Xung đột ở Sudan: Nhân vật bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố thoát khỏi nhà tù
Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) tấn công 5 nhà tù, thả nhiều phạm nhân ra ngoài, Bộ Nội vụ Sudan tuyên bố.
Ahmed Haroun – cựu Bộ trưởng Nội vụ Sudan (ảnh: CNN)
Hôm 26/4, Bộ Nội vụ Sudan thông báo, từ ngày 21 – 24/4, lực lượng RSF đã tấn công 5 nhà tù ở thủ đô Khartoum. Các tù nhân được phóng thích, trong đó có Ahmed Haroun – cựu Bộ trưởng Nội vụ Sudan.
Năm 2019, trong cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, ông Haroun bị bắt giữ. Ông Haroun sau đó bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy tố hơn 40 tội danh và tội ác chống lại loài người, bao gồm giết hại dân thường, tra tấn, hiếp dâm, hủy hoại tài sản…
Trong một đoạn ghi âm lan truyền trên mạng xã hội hôm 25/3, Haroun tuyên bố ông và một số quan chức của chế độ cũ đã thoát khỏi nhà tù Kober.
Có thông tin cho rằng, cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir cũng thoát khỏi nhà tù.
Quân đội Sudan hôm 26/4 bác bỏ tin đồn trên. Theo quân đội Sudan, ông Bashir, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Muhammad Hussein, cùng một số cựu quan chức khác đã được chuyển khỏi nhà tù đến bệnh viện Aliyaa. Đây là bệnh viện do quân đội Sudan kiểm soát.
Ông Bashir bị quân đội Sudan và lực lượng RSF lật đổ năm 2019. Năm 2021, Sudan tuyên bố sẽ giao nộp ông Bashir cho ICC xét xử. Cam kết này chưa được Sudan thực hiện.
Trước khi xung đột ở Sudan nổ ra, ông Bashir và nhiều cựu quan chức bị giam giữ ở nhà tù Kober.
Cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (ảnh: Reuters)
ICC cáo buộc ông Bashir và cấp dưới phạm nhiều tội ác trong cuộc xung đột Darfur.
Năm 2003, lực lượng chống chính phủ ở Darfur (vùng lãnh thổ phía Tây Sudan) nổi dậy. Chính quyền của ông Bashir đã ra lệnh thẳng tay đàn áp cuộc nổi dậy này.
Theo CNN, trong chiến dịch tấn công vào Darfur, quân đội Sudan đã thực hiện nhiều hành động bạo lực mà Mỹ và các nhà quan sát quốc tế cáo buộc là tội ác diệt chủng, nhưng ICC không đủ bằng chứng truy tố ông về tội này.
Liên hợp quốc ước tính, khoảng 300.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Darfur. Hơn 2,5 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột.
Cuối năm 2018, chính quyền của ông Bashir phải đối mặt với nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối xung đột ở Darfur. Ông Bashir cũng bị cáo buộc có hành vi tham nhũng.
Quân đội Sudan và lực lượng RSF sau đó phối hợp đảo chính, phế truất ông Bashir.
Tháng 8/2019, ông Bashir bị xét xử ở Sudan với cáo buộc tham nhũng và sở hữu ngoại tệ bất hợp pháp. Tòa ICC cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Sau khi ông Bashir bị lật đổ, cuộc chiến ở Darfur cũng chấm dứt.
Cuộc chiến ở Darfur đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người (ảnh: CNN)
Hôm 26/4, Hashem Ahelbarra – phóng viên của tờ Al Jazeera – cho hay, tin tức về việc cựu Bộ trưởng Nội vụ Ahmed Haroun thoát khỏi nhà tù khiến dư luận Sudan hoang mang.
“Haroun từng là thành viên chủ chốt trong chính quyền cựu Tổng thống Omar al-Bashir. Haroun đứng đầu danh sách truy tố của ICC”, Ahelbarra đưa tin.
Theo phóng viên Ahelbarra, lực lượng RSF cáo buộc quân đội Sudan cố tình thả Haroun và một số quan chức của chế độ cũ ra ngoài. Trong khi đó, quân đội Sudan tuyên bố điều ngược lại.
Theo WHO, ít nhất 459 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội Sudan và lực lượng RSF giao tranh (15/4).
"Một trong các bên gây ra xung đột ở Sudan" đã giành kiểm soát phòng thí nghiệm, nơi có vật liệu sinh học, và "đuổi tất cả các kỹ thuật viên ra ngoài".
Nguồn: [Link nguồn]