10 năm nuôi vợ bệnh và 3 con tâm thần
Thân hình còm cõi nhưng suốt gần mười năm qua ông Sáu Trọng (tên thật Võ Văn Trọng, sinh năm 1955, ở thôn Phú Lương, xã An Phú, TP Tuy Hòa) phải một thân một mình oằn lưng nuôi vợ bệnh và 3 đứa con điên.
Bằng tuổi ông bây giờ người ta đã được con cháu phụng dưỡng, nhưng đối với ông phải làm thuê mướn lo từng bữa ăn cho cả gia đình. Công việc làm thuê cũng không yên ổn khi thằng út (Võ Văn Nhật, 21 tuổi) lên cơn bỏ nhà đi lang thang, ông phải bỏ công việc bắt xe tất tả ngược xuôi, lúc thì lên Sông Hinh, khi lại ra Sông Cầu… chỉ cần có tin người ta chỉ ở đâu thì ông lại tức tốc đến để đưa con về nhà.
Gánh nặng oằn lưng
Chỉ mới mấp mé bên kia con dốc của cuộc đời nhưng nhìn ông người ta hay nhầm tưởng ông đã xấp xỉ cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Nước da tái nhợt vì thiếu chất, đôi bàn tay khô khốc, săn cón lộ rõ từng đường gân vì lao động nặng, gương mặt khắc khổ hằn lên nhiều nỗi đau bởi nhiều đêm mất ngủ lo lắng cho cuộc đời của mấy đứa con thơ.
Đôi mắt ông đã khô đi vì chẳng còn đâu ra nước mắt để khóc cho vợ và các con.
30 năm trước, ông sáu Trọng là một chàng trai khỏe mạnh, phục viên trở về sau 5 năm tham chiến ở chiến trường K.
Gia đình nghèo khó ông cùng đám thanh niên trong làng rủ nhau tìm về các làng biển ở xã An Phú để đi bạn (đi biển) cho cá thuyền đánh bắt cá.
Tại đây ông đã gặp bà (Võ Thị Bích, 1960, thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa), người sẵn sàng cùng ông đi hết đoạn đường đời còn lại để san sẻ cùng nhau những ngọt bùi trong cuộc sống.
Sau ngày cưới, hai vợ chồng đưa nhau về phía ông (thôn Phú Lương, xã An Phú, TP Tuy Hòa) để làm ăn sinh sống, hàng ngày chăm lo cho mấy sào lúa nước, rỗi công thì chồng theo mọi người chặt mía thuê, phụ hồ.
Còn vợ đạp xe về nhà mẹ mua bán mắm, cá kiếm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Tình yêu giản đơn, ngọt ngào của ông bà lần lượt cho ra đời 4 đứa con thơ.
“Hồi nhỏ tụi trẻ nhà tôi cũng khỏe mạnh học giỏi chẳng kém lũ bạn trong xóm. Thằng lớn của tui từng được chuyển thẳng khỏi phải thi chuyển cấp lên lớp 10 đấy, con chị nó cũng vậy, mà thằng út cũng giỏi lắm…”- ông Trọng nhớ lại.
Trong câu chuyện cuộc sống của gia đình ông, nhiều người hàng xóm cũng nhận ra trong ký ức xa xôi của ông các con ông đứa nào cũng ngoan hiền, học giỏi. Không hiểu vì nguyên cớ gì, khi đến tuổi trưởng thành các con bắt đầu có dấu hiệu thần kinh không ổn định.
Đứa chị đầu Võ Thị Liên (SN 1983), lúc 23 tuổi cái tuổi đẹp nhất thời con gái lại đâm ra ngơ ngẩn, thường xuyên đi thơ thẩn một mình, đêm về lại ôm gối trò chuyện, nói những thứ mông lung không ai hiểu nổi.
Đau dạ, xót con hai vợ chồng vơ vét hết của cải dành dụm bấy lâu, vay mượn thêm bà con chòm xóm đưa con đi chạy chữa khắp nơi từ tây y đến đông y nhưng không khỏi.
Nỗi đau con chị chưa vơi, 3 năm sau thằng con thứ Võ Văn Lượng (1989) đang vừa tròn 20 tuổi, sau một buổi chiều trên đồng về bỗng dưng gào thét, chạy ra quán mua nợ một can xăng, mang về nhà đổ ra bắc lên bếp và bảo để cho nó nấu vàng.
Và từ đó đi lang thang khắp nơi, nói xàm thi thoảng lại chạy đi đâu đó và mang về một can xăng đốt.... “Những lúc như thế nếu không có bà con chòm xóm thì ngôi nhà đã ra tro”- ông Trọng thở dài.
