1 trại giam phải trả cho doanh nghiệp hơn 17 tỉ đồng
Theo cấp giám đốc thẩm, dù hai bên không thỏa thuận lãi suất nhưng do doanh nghiệp phải đi vay để xây dựng công trình nên trại giam phải trả thêm phần lãi suất.
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có quyết định giám đốc thẩm, giữ nguyên bản án phúc thẩm ngày 20-4-2022 của TAND tỉnh Đắk Lắk trong vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa Công ty cổ phần (CP) Tiến Phát (Gia Lai) và Trại giam Đắk Trung ở huyện Cư M'gar, Đắk Lắk (thuộc Cục 10, Bộ Công an).
Công ty CP Tiến Phát rao bán nhà trả nợ. Ảnh: VŨ LONG
Thỏa thuận giữa các bên không trái luật
Cấp giám đốc thẩm nhận định việc ký văn bản thỏa thuận giữa hai bên về việc thi công tại công trình là xuất phát từ sự tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất giữa các bên và thỏa thuận này không trái luật.
Do Trại giam Đắk Trung vi phạm nghĩa vụ trả tiền nên tòa buộc Trại giam Đắk Trung trả cho Công ty CP Tiến Phát hơn 17 tỉ đồng, trong đó hơn 10,7 tỉ đồng là tiền gốc và gần 6,4 tỉ đồng là lãi suất.
Theo hồ sơ, dự án đầu tư xây dựng Phân trại mới số 3 - Trại giam Đắk Trung có tổng mức đầu tư hơn 66,4 tỉ đồng và được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 51,7 tỉ đồng.
Cuối năm 2012, Công ty CP Tiến Phát và Trại giam Đắk Trung (chủ đầu tư) ký hợp đồng thi công xây dựng gói thầu xây lắp số 01 tại Phân trại K3 (Trại giam Đắk Trung). Đến cuối tháng 6-2014, hai bên đã thực hiện xong và thanh lý hợp đồng.
Theo cấp giám đốc thẩm, việc ký văn bản thỏa thuận giữa hai bên về việc thi công tại công trình là không trái luật.
Tuy nhiên, để các hạng mục công trình của gói thầu trên đưa vào sử dụng thì cần phải xây dựng thêm một số hạng mục khác tại gói thầu số 02, gồm xây nhà thăm gặp, nhà ở cho cán bộ quản giáo, nhà kỷ luật số 02, tường rào cấm…
Ngày 30-6-2016, chủ đầu tư và nhà thầu ký văn bản thỏa thuận để Công ty CP Tiến Phát tiếp tục xây dựng công trình.
Cuối năm 2014, doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng công trình sớm hơn kế hoạch, đồng thời bàn giao cho Trại giam Đắk Trung. Đầu năm 2015, các bên nghiệm thu hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng.
Tại hồ sơ nghiệm thu, hai bên xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng. Công ty đề nghị thanh toán hơn 10,7 tỉ đồng (sau khi thuê một đơn vị kiểm toán độc lập xác định lại giá trị khối lượng đã thi công). Do trại giam không thanh toán nên công ty đi kiện.
Trại giam không có tiền trả Trao đổi với PV, lãnh đạo Trại giam Đắk Trung cho biết đơn vị sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị kháng nghị quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Theo vị này, Công ty CP Tiến Phát cũng có sai. Hơn nữa, việc giải quyết vụ án dân sự không phải một sớm một chiều. Trại giam Đắk Trung là chủ đầu tư nhưng không có vốn để trả. Việc này thẩm quyền thuộc Bộ Công an. |
Doanh nghiệp vay tiền xây dựng công trình cho trại giam
Xử sơ thẩm ngày 28-12-2021, TAND huyện Cư M'gar tuyên buộc trại giam trả cho Công ty CP Tiến Phát hơn 17 tỉ đồng.
Xử phúc thẩm ngày 20-4-2022, TAND tỉnh Đắk Lắk không chấp nhận kháng cáo của trại giam, giữ nguyên án sơ thẩm.
Tháng 11-2022, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm sửa một phần bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk; theo hướng không chấp nhận đòi tiền lãi suất của Công ty CP Tiến Phát và tính lại án phí.
Theo VKS, Trại giam Đắk Trung và Công ty CP Tiến Phát không ký kết hợp đồng xây dựng mà chỉ ký kết với nhau bằng một biên bản thỏa thuận để làm các hạng mục thuộc gói thầu số 02. Thời điểm này, trại giam chưa được bố trí vốn, chưa được cơ quan chức năng thẩm tra, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán; không tổ chức đấu thầu theo quy định.
Điều này là không tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng năm 2003, Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định 112 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình có vốn nhà nước…
Hơn nữa, theo biên bản thỏa thuận thời hạn thanh toán khi chủ đầu tư được bố trí kế hoạch vốn; hai bên không có thỏa thuận thời hạn trả tiền cụ thể và lãi suất chậm thanh toán; Trại giam Đắk Trung không vi phạm thời hạn thanh toán và cũng không có nguồn để trả lãi suất chậm thanh toán.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, tuy hai bên không thỏa thuận lãi suất nhưng do trại giam vi phạm nghĩa vụ thanh toán; đồng thời kinh phí của Công ty CP Tiến Phát xây dựng công trình trên là từ tiền vay ngân hàng nên việc yêu cầu trại giam trả thêm phần lãi suất cho Công ty CP Tiến Phát với số tiền gần 6,4 tỉ đồng là đúng luật.
Tôi phải rao bán nhà để trả nợ Chồng tôi đã qua đời do đột quỵ. Hiện nay, công ty không còn hoạt động nhưng vẫn còn nợ ngân hàng, người thân, đối tác. Tôi đã có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án thi hành quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Qua đó, đề nghị Trại giam Đắk Trung thanh toán khoản tiền đang nợ công ty. Hiện tôi rao bán căn nhà đang ở để lấy tiền trả nợ, đời sống đang rất khó khăn. Bà LÊ THỊ THẮM, vợ giám đốc Công ty CP Tiến Phát (nhà thầu) |
Nguồn: [Link nguồn]
Đề nghị doanh nghiệp bỏ tiền ứng trước để đền bù giải phóng mặt bằng, thế nhưng sau 6 năm doanh nghiệp vẫn mỏi mòn chở để UBND huyện Krông Nô tìm phương án trả nợ.