Xung đột ở Ukraine có thể kết thúc bất ngờ với phương Tây?
Một cựu Trợ lý của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, thực tế thời điểm này cho thấy xung đột ở Ukraine có thể được quyết định do tình hình ở Kiev chứ không phải do kết quả ở tiền tuyến.
Ukraine được cho là đang ấp ủ một cuộc tấn công quy mô lớn năm 2024. Ảnh minh họa: Global Sec
Theo bình luận của cựu Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Michael von der Schulenburg trên trang Eurasia Review ngày 15/2, ngay cả khi vẫn còn giao tranh ở tiền tuyến, các diễn biến gần đây ở Ukraine cho thấy, xung đột có thể kết thúc theo cách bất ngờ với phương Tây: Đó là một thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine.
Tất cả đều liên quan đến thực tế là xung đột giờ có thể được quyết định ở Kiev chứ không phải do kết quả ở tiền tuyến. Trọng tâm của vấn đề này là tình thế chính trị của ông Zelensky - người được xem là anh hùng nhưng nay dường như bị xem là người ủng hộ cho một giải pháp quân sự có thể mang tính mạo hiểm đối với tương lai của Ukraine.
Theo ông Schulenburg, ông Zelensky đang theo đuổi mục tiêu mở một cuộc tấn công lớn trong năm nay. Để chuẩn bị, Tổng thống Ukraine đã cho soạn một dự luật cho phép ông tuyển thêm 500.000 người vào quân đội.
Tuy nhiên, ông Zelensky không có đủ tiềm lực tài chính và vũ khí hạng nặng cần thiết cho một cuộc tấn công quy mô lớn như vậy. Quan trọng hơn, thời gian lý tưởng để phát động tấn công là khoảng 4 tháng nữa. Nhưng khoảng thời gian đó là chưa đủ để biến một tân binh thành một binh sĩ thiện chiến.
Theo vị cựu Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Zelensky sẽ mạo hiểm mạng sống của các tân binh đó khi tỷ lệ thành công của cuộc tấn công là rất thấp, căn cứ vào số thương vong lớn và tổn thương nghiêm trọng về tinh thần trong cuộc phản công hè năm ngoái.
Ông Schulenburg nhận định, một cuộc tấn công như vậy có thể biến thành vụ tự sát tập thể. Ông Zelensky có thể phải đối mặt với sự phản đối từ người dân Ukraine vốn mệt mỏi, nghèo đói vì xung đột. Người Ukraine có thể không còn sẵn sàng chấp nhận thêm một năm xung đột nữa. Họ có thể sẽ phản đối việc tuyển mộ binh sĩ bổ sung cho quân đội Ukraine.
Khủng hoảng niềm tin vào quân đội?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny. Ảnh: EPA
Ông Michael von der Schulenburg, cựu Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho rằng, với việc sa thải Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, ông Zelensky có thể đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin vào quân đội. Tổng thống Ukraine sẽ phải đối mặt với sự bất đồng ngày càng tăng trong quân đội với các kế hoạch của ông. Theo ông Schulenburg, với tình hình như hiện nay, chẳng bao lâu nữa, những dấu hiệu rệu rã đầu tiên về kỷ luật sẽ xuất hiện trong quân đội Ukraine.
Ông Zelensky được cho là đã mất đi nhiều sự ủng hộ ở phương Tây và cùng với đó là không còn nắm chắc một trụ cột quyền lực chính trị ở Ukraine. Thời kỳ mà ông Zelensky được xem là anh hùng và nhận được sự hỗ trợ tài chính, quân sự khổng lồ dường như đã kết thúc.
Quan trọng nhất, Tổng thống Ukraine có vẻ đã mất đi sự ủng hộ từ Mỹ, nước từng là chỗ dựa chính của Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Sau 2 chuyến đi gần đây tới Washington, ông Zelensky trở về "tay trắng" và Mỹ không còn tiếp tục hỗ trợ tài chính, quân sự cho Ukraine nhiều như trước. NATO cũng không còn bất kỳ đợt cung cấp vũ khí, đạn dược nào lớn như một năm trước. Khối quân sự này cũng được cho là đang nghi ngờ về kế hoạch tấn công trong năm 2024 của ông Zelensky.
Tổng thống Ukraine cũng không thể thuyết phục Đức cung cấp hệ thống tên lửa tầm xa Taurus. Một số người Ukraine cũng không khỏi nghi ngờ rằng các cuộc điều động của NATO gần đây trên các khu vực dọc biên giới các nước NATO với Nga thể hiện một sự giả định cho khả năng Ukraine thất bại. Theo cựu Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Schulenburg, tất cả những điều này đã khiến vị thế của ông Zelensky ngày càng suy yếu. Thậm chí, ông Schulenburg cảnh báo ông Zelensky có thể sẽ sớm đối mặt với nguy cơ mất chức.
Theo ông Schulenburg, người Ukraine chắc hẳn nhận ra lời hứa "chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine tới chừng nào Kiev còn cần đến" không phải một lời nói nghiêm túc. Người Ukraine cũng sẽ nhận ra họ không thể mong đợi nhiều vào sự hỗ trợ từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn khác như chạy đua bầu cử, giải quyết xung đột ở Trung Đông hay vấn đề biên giới. Họ cũng phải nghĩ đến viễn cảnh ông Trump, người không hào hứng với việc Mỹ viện trợ cho Ukraine, tái đắc cử. Viễn cảnh gia nhập NATO hay EU cũng rất xa vời.
Người Ukraine có thể bị lung lay
Theo cựu Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Schulenburg, Tổng thống Ukraine Zelensky có thể đối mặt nguy cơ mất chức. Ảnh: UPPS
Theo ông Schulenburg, thay vì chứng kiến đất nước tiếp tục hỗn loạn, người Ukraine có thể bị lung lay. Họ sẽ nhớ đến các cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine vào tháng 3 và tháng 4/2022 khi Nga chấp nhận các điều khoản hòa bình "có lợi cho Kiev".
Ông Schulenburg cho rằng một chính phủ hậu Zelensky có thể cố gắng tiếp cận với Nga một lần nữa. Có khả năng các cuộc đàm phán diễn ra bí mật. Ngay cả khi phương Tây không muốn Kiev đàm phán với Moscow, quân đội 2 nước vẫn duy trì liên lạc thường xuyên trong các cuộc trao đổi tù binh.
Tổng thống Nga có thể sẽ hào hứng với sự sẵn sàng đàm phán của Ukraine. Ông Schulenburg cho rằng, rất có thể ông Putin sẽ không yêu cầu thay thế chính phủ Ukraine. Mục tiêu hàng đầu của ông Putin được cho là ngăn Ukraine gia nhập một liên minh của phương Tây như NATO, đảm bảo Nga tiếp cận Biển Đen để bảo vệ người dân thân Nga ở Ukraine.
Trong kịch bản đàm phán như trên, Mỹ và phương Tây rõ ràng không đóng vai trò gì. Việc mở rộng của NATO về phía đông sẽ dừng lại. Ukraine, Georgia, Moldova và Biển Đen sẽ trở lại với tầm ảnh hưởng của Nga. Việc Mỹ rút khỏi nhiều khu vực khác trên thế giới báo trước một kỷ nguyên mới mà phương Tây không còn thống trị.
Nguồn: [Link nguồn]
Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Allvin nhận định xung đột Nga-Ukraine cho thấy các quốc gia khó có thể duy trì ưu thế trên không trong thời gian dài, do đó cần phải đồng bộ hóa các khả năng khác nhau như tác chiến điện tử, hoạt động mạng và các hiệu ứng động lực khác.