Yếu tố quyết định cuộc khủng hoảng khí đốt châu Âu sau khi Nga cắt nguồn cung

Với việc Nga cắt gần như hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu, phương Tây đã đối phó bằng cách cắt giảm mức độ sử dụng và đa dạng hóa nguồn cung. Nhưng liệu các nước châu Âu có cạn kiệt khí đốt vào mùa đông hay không phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng. Đó là thời tiết.

Châu Âu tiêu thụ khí đốt ở mức nào phụ thuộc rất lớn vào thời tiết mùa đông.

Châu Âu tiêu thụ khí đốt ở mức nào phụ thuộc rất lớn vào thời tiết mùa đông.

Một mùa đông dài và khắc nghiệt bất thường sẽ làm tăng nhu cầu sưởi ấm và có thể khiến các nước châu Âu rơi vào cảnh thiếu khí đốt nghiêm trọng, đe dọa nỗ lực phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch. 

Lượng gió và mưa ở lục địa cũng sẽ quyết định mức năng lượng các quốc gia châu Âu có thể sản xuất được từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Thời tiết từng đóng vai trò quan trọng trong nhiều cuộc xung đột quân sự, trong chiến dịch xâm lược Nga của hoàng đế Pháp Napoleon hay trong Thế chiến 2.

Trong cuộc chiến kinh tế hiện nay giữa Nga và phương Tây, thời tiết cũng sẽ là yếu tố quyết định liệu châu Âu có cạn nguồn khí đốt trong mùa đông hay không và giá điện tăng cao kỷ lục sẽ gây ra thiệt hại thế nào, theo tờ Wall Street Journal (WSJ).

Trước mùa đông, nhiều nhà máy sản xuất phân bón, luyện kim ở châu Âu đã giảm sản lượng, trong khi giới chức các nước kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm nhiệt độ máy sưởi, tắm ít hơn. Các quốc gia châu Âu như Đức tìm mọi cách để tránh kịch bản thiếu hụt khí đốt hay phải phân bổ năng lượng theo định mức.

"Thời tiết sẽ là yếu tố chủ chốt", Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại công ty tư vấn Eurasia, nói. "Một mùa đông không quá lạnh sẽ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và châu Âu có thể vượt qua mà không cần khí đốt Nga, cũng như không cần áp đặt các biện pháp hạn chế".

Châu Âu đã áp đặt các biện pháp cắt giảm sử dụng khí đốt, ví dụ như tắt đèn khi trời tối muộn.

Châu Âu đã áp đặt các biện pháp cắt giảm sử dụng khí đốt, ví dụ như tắt đèn khi trời tối muộn.

"Ngược lại, một mùa đông dài và lạnh giá sẽ buộc các chính phủ châu Âu phải áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn", ông Gloystein nói.

Hôm 2/9, mối lo ngại của châu Âu đã trở thành hiện thực khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu lục qua đường ống Nord Stream 1.

Gián đoạn nguồn cung ở Mỹ cũng ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG), vốn được châu Âu coi như một giải pháp thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga. Tình hình phức tạp hơn khi hạn hán kéo dài làm giảm sản lượng thủy điện, trong khi nhiều nhà máy hạt nhân Pháp cũng phải ngừng hoạt động để bảo trì.

Trong tình cảnh đó, châu Âu đang phải chờ đợi tin tức tốt đẹp đến từ thời tiết. "Chúng tôi sẽ không thiếu khí đốt trừ khi phải tiêu thụ nhiều hơn nếu thời tiết mùa đông cực kỳ lạnh giá và sản lượng điện từ các nguồn khác thiếu hụt", Catherine MacGregor, giám đốc điều hành công ty năng lượng Pháp Engie SA, nói.

Theo tính toán, mùa đông lạnh bất thường có thể làm giảm lượng khí đốt dự trữ của châu Âu từ mức 80% hiện nay xuống còn 4% vào tháng 3.

Nếu viễn cảnh đó xảy ra, châu Âu sẽ đối mặt với thách thức lớn vì nhiều khả năng chỉ có thể tích trữ khí đốt ở mức 63% trước mùa đông năm sau, công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nói.

Ngược lại, một mùa đông ôn hòa sẽ đem lại hiệu ứng trái ngược. Nhiệt độ cao hơn sẽ giúp giảm lượng khí đốt tiêu thụ.

Dominik Jung, giám đốc tại cơ quan dự báo thời tiết Q.met GmbH ở Đức, nói mùa đông năm nay ở châu Âu sẽ khá ôn hòa, với nền nhiệt cao hơn 0,8-1,9 độ C so với trung bình từ năm 1991 tới 2020.

"Tôi không cảm thấy quá lo lắng về mùa đông. Với xu hướng hiện tại, tôi không nghĩ lượng khí đốt tiêu thụ sẽ quá cao", ông nói.

Tuy nhiên, các dự báo thời tiết dài hạn luôn đi kèm với mức độ không chắc chắn cao. Thời tiết toàn cầu là một hệ thống phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất thường liên quan đến áp suất, lượng mưa và gió.

"Ngay cả trong một mùa đông ôn hòa, vẫn có những đợt lạnh ngắn", ông Jung nói.

Người dân châu Âu tăng dự trữ củi để sưởi ấm vào mùa đông.

Người dân châu Âu tăng dự trữ củi để sưởi ấm vào mùa đông.

Công ty S&P Global Commodity Insights ước tính nhiệt độ ấm hơn 1 độ C có thể làm giảm 6% nhu cầu khí đốt trong những tháng mùa đông ở các nước châu Âu như Đức và Anh.

Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới mùa đông năm nay là La Nina, hiện tượng nhiệt độ bề mặt đại dương giảm mạnh. AccuWeather dự báo do ảnh hưởng của La Nina, mùa đông năm nay sẽ có nhiều biến động hơn về nhiệt độ và tần suất của các cơn bão.

Thời tiết ấm hơn trong những tháng mùa thu cũng đi kèm một số bất lợi. Nó có thể kéo dài tình trạng hạn hán ở châu Âu. Các chuyên gia đánh giá châu Âu đang trải qua hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua.

"Nếu dự báo thời tiết mùa đông ôn hòa hơn trở thành hiện thực, nó sẽ giúp ích cho ngành sản xuất điện. Nhưng giá năng lượng vẫn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phức tạp khác", Carlos Torres Diaz, người đứng đầu bộ phận năng lượng của công ty tư vấn Rystad Energy, nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Nga nêu 2 kịch bản về khí đốt để châu Âu chọn

Chủ tịch Hạ viện Nga – ông Vyacheslav Volodin – cho rằng, châu Âu không thể có an ninh năng lượng, nếu thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH AN - WSJ ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN