Xung đột ở Ukraine: Lời nhắn của lãnh đạo NATO tới phương Tây
Tổng thư ký NATO mới đây đã phân tích về việc mà ông cho là phương Tây nên tập trung làm hơn trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Vệ binh quốc gia Ukraine trong cuộc tập trận ở Odessa, Ukraine, ngày 29/6/2023. Ảnh: Los Angeles Times
Phát biểu trước các phóng viên ở Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, các nước phương Tây nên ưu tiên cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine hơn là tăng cường khả năng phòng thủ của các nước này.
"Một phần quan trọng trong nỗ lực mà NATO đang thực hiện là đẩy mạnh cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine", ông Stoltenberg nói.
"Tuy nhiên, Ukraine còn cần nhiều hơn thế. Nếu phải phân vân giữa lựa chọn đáp ứng các mục tiêu về năng lực của NATO và cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine thì thông điệp của tôi rất rõ ràng: Gửi thêm nhiều viện trợ cho Kiev", Tổng thư ký NATO nói thêm.
Ông Stoltenberg lấy Đan Mạch làm "ví dụ điển hình" khi nước này cam kết hồi tháng 2 sẽ trao nhiều khẩu pháo cho Ukraine. Vị lãnh đạo NATO cũng ca ngợi Đan Mạch và Hà Lan về kế hoạch cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Ông Stoltenberg nói thêm rằng ông cảm thấy "được khích lệ" khi quốc hội Mỹ dự kiến sẽ sớm bỏ phiếu về viện trợ bổ sung cho Ukraine, sau nhiều tháng trì hoãn.
Lời nhắn nhủ của Tổng thư ký NATO được đưa ra vào thời điểm các nước thành viên NATO đang cố gắng cung cấp đủ số lượng vũ khí cho Ukraine mà không làm cạn kiệt kho vũ khí của các nước này hay ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Giới chức Kiev cho rằng tình trạng thiếu đạn dược là nguyên nhân dẫn đến thất bại của cuộc phản công năm ngoái và những tổn thất trên chiến trường gần đây.
Ông Zelensky tỏ ra thất vọng khi Đức từ chối cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Kiev, cũng như việc đảng Cộng hòa ở Mỹ trì hoãn phê duyệt dự luật viện trợ quân sự bổ sung trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine.
"Nếu quốc hội Mỹ không giúp chúng tôi, Ukraine sẽ thua cuộc", ông Zelensky cảnh báo hồi đầu tháng 4.
Đức gần đây tuyên bố sẽ cung cấp thêm một hệ thống phòng không Patriot cho Kiev. Tuy nhiên, nước này vẫn từ chối cung cấp tên lửa Taurus với lý do việc gửi tên lửa này cần sự hiện diện của binh sĩ Đức ở Ukraine - điều có thể dẫn đến leo thang xung đột vì Đức là một thành viên NATO.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố, ông sẽ đưa dự luật viên trợ bổ sung cho Ukraine ra bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 20/4.
Theo đài RT, Nga nhiều lần nhấn mạnh, việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ dẫn đến leo thang hơn nữa mà không làm thay đổi cục diện xung đột.
Lực lượng tinh nhuệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đến TP Lviv và TP Kiev – Ukraine, cổng thông tin Tsargrad mới đây cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]