Nỗi khổ tiếp tục đeo đẵng đời ông, cuối năm 2010, cậu con trai út Võ Văn Nhật (SN 1992) đang đi bạn cho các thuyền câu cá ngừ đại dương ở Long Thủy kiếm tiền đỡ đần cho cha mẹ thì không hiểu vì sao lại lăn ra ốm, khi tỉnh lại thì không khác gì các anh chị, nó cũng nói nhảm cả ngày, đêm thì không ngủ và thường xuyên bỏ nhà đi biệt.
Có lúc theo người ta lên tận Sơn Hòa, Đồng Xuân…, khi hay được tin con đang ở đâu lại tất tả chạy tìm dẫn về, nhưng rồi chỉ được vài ngày lại bỏ đi mất.
Nói đến thằng Út Nhật, ông than vãn: “Vừa rồi tôi với cô ruột (Võ Thị Nở) của nó lên tận Đồng Cam chở về, người đầy máu me, quần áo rách bươm, chắc lại té trượt ở đâu đó…”.
Những đêm dài nước mắt cầm không đặng vì thương các con còn nhỏ lại lâm bệnh, đau buồn, vợ ông cũng đâm ra ngơ ngẩn, tay chân yếu ớt không bưng nổi nồi cơm. Chỉ còn được cô con gái giữa Võ Thị Liễu là niềm an ủi cuối cùng của gia đình.
“Sau khi học hết 12, cháu thi đậu vào cao đẳng nhưng vì không có tiền học tiếp nên đành bỏ ngang và hiện đang làm công nhân may công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh để kiếm tiền giúp cha lo cho các anh, chị”- ông Trọng chia sẻ.
Trong cảnh túng bẫn, vợ ốm đau, các con lại thường xuyên lên cơn, một thân một mình không kham nỗi, ông đã gửi đứa chị cho một cơ sở Bảo trợ xã hội Trọng Đức (Lâm Đồng), còn thằng giữa gửi cho bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (Đồng Nai) điều trị, chăm sóc giúp. Thỉnh thoảng nhớ ông lại tìm lên đưa các con về nhà chơi, khi nào chúng trở bệnh lại đưa lên gửi.
Mong được chia sẻ
Thu nhập chính của gia đình ông dựa vào 3 sào lúa nước và số tiền ít ỏi kiếm được từ làm thuê cho bà con quanh vùng.
Ông Trọng tâm sự: “Tuy có nghề thợ xây trong tay nhưng không theo người ta làm nghề được vì nếu đi làm thì mẹ con nó ở nhà chắc phải nhịn đói luôn, hoặc dở có việc gì bất trắc thì không kịp trở tay”.
Hiện nay chỉ có mỗi bà Võ Thị Bích, vợ ông được Nhà nước hỗ trợ cho 170.000 đồng/tháng, góp vào số thu nhập ít ỏi của ông để trang trải cho cả nhà. Còn lại mấy đứa con bị bệnh tâm thần vẫn chưa nhận được sự trợ cấp nào của xã hội.
Ông Trọng nói: “Tôi cũng đã nhiều lần làm đơn trình bày, gửi cả giấy chứng nhận tâm thần của thằng Lượng (của bệnh viện Tâm thần Biên Hòa) cho địa phương, sao chờ mãi vẫn chưa thấy có chế độ hỗ trợ gì? Tôi thì cũng chẳng đòi hỏi gì, nhưng khổ nỗi nhỡ dại có chuyền gì xảy đến với tôi thì mấy đứa nhỏ bơ vơ không có chỗ nương nhờ, tội lắm!”.
Hôm chúng tôi ghé nhà ông, căn nhà được địa phương hỗ trợ xây dựng lại vào năm 2004 theo chương trình xóa nhà tạm. Các vách tường còn in rõ những vệt cáu bẩn do lâu ngày không được lau chùi; góc nhà ngổn ngang những đồ vật không còn giá trị, chiếc quạt máy gãy cánh nằm chỏng chơ trong góc, nồi cơm đã hỏng hóc, gỉ sét …
Mâm cơm trưa với mấy con cá cơm khô kho mặn và bát canh rau muống luộc ăn dở còn để dành buổi chiều, bà Bích (vợ ông) đang ốm nằm một chỗ không đứng dậy nổi…
Hay tin có người đến thăm, bà con chòm xóm kéo đến ngồi chật cả nhà, mỗi người nói vào một câu, ai cũng mong chúng tôi cố gằng giúp đỡ gia đình ông Trọng vì theo họ, một người phải nuôi 4 người bệnh thì thật là khốn khổ.
Tiễn chúng tôi ra ngõ, ông Trọng lại tiếp tục bật lên những tràn ho khan khốc, tấm lưng gầy gộc đã cong đi nhiều, đôi mắt trũng sâu buồn gần như không còn gì có thể làm ông buồn thêm.