Ý đồ của ông Trump khi dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên?
Với việc cảnh báo “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, ông Trump đã vạch ra ranh giới đỏ cứng rắn nhất từ trước đến nay, khẳng định Mỹ có lựa chọn quân sự nhằm vào Triều Tiên.
Ông Trump phát biểu cứng rắn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Theo The Atlantic, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nếu Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, ông Trump cảnh báo “Mỹ và các đồng minh không còn cách nào khác ngoài hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”,
“Người tên lửa (Kim Jong-un) đang tiến hành nhiệm vụ tự sát đối với cả ông ta và chế độ ở Triều Tiên”, ông Trump nhấn mạnh.
Ông Trump dường như cũng để ngỏ "đường lùi" khi nói, Mỹ sẽ dùng đến biện pháp hủy diệt nếu bị buộc phải bảo vệ bản thân hoặc đồng minh. Ông hối thúc các nước thành viên Liên Hợp Quốc phối hợp để cô lập chính quyền ông Kim cho tới khi nước này chấm dứt hành vi "thù địch".
Trên thực tế, Triều Tiên đúng là một vấn đề nghiêm trọng với Mỹ. Trong 4 đời Tổng thống Mỹ trước đây, George H.W. Bush là người đã rút vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc, cắt giảm binh sĩ Mỹ trong khu vực với hy vọng Triều Tiên sẽ đáp lại bằng thiện chí.
Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush tìm cách đàm phán một cách giới hạn với Triều Tiên, trong khi Barack Obama cố gắng không làm kích động quốc gia láng giềng với Hàn Quốc. Nhưng Triều Tiên thách thức tất cả, cương quyết phát triển vũ khí hạt nhân.
Điều này cho thấy suốt hơn 2 thập kỷ qua, Washington không đưa ra được chính sách hiệu quả để giải quyết mối đe dọa đang ngày càng lớn mạnh này.
Khi mới lên nắm quyền, ông Trump dường như không mấy quan tâm đến vấn đề Triều Tiên. Nhưng kể từ khi bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng thể hiện sự mất kiên nhẫn.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói đã "hết cách" với Triều Tiên và vấn đề này nên được chuyển cho Lầu Năm Góc. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tướng McMaster thì liên tục đề cập đến khả năng dùng vũ lực với Triều Tiên.
Trong động thái mới nhất, ông Trump đứng trước đại diện các nước ở Liên Hợp Quốc để đe dọa hủy diện toàn bộ cả một quốc gia. Đây được coi là ranh giới đỏ, khẳng định cam kết dùng giải pháp quân sự với Triều Tiên của ông Trump mà một khi xảy ra, không có cách nào có thể đảo ngược.
Tình hình càng căng thẳng hơn khi ông Trump nhắc đến sức mạnh quân sự Mỹ, với ngân sách quốc phòng lên tới 700 tỷ USD. “Quân đội Mỹ sẽ sớm trở thành mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Ông Trump dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên.
“Không nên nhắc đến chuyện hủy diệt một quốc gia khác như vậy”, Scott Sagan, giáo sư chính trị khoa học tại Đại học Stanford nói. “Ông Trump dùng cụm từ người tên lửa với Kim Jong-un cũng không phù hợp”.
Ông Sagan nói, Tổng thống Mỹ vô tình “tạo thêm cớ để Triều Tiên tiếp tục gia tăng sức mạnh quân sự, phát triển vũ khí hạt nhân”.
Quan chức Mỹ ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc giờ đây “phải đối mặt với thách thức mới chưa từng có”, ông Sagan cảnh báo. “Họ vừa phải răn đe Triều Tiên nhưng cũng phải ngăn Tổng thống Mỹ Trump có hành động làm trầm trọng thêm tình hình”.
Thượng nghị sĩ Mỹ ở California, Dianne Feinstein là một trong những người đầu tiên bày tỏ lo ngại về bài phát biểu của ông Trump. “Tổng thống Mỹ đang lợi dụng Liên Hợp Quốc - tổ chức thành lập nên để thúc đẩy hợp tác toàn cầu, để kêu gọi chiến tranh”.
Nhưng một số nhà phân tích khác lại bày tỏ sự lạc quan, bởi nếu 4 đời Tổng thống Mỹ trước đây đã thất bại trong việc kiềm chế Triều Tiên, có thể ông Trump với cách tiếp cận cứng rắn hơn lại có thể thành công.
The Atlantic kết luận, tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ và các cố vấn an ninh quốc gia, đang khiến tình hình trở nên hết sức nhạy cảm. Thế giới vẫn sẽ cần phải chờ xem liệu ông Trump có cụ thể hóa lời tuyên bố cứng rắn nhất từ trước đến nay hay không.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc rời phòng họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trước khi Tổng thống Mỹ Donald...