Xung đột toàn diện tại Trung Đông: Không còn là cảnh báo

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bất chấp những lời kêu gọi từ quốc tế, các động thái ăn miếng trả miếng giữa Israel và phong trào Hezbollah vẫn không hề hạ nhiệt, đẩy người dân Lebanon đến ngưỡng nguy hiểm, đặt Trung Đông trước nguy cơ xung đột toàn diện. Ai và giải pháp nào có thể khiến cả hai bên cùng “buông súng”, hạn chế leo thang căng thẳng tại khu vực này?

Ngày 25/9 – ngày thứ ba của chiến dịch tấn công quy mô lớn mà Israel thực hiện nhằm vào Lebanon – tiếng súng xuyên biên giới vẫn chưa dừng lại. Chỉ trong một đêm, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, không quân nước này đã triển khai hơn 250 máy bay chiến đấu tham gia chiến dịch không kích chưa từng có vào Lebanon. Chiến dịch với mật danh “Mũi tên phương Bắc”, đã phá hủy một lượng lớn vũ khí và khí tài của Hezbollah, làm thay đổi cán cân lực lượng tại khu vực biên giới chung Israel-Lebanon.

Theo đó, hơn 250 lượt máy bay chiến đấu đã phóng khoảng 2.000 quả tên lửa và đạn pháo, tấn công hơn 1.500 mục tiêu của Hezbollah tại 200 vị trí khác nhau trên lãnh thổ Lebanon, tập trung ở khu vực phía Nam và thung lũng Bekaa ở miền Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant khẳng định chiến dịch không kích hai ngày qua đã làm suy giảm đáng kể sức mạnh của Hezbollah.

Ở chiều ngược lại, phong trào Hezbollah tuyên bố đã phóng tên lửa đạn đạo "Qader 1" vào lúc 6h30 ngày 25/9 (giờ địa phương) nhằm vào trụ sở của cơ quan tình báo Israel gần Tel Aviv. Trước đó, trong ngày 24/9, Hezbollah đã phóng hơn 300 quả tên lửa tập kích nhiều khu vực ở phía Bắc Israel. Tính chung trong hai ngày 23 và 24/9, Hezbollah bắn tổng cộng hơn 500 quả tên lửa về phía Israel, là lần tập kích hỏa lực ác liệt nhất của Hezbollah vào Israel kể từ khi giao tranh bắt đầu bùng phát tháng 10/2023.

Những vụ tấn công xuyên biên giới giữa Israel và phong trào Hezbollah vẫn tiếp tục diễn ra khiến nhiều người dân thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Những vụ tấn công xuyên biên giới giữa Israel và phong trào Hezbollah vẫn tiếp tục diễn ra khiến nhiều người dân thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Căng thẳng dọc biên giới Lebanon - Israel đã leo thang kể từ ngày 8/10/2023, sau khi lực lượng Hezbollah ở Lebanon phóng rocket vào Israel để ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân Palestine ở Dải Gaza. Israel đã đáp trả bằng pháo hạng nặng nhắm vào Đông Nam Lebanon. Các động thái đáp trả cứ liên tục diễn ra giữa hai bên nhưng đặt giữa lằn ranh giao tranh lại là sinh mạng của hàng nghìn người vô tội.

Theo Bộ Y tế Lebanon, các cuộc không kích của Israel vào Lebanon trong hai ngày 23 và 24/9 khiến 558 người chết, trong đó có 50 trẻ em và 94 phụ nữ. Số người bị thương là 1.835 người, gồm nhiều dân thường. Đây là số thương vong vì chiến sự tính theo ngày nghiêm trọng nhất tại Lebanon trong hơn 30 năm qua. Sau Dải Gaza, Lebanon đã trở thành điểm nóng thứ hai về nhân đạo, với những sinh mệnh vô tội đang bị ảnh hưởng bởi xung đột và giao tranh.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong một tuyên bố cảnh báo nhân loại đang tiến gần đến điều không thể tưởng tượng – “một thùng thuốc súng có nguy cơ nhấn chìm thế giới”. “Lebanon đang bên bờ vực thẳm, cộng đồng quốc tế không thể để Lebanon trở thành một Gaza khác", Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.

Phản ứng trước cảnh báo này, ngày 24/9 (giờ địa phương), tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 ở New York (Mỹ), các nhà lãnh đạo toàn cầu đã kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực tàn phá Trung Đông trong nhiều tháng qua. Trong một tuyên bố chung sau khi kết thúc cuộc họp bên lề Đại Hội đồng LHQ hôm 25/9, Ngoại trưởng các nước Ai Cập, Iraq và Jordan đã chỉ trích các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Lebanon, cảnh báo động thái này đang đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh toàn diện.

Ngoại trưởng các nước cũng kêu gọi giảm căng thẳng nguy hiểm trong khu vực bằng cách chấm dứt xung đột tại Gaza. Hội đồng Bảo an LHQ cũng thông báo sẽ triệu tập phiên họp về tình hình leo thang ở Lebanon vào sáng sớm 26/9. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ một ngày trước cho rằng, ngay cả khi tình hình leo thang, giải pháp ngoại giao vẫn có thể thực hiện được.

Thế nhưng, liệu ngoại giao có phải là giải pháp khả thi, khi bất chấp những lời kêu gọi từ các bên, tiếng súng vẫn vang lên dọc biên giới Israel-Lebanon. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Lebanon Abdallah Bou Habib đã không ngần ngại chỉ trích phát biểu của Tổng thống Mỹ vừa qua là "không đủ mạnh mẽ, không hứa hẹn" khi Mỹ là quốc gia có ảnh hưởng, có thể can thiệp, “tạo ra sự khác biệt ở Trung Đông và liên quan đến Lebanon".

Trên thực tế, Mỹ và các nước trung gian hòa giải Qatar và Ai Cập cho đến nay vẫn chưa thành công trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến kéo dài gần một năm qua ở Gaza giữa Israel và Hamas - một đồng minh của Hezbollah. Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã phát biểu tại Đại hội đồng LHQ rằng cộng đồng quốc tế phải "đảm bảo lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza và chấm dứt các vụ tấn công của Israel ở Lebanon, trước khi chúng nhấn chìm toàn khu vực và thế giới".

Có lẽ, khi những động thái kêu gọi vẫn không thể ngăn được giao tranh thì trong màn mưa bon đạn, hàng nghìn người dân Beirut vẫn phải di dời và chạy trốn. Điều họ lo sợ nhất là một cuộc đổ bộ của Israel vào miền Nam Lebanon. Một tương lai bất định hơn đã phủ bóng cuộc đời của những người dân Lebanon, sau hàng chục nghìn người dân tại Dải Gaza.

Quân đội Israel hôm 24/9 cập nhật diễn biến mới sau cuộc không kích quy mô lớn chưa từng có, cho biết đã huy động hơn 250 chiến đấu cơ oanh tạc ở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Hân ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hezbollah Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN