Yếu tố quyết định giúp hạm đội tàu sân bay Mỹ đánh chìm tàu sân bay TQ?
Chuyên gia Nga nhận định rằng Mỹ có yếu tố quyết định đánh bại tàu sân bay Trung Quốc trên biển, dù Bắc Kinh có thế mạnh về tên lửa siêu thanh.
Mỹ rất mạnh trong tác chiến trên biển nhờ những bài học lịch sử.
Theo National Interest, Konstantin Sivkov, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga, nhận định rằng Mỹ có ưu thế về năng lực trinh sát, trong khi Trung Quốc mạnh về hỏa lực.
Nhận định của Sivkov dựa trên những tính toán từ thời Thế chiến 2, khi tàu sân bay Mỹ nghênh chiến với tàu sân bay Nhật. Mỹ đã may mắn đánh chìm các tàu sân bay Nhật trong trận hải chiến Midway nhờ phát hiện mục tiêu trước, trong khi Nhật Bản vẫn loay hoay không biết tàu sân bay Mỹ ở đâu.
“Yếu tố quan trọng nhất quyết định chiến thắng trên biển không phải là hỏa lực, số lượng vũ khí mà là khả năng trinh sát ở đại dương”, Sivkov viết trên tạp chí quân sự Nga. “Vượt qua đối phương ở điểm này, hải quân Mỹ dễ dàng làm chủ trận chiến dù Trung Quốc có tên lửa chống hạm uy lực”.
Mỹ hiện vẫn là nước có hạm đội tàu sân bay hùng hậu nhất, trong khi Trung Quốc mới hoàn thành xong một chiếc, sắp hoàn thiện một chiếc nữa và có thể đóng thêm 6 chiếc để củng cố sức mạnh ở vùng biển tây Thái Bình Dương.
Trong tương lai, Nga có thể bị loại khỏi một bên trong cuộc chiến giữa các tàu sân bay vì tàu Kuznetsov vẫn chưa sửa xong, trong khi không biết bao giờ mới có tàu sân bay mới.
Sivkov nói vì Trung Quốc không có mạng lưới căn cứ ở hải ngoại nên trận chiến giả định giữa hai tàu sân bay sẽ diễn ra trong khoảng 500-1.500km tính từ đất liền Trung Quốc hoặc đồng minh.
Tàu sân bay Trung Quốc không mang được số lượng lớn máy bay như Mỹ.
Để tiêu diệt tàu sân bay Mỹ, quân đội Trung Quốc sẽ trang bị hàng loạt tên lửa chống hạm siêu thanh cho tiêm kích hạm và cả oanh tạc cơ.
“Nếu người Mỹ cố gắng kéo trận đánh ra giữa đại dương, Trung Quốc sẽ tìm cách né tránh. Nếu không thể, các lực lượng Trung Quốc vừa rút lui, vừa chống đỡ đòn tấn công”, Sivkov viết.
Tàu sân bay Trung Quốc đóng mới chỉ có lượng giãn nước bằng khoảng một nửa tàu sân bay Mỹ, nên số lượng máy bay cũng ít hơn. Trung Quốc phụ thuộc vào tàu ngầm, máy bay ném bom tầm xa H-6K, máy bay trinh sát, vệ tinh để xác định vị trí hạm đội tàu sân bay Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ có phi đội máy bay trinh sát E-2 Hawkeye, máy bay tác chiến điện tử EA-18 và cả máy bay cảnh báo sớm cất cánh từ đất liền.
Sivkov tin rằng hạm đội tàu sân bay Mỹ sẽ dễ dàng vô hiệu hóa các tàu ngầm, máy bay ném bom Trung Quốc, đồng thời phát hiện vị trí tàu sân bay Trung Quốc trước.
Tên lửa chống hạm YJ-18 của Trung Quốc.
Sivkov nói Mỹ có thể đưa ra tọa độ chính xác của tàu sân bay Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh chỉ có thể cung cấp một phạm vi khả nghi. “Đến lúc đó, thương vong đã xảy ra. Trung Quốc mất một vài tàu ngầm, tàu chiến và cả máy bay. Mỹ rất ít khả năng chịu thiệt hại hoặc nếu có cũng rất ít”.
Ở giai đoạn giao chiến trực diện, số lượng tiêm kích hạm Trung Quốc xuất kích làm nhiệm vụ tấn công rất hạn chế, vì còn phải giữ lại một nửa làm nhiệm vụ cảnh giới trên không.
Một số tàu khu trục Mỹ có thể trúng tên lửa chống hạm Trung Quốc và bị loại khỏi vòng chiến đấu. Nhưng đòn tấn công từ hơn 30 tiêm kích hạm Mỹ là rất mạnh. Chỉ cần đến lượt xuất kích thứ hai, tiêm kích cất cánh từ tàu sân bay Mỹ sẽ đánh chìm tàu sân bay Trung Quốc.
Đến lúc này, 4 hoặc 5 tàu khu trục Trung Quốc sẽ cố gắng vượt qua làn đạn để tấn công tàu chiến Mỹ bằng tên lửa chống hạm YJ-18. Mỗi tàu khu trục mang theo 16 tên lửa loại này.
Các tàu khu trục Mỹ chuyên về khả năng phòng thủ tên lửa, sẽ phải chống đỡ ở mức tối đa có thể, chờ tiêm kích hạm quay về tiếp nhiên liệu và nạp vũ khí.
Sivkov đánh giá 30-40 tên lửa YJ-18 sẽ làm suy yếu hạm đội tàu sân bay Mỹ, nhưng tổn thất bên phía Trung Quốc lớn hơn nhiều.
Đến lúc này, Trung Quốc không còn cách nào khác là phải rút lui, hạm đội Mỹ sẽ cố gắng truy đuổi và tung ra thêm một lượt không kích nữa.
Theo Sivkov, tàu sân bay Trung Quốc chịu thiệt hại nặng, bị loại khỏi vòng chiến đấu, thậm chí là bị đánh chìm, cùng 4-5 tàu hộ tống và khoảng 1-2 tàu ngầm. Số lượng máy bay tổn thất tương đương một nửa tiêm kích trang bị cho hạm đội.
Hạm đội Mỹ mất 2-3 tàu chiến, khoảng 20% số lượng máy bay. Tàu sân bay đóng vai trò soái hạm gần như không hề hấn gì. Nói cách khác, càng giao tranh tàu sân bay Trung Quốc sẽ chỉ càng thua thiệt, theo Sivkov.
Tất cả sự chú ý đều tập trung vào tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – Liêu Ninh – và một số tàu sân bay khác đang...