Xung đột tại Ukraine: Mỹ và đồng minh "chơi lớn", tính khoá van dầu Nga
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 6-3 cho biết Mỹ và các đối tác châu Âu đang xem xét biện pháp cấm nhập khẩu dầu từ Nga do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Một nguồn thạo tin nói với hãng tin Reuters rằng dù phụ thuộc vào dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga nhưng châu Âu đã "bật đèn xanh" với đề xuất cấm các sản phẩm dầu của Nga trong 24 giờ qua.
Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu, Ngoại trưởng Blinken nói với hãng tin NBC: "Chúng tôi đang thảo luận tích cực với các đối tác châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời vẫn duy trì nguồn cung dầu mỏ ổn định trên toàn cầu. Các hành động mà chúng tôi thực hiện cho đến nay đã có tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Nga".
Giá dầu đã tăng vọt trong tuần qua sau khi Mỹ và các đồng minh trừng phạt Nga về vụ tấn công Ukraine. Ảnh: Bloomberg
Ngoại trưởng Blinken cũng cho biết ông đã thảo luận về việc nhập khẩu dầu với Tổng thống Mỹ Joe Biden và nội các hôm 5-3.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh việc giảm lượng dầu xuất khẩu của Nga là rất quan trọng, kêu gọi Shell và các công ty năng lượng khổng lồ khác cắt nguồn doanh thu lớn nhất của Moscow và ngừng mua dầu của Nga.
Đề cập đến các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "Mục tiêu là cô lập Nga và khiến ông Putin không thể tài trợ cho các cuộc chiến của mình. Đối với chúng tôi, chiến lược mạnh mẽ hiện nay là phải loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga".
Giá dầu đã tăng vọt trong tuần qua sau khi Mỹ và các đồng minh trừng phạt Nga về vụ tấn công Ukraine.
Liên quan đến diễn biến căng thẳng tại Ukraine, Ukraine trong ngày 7-3 (giờ địa phương) sẽ yêu cầu tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết khẩn cấp yêu cầu Nga ngừng hoạt động quân sự ngay lập tức sau khi Nga cáo buộc Ukraine tội diệt chủng.
Đơn kiện của Ukraine nộp lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại Hà Lan lập luận rằng tuyên bố về tội diệt chủng là không đúng sự thật và là sự biện minh của Moscow cho hành vi đưa quân vào Ukraine. Các phiên điều trần sẽ bắt đầu lúc 10 giờ (theo giờ Hà Lan), trong đó Ukraine trình bày trước. Nga sẽ phản hồi vào ngày 8-3.
Mặc dù các phán quyết của tòa án có giá trị ràng buộc và các quốc gia thường tuân theo các phán quyết đó nhưng lại không có biện pháp trực tiếp để thực thi phán quyết. ICJ có thể ra lệnh nhanh các biện pháp tạm thời trong vài ngày hoặc vài tuần để ngăn tình hình trở nên tồi tệ hơn ở Ukraine trước khi xem xét kỹ lưỡng vụ kiện hoặc liệu họ có quyền tài phán hay không.
Tính đến ngày 6-3, khi chiến dịch quân sự của Nga bước sang ngày thứ 11, số người tháo chạy khỏi Ukraine đã lên đến 1,5 triệu người
Nguồn: [Link nguồn]