Xung đột ở Ukraine đã thay đổi ngoại giao Nga như thế nào?

Từ sau xung đột ở Ukraine, Nga đang tránh xa các nền tảng ngoại giao truyền thống trong đối thoại quốc tế và tạo ra nền tảng ngoại giao của riêng mình. Việc Nga định hình lại nền ngoại giao sẽ tác động thế nào đến phương Tây?

Moscow đang tránh xa các nền tảng ngoại giao truyền thống trong đối thoại quốc tế và tạo ra nền tảng ngoại giao của riêng mình. Việc Nga định hình lại nền ngoại giao sẽ mang lại hậu quả lâu dài cho phương Tây, theo nhận định của bà Hanna Notte - cộng sự nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Giải trừ vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Vienna (Áo) trong bài viết trên trang Foreign Policy.

Từ cuối tháng 2, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ đã tạm dừng hầu hết các cuộc tiếp xúc cấp cao với Nga. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đình chỉ các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí chiến lược và khí hậu song phương với Moscow.

Hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cắt đứt liên lạc với Điện Kremlin, trừ một số ít lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn nỗ lực liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoại giao của phương Tây với Nga chỉ được duy trì ở một số vấn đề đặc biệt - như cuộc đàm phán hạt nhân Iran - và sự tham gia đa phương tại các tổ chức như Liên Hợp Quốc.

Nga chối bỏ trung gian truyền thống

Nga từ lâu đã tìm cách thay đổi các quy tắc ngoại giao quốc tế, và thực tế quan hệ giữa Nga với châu Âu và Mỹ đang bị thu hẹp đã mở ra con đường mới để thực hiện điều đó.

Có thể thấy rõ rằng chính sách ngoại giao đang thay đổi khi Thụy Sĩ tham gia chiến dịch trừng phạt Nga và Điện Kremlin chỉ trích mạnh quốc gia trung lập truyền thống. Kể từ đó, Nga từ chối vai trò của Thụy Sĩ trong các cuộc đàm phán.

Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao Nga thông báo không còn coi Geneva là nền tảng để triệu tập Ủy ban Tham vấn Song phương Mỹ-Nga giám sát Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tấn công Chiến lược (New START), với lý do vì "hành động không thân thiện" của Thụy Sĩ.

Phát biểu bên lề cuộc họp tại Geneva về Syria vào tháng 6, đặc phái viên của Nga tại Syria, ông Alexander Lavrentiev, đã đề nghị chuyển Ủy ban Hiến pháp Syria – tổ chức được Liên Hợp Quốc bảo trợ đặt tại Geneva - sang một "địa điểm trung lập hơn”. Ông Lavrentiev đề xuất các địa điểm thay thế như Abu Dhabi (UAE), Algiers (Algeria), Manama (Bahrain) và Muscat (Oman).

Chưa hết, Bộ Ngoại giao Nga quyết định các cuộc thảo luận quốc tế về Nam Caucasus không còn được tổ chức tại Geneva. Nga cũng từ chối lời đề nghị của Bern đại diện cho các lợi ích của Ukraine ở Nga và ngược lại.

Thiết lập nền tảng ngoại giao mới

Việc Nga từ chối các địa điểm truyền thống của ngoại giao quốc tế giúp xuất hiện các địa chỉ thay thế. Từ tháng 2, Nga đã chấp nhận vai trò hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, quan trọng nhất là thông qua được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine.

Trước đó, Ankara đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, được gọi là "Tiến trình Istanbul", hay vận động mở các hành lang nhân đạo trong cuộc bao vây của Nga ở Mariupol (Ukraine).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, cũng nhiều lần đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Dựa trên thành công của thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tham vọng có thể làm trung gian cho việc trao đổi tù nhân và thậm chí là ngừng bắn ở Ukraine.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ các nhà ngoại giao Nga cũng đang củng cố các địa điểm ngoại giao thay thế khác. Đó có thể là các nước thành viên nhóm BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) hay SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải). Vào tháng 6, ông Putin lập luận rằng BRICS được định hướng dẫn đầu trong việc “hình thành một hệ thống quan hệ giữa các nước thực sự đa cực”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ngồi, thứ hai từ phải sang) trong buổi gặp Tổng thống Belarus – ông Alexander Lukashenko (ngồi, ngoài cùng bên phải), Tổng thống Uzbekistan – ông Shavkat Mirziyoyev (ngồi, giữa), Tổng thống Azerbaijani - ông Ilham Aliyev (ngồi, thứ hai từ trái sang), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan (ngồi, ngoài cùng bên trái) tại kỳ hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan ngày 15-9. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ngồi, thứ hai từ phải sang) trong buổi gặp Tổng thống Belarus – ông Alexander Lukashenko (ngồi, ngoài cùng bên phải), Tổng thống Uzbekistan – ông Shavkat Mirziyoyev (ngồi, giữa), Tổng thống Azerbaijani - ông Ilham Aliyev (ngồi, thứ hai từ trái sang), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan (ngồi, ngoài cùng bên trái) tại kỳ hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan ngày 15-9. Ảnh: AP

