1/7, phạt lỗi xe chính chủ: Quá cập rập

Theo Thượng tá Lê Đức Đoàn, mức phạt xe chính chủ khá hợp lý nhưng việc áp dụng Nghị định sẽ gây khó cho cả chủ phương tiện và người xử lý.

Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn tất dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, mức phạt mới áp dụng cho xe máy, ô tô không sang tên đổi chủ được quy định từ 100.000 nghìn đồng đến 4 triệu đồng.

Cụ thể, các chủ phương tiện không làm thủ tục chuyển đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản sẽ bị phạt 100.000 - 200.000 đồng đối với xe máy và từ 1 triệu đến 4 triệu đồng đối với ô tô.

Trước đó, cuối năm 2012, quy định xử phạt xe không chính chủ đã khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi và Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng phạt lỗi này trong lúc chờ thông tư hướng dẫn.

Trao đổi với PV, Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1, Công an thành phố Hà Nội cho rằng, mức phạt trong Nghị định không cao, chủ yếu mang tính răn đe. Tuy nhiên, nếu triển khai Nghị định thì sẽ là một bài toán nan giải, vất vả cho cả người điều khiển và người thực thi công vụ.

“Vợ chồng, bố con, mẹ con mượn xe của nhau đi ra đường, mỗi lần lại phải mang theo các loại giấy như: chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn,… quả là phiền phức cho người dân và vất vả cho lực lượng thực thi công vụ. Một quy định mới mà không được người dân tán đồng, ủng hộ triển khai ắt sẽ rất khó khăn”, ông Đoàn nói.

1/7, phạt lỗi xe chính chủ: Quá cập rập - 1

Theo Thượng tá Lê Đức Đoàn, mức phạt xe chính chủ khá hợp lý nhưng việc áp dụng Nghị định sẽ gây khó cho cả chủ phương tiện và người xử lý (Ảnh minh họa)

Theo ông Đoàn, để một quy định mới đi vào đời sống phải có lộ trình cụ thể chứ không thể tiến hành quá cập rập, mang tính áp đặt như hiện nay.

"Nên tuyên truyền cho người dân hiểu được việc làm thủ tục chuyển đổi lại giấy đăng ký xe là xác định quyền sở hữu cho mình, dễ cho cơ quan quản lý, đóng góp vào ngân sách quốc gia hoặc nếu xảy ra vi phạm, tai nạn cơ quan chức năng dễ dàng xác minh…m Hiểu được đầy đủ những điều đó, người dân ắt tự giác làm các thủ tục cần thiết khi mua, khi đi lại bằng xe cũ. Tuy nhiên, lệ phí đăng ký cũng phải nghiên cứu để nó phù hợp với điều kiện của mọi người dân. Như vậy, nó mới có được sự đồng tình của người dân và quy định mới thực sự đi vào đời sống”, ông Đoàn ý kiến.

Ông Đoàn cũng cho rằng thời gian dự kiến áp dụng quy định xử phạt xe không chính chủ bắt đầu từ 1/7 là qúa cập rập, người dân chưa thể hoàn tất các thủ tục theo quy định.

Đồng ý kiến, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng cho rằng, áp dụng Nghị định từ 1/7 là phi thực tế vì Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an sửa đổi Thông tư 36 để tạo điều kiện cho người dân đi sang tên đổi chủ nhưng hiện cơ quan này vẫn chưa ban hành. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu giảm phí trước bạ cho ôtô khi sang tên đổi chủ, song Bộ Tài chính cũng chưa chỉnh sửa. Do đó, đến thời điểm 1/7, hàng triệu ôtô, xe máy trên cả nước chưa thể hoàn tất việc sang tên đổi chủ và nộp phí bảo trì đường bộ. Nếu xử phạt từ thời điểm này sẽ là ép dân, sẽ gây phản ứng trong nhân dân.

“Việc sang tên đổi chủ hàng triệu phương tiện trong cả nước muốn hoàn thành nhanh cũng phải mất vài năm. Có rất nhiều trường hợp như chủ cũ chết, ra nước ngoài... rất phức tạp để chuyển tên. Theo tôi, cần có thời gian dài đủ để người dân hoàn tất việc chuyển tên thì mới nên bắt đầu việc phạt”, ông Hùng đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Tường (Kiến thức)
Xử phạt xe không chính chủ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN