Mang thai hộ: Không dễ!

Những quy định ngặt nghèo có thể ngăn chặn được tình trạng “đẻ thuê” nhưng đây cũng là rào cản đối với các cặp vợ chồng muốn nhờ mang thai hộ.

Từ ngày 15-3, quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo chính thức có hiệu lực. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không thể có con sẽ có cơ hội được làm cha, làm mẹ.

Chỉ “nhờ bụng”

Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia (Bệnh viện Phụ sản trung ương), những ngày qua có nhiều cặp vợ chồng đến đăng ký thực hiện kỹ thuật MTH.

Chị N. (43 tuổi, ngụ TP Hải Phòng) là một trong số rất nhiều phụ nữ hiếm muộn không thể mang thai. Khi biết nhà nước cho phép nhờ người MTH, chị đến đây để làm thủ tục. Chị cho biết 2 vợ chồng đã chạy chữa hơn 10 năm không có kết quả vì niêm mạc của chị quá mỏng không thể mang thai.

“Em dâu đã đồng ý giúp tôi MTH. Vợ chồng tôi đang cố gắng hoàn tất các thủ tục với hy vọng được làm cha mẹ” - chị N. chia sẻ.

Mang thai hộ: Không dễ! - 1

Bệnh viện Phụ sản trung ương - 1 trong 3 cơ sở đã nhận được nhiều hồ sơ đăng ký xin mang thai hộ - Ảnh: Ngọc Dung

Một số ý kiến cho rằng quy định chỉ những người chưa bao giờ có con mới được nhờ MTH là quá khắt khe. Sau khi có 1 đứa con nhưng không may trục trặc, có những cặp vợ chồng không thể mang thai tiếp được thì nên có những quy định ngoại lệ để làm sao có thể giúp được nhiều nhất cho họ.

GS-TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia - cho biết việc MTH được quy định khá chặt chẽ. Kỹ thuật MTH là hình thức nhờ bệnh viện lấy trứng của mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ MTH. Đứa trẻ sinh ra vẫn mang đầy đủ nhóm máu và gien của cha hoặc mẹ chứ không phải của người MTH.

Lo ngại tranh chấp

Trước những lo ngại việc MTH sẽ biến tướng vì mục đích thương mại, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết với các cơ sở y tế khi được phép thực hiện kỹ thuật này, trách nhiệm của họ là xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kỹ thuật MTH, đồng thời chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ và về chuyên môn, kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật MTH phải có kế hoạch điều trị. Trường hợp không thể thực hiện được thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

“Với các điều kiện ngặt nghèo có thể ngăn chặn được những ca MTH vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, việc thủ tục nhiều cũng là rào cản khiến các cặp vợ chồng muốn nhờ MTH không đáp ứng được” - ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), nói và cho biết trong số 22 trung tâm ở Việt Nam đã thực hiện được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, năm 2015, Bộ Y tế chỉ cho phép 3 đơn vị đại diện cho 3 vùng miền được thực hiện vì mục đích nhân đạo, gồm các bệnh viện: Phụ sản trung ương, Trung ương Huế, Từ Dũ.

Cũng theo ông Quang, tại một số nước trên thế giới, với các điều kiện quy định về MTH tương tự thì trong 1 năm chỉ có khoảng 15-20 cặp vợ chồng có hồ sơ hoàn thiện, mới đáp ứng các điều kiện được phép MTH. Dự kiến, sau 1 năm, Bộ Y tế sẽ mở rộng kỹ thuật này tại các trung tâm đáp ứng đủ yêu cầu.

Ở góc độ của bệnh viện được giao thực hiện, GS-TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết bệnh viện này hoàn toàn đáp ứng được. Việc thẩm định mối liên hệ bà con giữa người MTH và cặp vợ chồng nhờ MTH là trách nhiệm của chính quyền địa phương thông qua giấy xác nhận theo quy định chung. Bệnh nhân và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận mối liên hệ này, bệnh viện không thể và cũng không đủ khả năng xác minh. Việc ban hành mẫu đơn, quy định cấp chính quyền nào xác nhận... hiện đang còn chờ thông tư hướng dẫn.

Ông Phú cũng cho biết hiện bệnh viện đã nhận hồ sơ của 3 cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ MTH vì mục đích nhân đạo. Trong đó, một cặp vợ chồng mà vợ đã bị cắt tử cung vì u xơ tử cung; một cặp vợ chồng mà người vợ bị u cơ tử cung lớn không thể mang thai. Cặp vợ chồng còn lại đã làm thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần nhưng thai vẫn không làm tổ được do nguyên nhân tử cung.

Bảo đảm bí mật, riêng tư  

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, các cặp vợ chồng có quyền nhờ người MTH khi có đủ các điều kiện: Có xác nhận của đơn vị y tế về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi làm thụ tinh ống nghiệm; vợ chồng không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Người được nhờ MTH phải có các điều kiện: là người thân thích cùng hàng của bên vợ (hoặc bên chồng) nhờ MTH; từng sinh con và chỉ được MTH một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của đơn vị y tế về khả năng MTH; nếu người MTH đã có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

 

Luật cũng quy định trong lúc MTH, chưa giao đứa trẻ mà cả vợ chồng bên nhờ MTH chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên MTH có quyền nhận nuôi đứa trẻ. Nếu bên MTH không nhận nuôi thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của luật này và Bộ Luật Dân sự. Vợ chồng nhờ MTH, người MTH và trẻ sinh ra được bảo đảm bí mật, riêng tư. Việc MTH vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.                                             

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung - Quang Tám ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN