ chưa qua đào tạo, không có phương án thi công an toàn, không giám sát kiểm tra công việc tại chỗ.

Hôm nay, ánh mắt vẫn còn thảng thốt khi nhìn sang dự án tháp SJC, là tòa nhà ITC cũ, tay run rẩy khi lật giở những tờ báo ngày 30 và 31/10/2002, ông Hòa lặp lại: “Năm năm rưỡi trong trại giam (ông được đặc xá trước thời hạn - PV) không đủ để chuộc lại sai lầm của tôi. Vì tôi không được học hành lại đi tuyển thợ cũng y như mình, hai cái dốt cộng lại mà làm nên thảm họa”. Ra tù, được một người bạn tạo cho một công việc mới ở Bình Dương, ông Hòa thấm thía bài học cũ, âm thầm chắt bóp tiền bạc, thời gian để đi học nghề, học cách quản lý từng chi tiết trong công việc. Và ông có một thói quen mới: đọc báo, đọc sách: “Qua biến cố lớn của cuộc đời mới biết tầm quan trọng của sự học. Dù chỉ làm những công việc thông thường thì người có học vẫn hơn người chỉ quen tay, tích lũy kinh nghiệm. Có học sẽ biết rõ hơn những tương quan của công việc với xung quanh để làm tốt hơn và phòng ngừa sự cố”.

Lặng đi khi nhắc lại những thăng trầm, ông Hòa ngần ngừ rồi tiếp tục giãi bày: “Hằng ngày đi làm từ Q.1 tới Bình Dương, nhìn những cơ sở hàn xì nhỏ lẻ dọc đường, tôi cứ tự hỏi có bao nhiêu người trong số thợ kia đã được đào tạo? Sai lầm của tôi nhỏ mà gây hậu quả lớn, nhưng để không lặp lại sai lầm này thì không phải là chuyện nhỏ”.

Cái bắt tay trước ITC

Mười năm, quay lại với những người trong cuộc, chúng tôi tổ chức một cuộc gặp gỡ nho nhỏ giữa Đỗ Minh Huy và ông Lâm Nghĩa Hòa ở quán cà phê đối diện nơi xảy ra thảm họa. Vừa đến, Huy đã nhận ra ngay ông Hòa. Hơn hai giờ trò chuyện, mắt ông Hòa nhiều lúc ngấn ướt: “Trong phiên tòa tôi nhận được sự thông cảm của thân nhân các nạn nhân, còn có người viết đơn lên tòa phúc thẩm xin giảm án dù tôi không kháng cáo. Vào trại lại được hưởng đặc xá, hôm nay gặp anh Huy lại được trò chuyện thân tình. Tôi là người Hoa, sinh ở VN, hiểu rõ lịch sử VN, qua cuộc đời mình càng thấm thía lòng bao dung của người Việt”.

Huy và ông Hòa tươi cười bắt tay trước lúc mỗi người mỗi ngả trên những ngả đường Sài Gòn ngập nắng. Phía bên kia đường, tòa nhà ITC không còn nhưng khoảng đất trống mênh mông vẫn ở đó như một chứng nhân. Mất mát không đong đếm, có những vết thương vẫn chưa lành miệng... tất cả chỉ có thể xoa dịu được bằng tình người.

Nhớ để làm việc tốt hơn

Lực lượng của chúng tôi lúc đó đã cố gắng đến tột cùng, nhưng rồi lực bất tòng tâm, vẫn không thể tránh được tổn thất nặng nề do đám cháy bùng phát quá lớn, quá nhanh, quá nhiều người bị kẹt, trang thiết bị lại hạn chế. Những bài học ở ITC luôn được nhắc đến trong công việc của anh em chúng tôi 10 năm nay. ITC là một câu chuyện không thể nào quên trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.

Sau sự kiện ITC, chúng tôi đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm để nâng cấp toàn diện cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) về tổ chức, nhân sự, trang thiết bị, chế độ chính sách. Vụ ITC là một nhân tố thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc thành lập Sở PCCC (ngày 4/10/2006 - PV, trước đó là Phòng cảnh sát PCCC thuộc Công an TP.HCM), giúp chúng tôi có một cơ chế hoạt động khác mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn. 20 xe chữa cháy công nghệ mới vừa được trang bị, xây dựng thêm các đơn vị PCCC quận huyện, kể cả trên sông, để rút ngắn bán kính hoạt động, tổ chức huấn luyện nhân lực chuyên nghiệp và huấn luyện tại chỗ cho các cơ sở, cao ốc, tòa nhà, nhà máy, xí nghiệp, chung cư...

Ông LÊ TẤN BỬU (phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, chỉ huy trực tiếp chữa cháy tại ITC 10 năm trước)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Vũ (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN