Ý tưởng chỉnh sửa hồng cầu để tạo siêu chiến binh của Mỹ
Quân đội Mỹ đang nghiên cứu ý tưởng chỉnh sửa hồng cầu để giúp binh sĩ có thể chống chọi hiệu quả hơn trong môi trường khắc nghiệt.
Cơ quan Nghiên cứu Dự án Phòng thủ Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc đang tìm kiếm thành viên cho dự án Nhà máy Sản xuất Hồng cầu, trong đó nghiên cứu khả năng đưa "các thành phần hoạt tính sinh học", được họ gọi bằng cái tên "hàng hóa", vào hồng cầu.
DARPA hy vọng dự án này sẽ cải thiện các bộ phận sinh học nhất định, giúp binh sĩ Mỹ có thể hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường nguy hiểm hoặc khắc nghiệt như một dạng "siêu chiến binh".
Christopher Bettinger, giáo sư chuyên ngành kỹ thuật y sinh và là người giám sát dự án, cho biết hồng cầu sẽ đóng vai trò như "xe tải" để đưa "hàng hóa" hoặc các chất bảo vệ đặc biệt đi khắp cơ thể.
"Trong trường hợp bổ sung được các thành phần hoạt tính sinh học vào hồng cầu, liệu chúng có giúp quân nhân sở hữu những lợi ích như tăng cường khả năng chống chịu hay không", ông đặt câu hỏi và cũng là mục tiêu của dự án được DARPA triển khai.
DARPA sẽ không thử nghiệm phương pháp này trên người hay động vật, mà chỉ dùng các túi máu. Dự án mới là nghiên cứu mang tính nền tảng, nhưng có khả năng sẽ giúp giới khoa học xác định phương hướng phát triển cho lĩnh vực chỉnh sửa tế bào trong tương lai.
Dự án cũng giúp quân đội Mỹ thay đổi cách đối phó với các căn bệnh liên quan tới hồng cầu như sốt rét, theo giáo sư Bettinger.
Lính Mỹ tuần tra chung với lực lượng Hàn Quốc ở Josa-ri hồi tháng 9. Ảnh: USMC
"Thử hình dung các binh sĩ mang trong người tế bào hồng cầu chứa hợp chất chống lại bệnh sốt rét. Nó giống như hệ thống truyền thuốc tự động, chuyên bảo vệ người lính khỏi nguy cơ nhiễm trùng và ngăn vi khuẩn phát triển", chuyên gia này nói.
Các nhà nghiên cứu cũng đề cập khả năng chỉnh sửa hồng cầu để kéo dài hiệu lực thuốc. Theo đó, binh sĩ chỉ cần dùng một liều duy nhất để tăng sức đề kháng trong vài tuần hay vài tháng, thay vì phải uống thuốc bổ sung đều đặn hàng ngày.
Một công dụng tiềm năng khác của chỉnh sửa hồng cầu là ngăn xuất huyết do chấn thương, trong đó có những vết thương trong chiến đấu. "Chấn thương gây ra một loạt phản ứng sinh học, trong đó có vỡ hồng cầu", giáo sư Bettinger nói.
Trên cơ sở này, DARPA có thể nghiên cứu phương pháp khiến máu tự đông khi gặp chấn thương nặng, ngăn nguy cơ tử vong do mất máu.
"Một tế bào hồng cầu thường tồn tại trong máu khoảng 4 tháng và sẽ đi qua hầu hết các cơ quan nội tạng trong cơ thể", Samir Mitragotri, giáo sư ngành kỹ thuật y sinh tại Đại học Havard của Mỹ, cho biết.
Theo ông, mật độ và tuổi thọ tương đối dài của hồng cầu trong cơ thể con người là lý do khiến tế bào này trở thành mục tiêu nghiên cứu hấp dẫn đối với giới khoa học. Dù vậy, Mitragotri lưu ý rằng chỉnh sửa quá mức sẽ khiến cơ thể không còn nhận ra hồng cầu và khiến tế bào bị tiêu hủy nhanh hơn.
Ngoài quân sự, các bước tiến trong lĩnh vực y sinh cũng có khả năng trở thành bước ngoặt với điều trị các bệnh truyền nhiễm và ung thư, vốn đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài. "Đây là lĩnh vực rất hứa hẹn", Mitragotri nêu quan điểm.
Binh sĩ Mỹ leo dây trong cuộc thi ở căn cứ Fort Cavazos, bang Texas, tháng 5/2024. Ảnh: US Army
Bộ Quốc phòng Mỹ từ lâu đã tìm cách ứng dụng kỹ thuật y sinh để phục vụ mục đích quân sự, trong đó có hiểu rõ hơn sức khỏe thể chất và tinh thần của binh sĩ thông qua công nghệ sinh học. Nhiều nghiên cứu về tăng cường sức mạnh thể chất của binh sĩ đã được tiến hành.
Lục quân Mỹ năm 2019 công bố báo cáo mang tên "Binh sĩ Người máy 2050", trong đó trình bày chi tiết quân nhân hưởng lợi trong tương lai nhờ công nghệ tăng cường thị giác và hệ thần kinh. Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận các mối lo ngại về đạo đức và pháp lý liên quan đến ứng dụng công nghệ này.
Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ có trụ sở tại Washington gần đây công bố báo cáo nhận định các đối thủ của Mỹ cũng đang nghiên cứu về lĩnh vực y sinh để cải thiện năng lực tác chiến cho binh sĩ.
Theo quân đội Mỹ, binh sĩ Gordon Black đã vi phạm các quy định của quân đội trước khi bị bắt giữ ở Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
-23/02/2025 15:07 PM (GMT+7)