Bác sĩ Nguyễn Thị Vân hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị vàng da sơ sinh
Vàng da sơ sinh là một vấn đề phổ biến, phần lớn đều là các trường hợp sinh lý và không cần điều trị gì. Tuy nhiên, vàng da bệnh lý là một tình trạng nặng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra hậu quả nặng nề cho trẻ. Để tránh chủ quan, trong bài viết dưới đây, bác sĩ Nguyễn Thị Vân sẽ chia sẻ một số thông tin cần thiết và cách chăm sóc trẻ bị vàng da sơ sinh sao cho đúng.
Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da xảy ra ở cả với trẻ non tháng và đủ tháng. Đây là hiện tượng da, củng mạc mắt trẻ có màu vàng do sự gia tăng nồng độ bilirubin trong máu, gây lắng đọng bilirubin trên da.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Vân – Chuyên điều trị, cấp cứu bệnh lý Nhi – Sơ Sinh, bilirubin được chia thành 2 loại là bilirubin trực tiếp và bilirubin gián tiếp. Bilirubin là sản phẩm được giải phóng khi hồng cầu bị phá vỡ. Theo sinh lý bình thường, gan sẽ là nơi chuyển hóa bilirubin để đào thải ra ngoài theo phân và nước tiểu. Vì 1 lý do mà lượng bilirubin tăng quá cao như hồng cầu bị phá vỡ quá nhiều, chức năng gan chưa hoàn thiện, hay con đường vận chuyển sản phẩm bị tắc nghẽn... cơ thể không thể đào thải kịp, sẽ dẫn đến ứ đọng và gây vàng da.
“Vàng da do tăng bilirubin gián tiếp có thể là vàng da sinh lý hoặc bệnh lý. Nhưng vàng da do tăng bilirubin trực tiếp thì chắc chắn là vàng da bệnh lý.” – Bác sĩ Nguyễn Thị Vân khẳng định.
Vàng da do tăng Bilirubin gián tiếp có thể là do trẻ bú mẹ không đủ hay thành phần sữa thay đổi. Cũng có thể do gặp các bệnh lý như trẻ sinh non, bị nhiễm khuẩn huyết do E. Coli, tụ cầu, trực khuẩn. Hay khi trẻ phải dùng vitamin K tổng hợp, Naphtalen, thiazid với liều cao trong thời gian dài cũng khiến vàng da sơ sinh, nhất là những bé sinh thiếu tháng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân
“Những bất thường khác như: hội chứng Gilbert, bệnh lý chuyển hóa di truyền, suy giáp, galactosemia, thiếu men hồng cầu G6PD, thiếu men Pyruvate kinase, bệnh Thalassemia. Những trẻ sinh ra bị hẹp môn vị, tắc ruột phân su,… đều có nguy cơ tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột, dẫn tới vàng da.” – Bác sĩ Nguyễn Thị Vân cho biết.
Vàng da do tăng Bilirubin trực tiếp có thể là các bệnh về gan: Viêm gan sơ sinh tự phát, nhiễm virus viêm gan B, nhiễm trùng huyết, porphyria bẩm sinh, phù nhau thai,.. Hay các bệnh về đường mật như: Teo đường mật bẩm sinh, Hội chứng alagille,...
Bác sĩ hướng dẫn điều trị và chăm sóc vàng da sơ sinh
Bác sĩ khuyên mẹ nên cho trẻ ăn thường xuyên, 8-12 bữa/ngày để kích thích tăng tốc độ chuyển hóa bilirubin dư thừa trong cơ thể. Quan tâm sát sao vấn đề đi ngoài của bé, theo dõi màu sắc phân, nước tiểu. Nên giữ ấm cơ thể cho bé và đặt nằm phòng đủ ánh sáng giúp dễ dàng quan sát màu da. Trường hợp nồng độ bilirubin của trẻ vẫn cao hoặc tiếp tục tăng lên thì cần sử dụng đến các biện pháp khác như:
Chiếu đèn vàng da - là phương pháp vật lý. Sử dụng ánh sáng từ đèn chuyên dụng để đồng phân bilirubin ở mô dưới da thành dạng hòa tan trong nước để đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Phương pháp này có thể thực hiện tại bệnh viện hoặc tại nhà với điều kiện phải có sự chỉ định và dưới sự theo dõi giám sát của bác sĩ có chuyên môn.
Sử dụng 1 số thuốc để tăng quá trình liên hợp bilirubin, giảm quá trình tan máu để giảm sản xuất bilirubin tự do
Thay máu - Phương pháp này chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa sâu về sơ sinh, được chỉ định trong những trường hợp vàng da nặng và 1 số bệnh lý miễn dịch.
Bác sĩ trực tiếp thăm khám cho bé
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân cũng chia sẻ thêm 1 số cách chăm sóc trẻ bị vàng da tại nhà cụ thể như sau:
- Ba mẹ phải đảm bảo trẻ được ăn và nghỉ ngơi đủ: Tiếp tục cho trẻ bú hoặc ăn đúng lịch trình. Việc ăn đủ sẽ giúp trẻ loại bỏ bilirubin qua phân. Nghỉ ngơi đủ giúp trẻ có thời gian để phục hồi sức khỏe.
- Theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ. Quan sát các dấu hiệu không bình thường như bơ phờ, khó thức dậy, tiếng khóc không bình thường hoặc sốt.
- Thường xuyên kiểm tra tình trạng da của trẻ. Theo dõi sự thay đổi trong màu sắc của da và mắt của trẻ. Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện nào không bình thường, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay.
Vàng da sơ sinh là 1 vấn đề vừa cũ vừa mới. Chúng ta thường nhắc đến vàng da sinh lý bởi tính phổ biến của nó nên đôi khi chủ quan và bỏ qua các vấn đề bệnh lý. Chính vì vậy ba mẹ cần nắm bắt những thông tin cơ bản đầy đủ và chủ động tương tác với bác sĩ thường xuyên đề phòng những trường hợp rủi ro không đáng có, ảnh hưởng xấu tới bé.
Nguồn: [Link nguồn]