Xung đột Nga-Ukraine: Những nước nào đang nỗ lực hòa giải?
Trung Quốc, châu Phi và nhiều nước khác đang nỗ lực kết nối một thỏa thuận hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine. Các “nhà môi giới” hòa bình đang có những lợi thế và hạn chế gì trong việc thực hiện nhiệm vụ hòa giải?
Đã hơn 15 tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhiều nỗ lực quốc tế nhằm môi giới một thỏa thuận hòa bình cho hai bên được thực hiện nhưng vẫn chưa đạt kết quả.
Trung Quốc (TQ) và các nước châu Phi chính là hai bên “môi giới hòa bình” tích cực nhất trong thời gian gần đây. Vậy các nước này có những lợi thế và hạn chế gì trong việc thực hiện nhiệm vụ hòa giải?
Trung Quốc
TQ được xem là một nhà môi giới hòa bình tiềm năng nhất cho xung đột Nga-Ukraine. Kể từ khi xung đột vừa mới bắt đầu, Bắc Kinh đã thể hiện mình sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải.
Ngày 25-2-2022, 1 ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi nhà lãnh đạo Nga “giải quyết vấn đề thông qua đàm phán”.
Ngày 24-2, khi xung đột tròn 1 năm, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm chấm dứt xung đột. Kế hoạch kêu gọi các bên ngừng bắn, chấm dứt các hành vi thù địch, sớm nối lại đàm phán và lập lại hòa bình.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (ở giữa bên trái) và Đặc phái viên Trung Quốc Lý Huy (ở giữa bên phải) trong cuộc hội đàm tại thủ đô Kiev (Ukraine) ngày 17-5. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO UKRAINE
Tuy nhiên, văn kiện này gây phản ứng trái chiều từ tất cả các bên. Phương Tây lập luận rằng TQ ngầm ủng hộ chiến dịch quân sự của Moscow và việc ngừng bắn sẽ cung cấp cho Nga thời gian để tái vũ trang quân đội. Moscow cho rằng 12 điểm của TQ chưa đủ sức để tạo động lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình, Kiev thì đồng ý với Bắc Kinh trên một số điểm nhưng chỉ chấp nhận một giải pháp mà Ukraine có thể đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ.
Gần đây, Bắc Kinh đã tăng tốc các nỗ lực môi giới hòa bình bằng việc cử cựu Đại sứ TQ tại Nga - ông Lý Huy làm đặc phái viên về vấn đề Á - Âu đến Ukraine, Nga và một số nước châu Âu khác để đàm phán “về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine”.
Bất chấp những nỗ lực trên, giới quan sát chỉ lạc quan ở mức vừa phải về kết quả thực tế mà TQ có thể đạt được. Nguyên nhân chủ yếu là vì phương Tây và Ukraine hoài nghi về sự trung lập của Bắc Kinh.
Bà Alicja Bachulska - thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu nói với đài CNBC: “Có một sự bất cân xứng lớn giữa quan hệ TQ-Nga và TQ-Ukraine”.
“Phải mất 14 tháng để ông Tập Cận Bình có một cuộc điện đàm với ông Zelensky nhưng lãnh đạo cấp cao TQ đã có hơn 20 cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nga” - bà lưu ý.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng sự thiếu trung lập cũng có thể là “con át chủ bài” của TQ trong mục tiêu hòa giải.
“Nhiều người cho rằng TQ quá thân thiện với Nga để có thể thực sự ‘trung lập’ khi nói đến khả năng làm trung gian hòa giải. Tuy nhiên, chính vì TQ là một trong số ít các đối tác quốc tế còn lại của Nga và đã cung cấp cho Nga sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao quan trọng kể từ đầu cuộc xung đột, nên họ có khả năng đưa Nga đến bàn đàm phán và ảnh hưởng đến lập trường của Nga trong việc chấm dứt xung đột” - giáo sư Cheng Chen của ĐH Albany (Mỹ) nhận định.
Châu Phi
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Senegal - ông Macky Sall ở TP Sochi (Biển Đen, Nga) ngày 3 -6-2022. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo từ 6 nước châu Phi bao gồm Nam Phi, Senegal, Ai Cập, Cộng hòa Congo, Uganda và Zambia đang chuẩn bị cho các cuộc gặp riêng vào tháng 6 tới với Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky trong nỗ lực môi giới hòa bình cho cuộc xung đột lớn nhất châu Âu từ sau Thế chiến 2.
Châu Phi có lý do để quan tâm đến cuộc chiến. Cuộc xung đột đã hạn chế nghiêm trọng việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và phân bón từ Nga, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói trên toàn cầu và châu Phi là một trong những lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bấp bênh không thể khiến các nhà lãnh đạo châu Phi yên tâm. Ngoài ra các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhằm hạn chế quyền truy cập của Nga vào hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu SWIFT cũng gây khó cho các nước châu Phi trong việc đặt hàng và thanh toán phân bón.
Chuyên gia Jo Adetunji của chuyên trang The Conversation - người có hơn 30 năm nghiên cứu về châu Phi đã chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của châu Phi trong nhiệm vụ hòa giải lần này.
Về hạn chế, bà Adetunji lập luận rằng Nam Phi đến nay vẫn bị các nước phương Tây nghi ngờ là “lén lút ủng hộ” Nga trong cuộc xung đột. Mỹ nhiều lần cáo buộc Nam Phi cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Ngày 22-5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói rằng 6 nhà lãnh đạo đã nhất trí đề xuất rằng Ukraine nên chấp nhận mở các cuộc đàm phán hòa bình với Nga ngay cả khi quân đội Nga vẫn còn trên lãnh thổ Ukraine.
Theo giới phân tích, đề xuất này dường như không thể có được sự đồng thuận từ Ukraine vì Kiev đã nhiều lần khẳng định quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ của mình trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Ngoài ra, theo bà Adetunji, các tổng thống châu Phi dù là 1 người hay 6 người cũng không phải là nhà môi giới hòa bình thích hợp. Bà giải thích rằng với tư cách là các nguyên thủ quốc gia, các tổng thống không có thời gian để tiến hành các thủ tục hòa giải rườm rà và tốn thời gian. Bên cạnh đó, việc lựa chọn một nhóm có đủ kiến thức và biết ngôn ngữ để đại diện cho họ trong việc hòa giải cũng là rất khó khăn.
Chuyên gia cho rằng thay vì nỗ lực hòa giải, nhiệm vụ tìm hiểu thực tế để “khám phá” thời điểm chín muồi cho hòa giải sẽ phù hợp hơn với các nước châu Phi.
Bà Adetunji lập luận rằng các công việc “tiền đàm phán” để giúp hai bên thêm chiến “thấy được sức hấp dẫn của hòa bình” chính là nhiệm vụ cấp thiết lúc này của bên thứ ba. Bà cho rằng điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn của châu Phi có thể giúp họ thuyết phục Nga và Ukraine.
Ngoài TQ và 6 nước châu Phi, nhiều quốc gia đã thể hiện mong muốn hòa giải cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen hôm 23-5 nói rằng nước này sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế bàn về hòa đàm Nga - Ukraine trong tháng 7.
Ngay từ đầu xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia rất tích cực làm trung gian tổ chức nhiều vòng hòa đàm hai bên dù chưa đạt được kết quả cuối cùng.
Lãnh đạo Israel đã liên tục có các cuộc điện đàm riêng với các Tổng thống Nga và Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra với mong muốn kết nối một thỏa thuận hòa bình.
Ngày 23-5, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết nước này sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế bàn về hòa đàm Nga - Ukraine trong tháng 7, theo lời kêu...
Nguồn: [Link nguồn]