Yếu tố "không giống đội nào" góp phần giúp tuyển Ma Rốc vượt BĐN đi sâu tại World Cup
Hành trình gây bất ngờ của đội tuyển Ma Rốc (Morocco) tại World Cup 2022 vẫn chưa dừng lại và một trong những dấu ấn rõ nét nhất là chính sách tìm kiếm tài năng ở cộng đồng người di cư.
Ma Rốc là đội tuyển có số cầu thủ sinh ra ở nước ngoài tham dự World Cup lớn nhất.
14 trong số 26 cầu thủ Ma Rốc tham dự World Cup sinh ra ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia, lớn hơn bất cứ đội bóng nào khác tham dự World Cup 2022 tại Qatar, theo Reuters.
Điều này được cho là cung cấp sự kết hợp đa dạng giữa những cầu thủ tiềm năng đến từ các cộng đồng người di cư Ma Rốc trên khắp châu Âu.
Hôm 10/12, Ma Rốc gây tiếp tục làm nên bất ngờ khi đánh bại Bồ Đào Nha tại tứ kết World Cup. Đội tuyển Ma Rốc đi vào lịch sử khi là đội tuyển Ả Rập đầu tiên và cũng là đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào bán kết một kỳ World Cup.
Các cá nhân sinh ra ở nước ngoài đáng chú ý của Ma Rốc phải kể từ Younes Bounou, thủ môn sinh ra ở Canada mới chỉ để lọt lưới một bàn. Tuyển thủ Achraf Hakimi sinh ra ở Madrid, Tây Ban Nha, đang là nhân tố vững chắc nhất của Ma Rốc ở vị trí hậu vệ cánh phải.
Tiền vệ Sofyan Amrabat, người sinh ra ở Hà Lan, được coi là nhạc trưởng của đội tuyển Ma Rốc ở tuyến giữa. Trong khi đó, tiền đạo Sofiane Boufal thi đấu dạt sang bên trái là người sinh ra ở Pháp.
Việc tìm kiếm các cầu thủ gốc Ma Rốc tiềm năng ở các quốc gia như Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha là chính sách được bóng đá Ma Rốc thực hiện kể từ World Cup 1998.
Ma Rốc là một trong những cộng đồng người nhập cư lớn nhất ở châu Âu, ước tính vào khoảng 5 triệu người. Cộng đồng này có mối liên hệ gần gũi với quốc gia.
Một nghiên cứu của Hội đồng Cộng đồng Ma Rốc ở nước ngoài - một cơ quan chính phủ - cho biết 61% người Ma Rốc ở Châu Âu trong độ tuổi từ 18 đến 35 đến thăm vương quốc Bắc Phi hàng năm.
Liên đoàn bóng đá Ma Rốc có những tuyển trạch viên tài năng trên khắp châu Âu, nhanh chóng thuyết phục các cầu thủ gốc Ma Rốc thi đấu cho đội quyển quốc gia. Tiền vệ Hakim Ziyech sinh ra ở Hà Lan, từng cân nhắc về khả năng đầu quân cho đội tuyển Hà Lan hay Ma Rốc và cuối cùng chọn quốc gia Bắc Phi.
Đội tuyển Ma Rốc đã đi vào lịch sử World Cup với thành tích lọt vào bán kết và vẫn có thể tạo thêm những bất ngờ.
Amrabat cũng giống như Ziyech, từng thi đấu cho đội trẻ Hà Lan, nhưng sau đó đã được gia đình tác động để khoác áo đội tuyển Ma Rốc.
"Cha mẹ tôi là người Ma Rốc và ông bà tôi cũng vậy. Mỗi khi tới Ma Rốc, tôi đều có cảm giác đây là quê hương của mình. Hà Lan cũng là quê hương tôi, nhưng Ma Rốc đặc biệt hơn", Amrabat nói.
"Các cầu thủ gốc Ma Rốc được các tuyển trạch viên tiếp cận từ rất sớm nhằm thuyết phục họ khoác áo ĐTQG. Chúng tôi không ép buộc, đó là quyết định của cầu thủ cũng như gia đình họ", Noureddine Moukrim, một tuyển trạch viên của đội tuyển Ma Rốc trong 9 năm, nói.
Nhưng cũng có những luồng quan điểm quan ngại, cho rằng chiến lược này khiến các cầu thủ sinh ra ở Ma Rốc lép vế hơn.
“Trước World Cup, chúng tôi đối mặt với vấn đề chọn cầu thủ sinh ra ở châu Âu hay sinh ra ở Ma Rốc", huấn luyện viên Walid Regragui, người cũng sinh ra ở nước ngoài, gần đây nói. "Một số phóng viên đã đặt câu hỏi tại sao không chọn các cầu thủ sinh ở quê nhà".
"Hôm nay, chúng tôi đã chứng minh người Ma Rốc dù sinh ra ở đâu vẫn là người Ma Rốc. Khi thi đấu cho ĐTQG, các cầu thủ sinh ra ở nước ngoài vẫn luôn nỗ lực hết sức mình", ông Regragui nói. "Ví dụ như tôi sinh ra ở Pháp, nhưng tôi vẫn luôn một lòng hướng về quê hương".
Nguồn: [Link nguồn]
Nếu không biết về Morocco, nhiều người có thể nhầm rằng họ đang xem một đội tuyển châu Âu thi đấu.