Phải thừa nhận rằng việc Nga xây dựng các địa chỉ ngoại giao thay thế không phải là điều mới. Từ năm 2017, Nga chủ yếu tham gia vào Syria qua Nhóm Astana, bao gồm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng đưa ra thuật ngữ "mạng lưới ngoại giao" – tức là "cách tham gia linh hoạt trong cơ chế đa phương nhằm tìm kiếm các giải pháp hiệu quả" – trong Khái niệm Chính sách Đối ngoại năm 2016 của Nga.

Hậu quả lâu dài cho phương Tây

Bà Hanna Notte cho rằng việc Nga đang định hình lại nền ngoại giao có thể đem đến 4 hậu quả lâu dài với phương Tây.

Thứ nhất và rõ ràng nhất, nó sẽ làm giảm khả năng tiếp cận các nhà ngoại giao và giới tinh hoa Nga, không chỉ đối với các quan chức phương Tây mà còn đối với các chuyên gia. Sự tham gia của các chuyên gia với người Nga bên trong nước Nga sẽ phức tạp và rời rạc hơn. Theo thời gian, điều này sẽ dẫn đến hiểu biết của phương Tây về các động lực và tư tưởng trong nước Nga kém đi.

Thứ hai, phương Tây có thể trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các bên thứ ba do Điện Kremlin chọn để can dự với Nga, khi cần thiết. Ví dụ, phương Tây có thể dựa vào Ankara để hỗ trợ Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách tận dụng vai trò mới yêu cầu phương Tây nhượng bộ về các vấn đề của nước này.

Thực tế, Ankara đã dọa sẽ cản trở việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO (Khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), trừ khi hai quốc gia này từ bỏ hỗ trợ chính trị và tài chính cho các nhóm người Kurd mà Ankara coi là tổ chức khủng bố. Hồi tháng 4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng nói rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ cho thấy giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ ba, việc Nga tìm kiếm các nền tảng ngoại giao mới có thể củng cố hướng đi rộng hơn và nâng cao vị thế của nước này ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á. Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng lên, nhiều quốc gia bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ đã miễn cưỡng lên án hay tham gia chiến dịch trừng phạt Nga.

Xu hướng đứng ngoài cuộc xung đột của họ có vô số nguồn gốc lịch sử và địa chính trị, nó cũng nói lên rằng, nhiều quốc gia trong số này đang có các lợi ích thương mại, quân sự và chính trị liên quan đến Nga.

Cuối cùng, việc Nga tẩy chay các cơ chế có trụ sở tại Geneva và theo đuổi mạng lưới ngoại giao riêng có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho các hình thức đa phương truyền thống vốn đang đấu tranh sửa mình cho phù hợp - chẳng hạn như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã bị tê liệt từ lâu.

Vào năm 2020, nhà trí thức người Nga Fyodor Lukyanov dự đoán rằng “trong những năm tới, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục bị thu hẹp và một số thậm chí biến mất hoàn toàn”. Ông lập luận trong tương lai, thuật ngữ “chủ nghĩa đa phương” sẽ chỉ bao hàm tình huống khi một số quốc gia tập hợp để giải quyết một vấn đề cụ thể, trong một khoảng thời gian nhất định - giống như Nhóm Astana liên quan đến Syria.

Bà Hanna Notte tin rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể đẩy Nga vào tương lai nhanh hơn nhiều so với dự báo.

Loại vũ khí mới khiến Ukraine 'đau đầu' tại Kharkiv

Máy bay không người lái Iran mặc dù không tiên tiến như của Mỹ, Anh, Israel, Trung Quốc và cả Nga, nhưng vẫn đem lại sự khó chịu về mặt chiến thuật cho lực lượng mặt đất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đình ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN