Xung đột Nga - Ukraine: Những dấu hiệu bất lợi cho Ukraine

Với việc Slovakia có một chính trị gia thân Nga thắng cử, Ba Lan cắt giảm viện trợ quân sự và Mỹ lưỡng lự trong việc phê duyệt gói viện trợ quân sự bổ sung, các nhà phân tích cho rằng Ukraine có lý do để lo lắng. 

Cựu Thủ tướng Robert Fico, lãnh đạo đảng giành chiến thắng trong bầu cử ở Slovakia, có khuynh hướng thân Nga. Ảnh: European Parliament

Cựu Thủ tướng Robert Fico, lãnh đạo đảng giành chiến thắng trong bầu cử ở Slovakia, có khuynh hướng thân Nga. Ảnh: European Parliament

Cuối tuần trước, đảng SMER-SSD của cựu Thủ tướng Robert Fico đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Slovakia, sau khi vận động tranh cử với lời hứa ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine và phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Láng giềng thay đổi

Theo Al Jazeera, diễn biến ở chính trường Slovakia gửi thêm một tín hiệu đáng lo tới Ukraine khi Kiev gần đây xảy ra tranh cãi với Ba Lan, một trong những đồng minh nhiệt tình nhất, đồng thời Kiev phải theo sát diễn biến việc Hạ viện Mỹ loại gói hỗ trợ bổ sung cho Ukraine khỏi dự luật ngân sách tạm thời. 

Những diễn biến trên làm dấy lên cuộc thảo luận về sự thay đổi trong quan điểm ủng hộ Ukraine khi xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. 

Theo Teona Lavrelashvili, một nhà phân tích thuộc tổ chức Trung tâm Chính trị châu Âu, các diễn biến đó có thể báo hiệu rằng một số đồng minh của Ukraine đã sẵn sàng cho "một giải pháp thực tế" để kết thúc xung đột. 

Sean Hanley, phó giáo sư nghiên cứu về chính trị Trung - Đông Âu, thuộc Đại học London (Anh), cho rằng, Kiev có lý do để lo ngại nhưng "không nên hoảng loạn" trước thực tế một số đồng minh có dấu hiệu "lạc nhịp". 

Việc đảng của cựu Thủ tướng Slovakia, với khuynh hướng thân Nga, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với quan điểm của Slovakia kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Trước cuộc bầu cử, Slovakia, thành viên NATO và nước láng giềng với Ukraine, vẫn thể hiện sự ủng hộ với Kiev. 

Phó giáo sư Hanley cho rằng, Kiev nên lo ngại về việc Slovakia xoay trục sang Nga (vì nó báo hiệu rằng "sự mệt mỏi mang tên Ukraine" đã xuất hiện trong các đồng minh của Kiev) hơn là lo lắng về sự cắt giảm viện trợ của nước láng giềng này.

Kiev cũng sẽ lo ngại về khả năng Slovakia sẽ cùng Hungary hình thành một liên minh "hoài nghi Ukraine" ở EU. 

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moscow, và đã tuyên bố phản đối việc phương Tây cung cấp vũ khí hoặc viện trợ kinh tế cho Ukraine. 

Cuối tuần trước, ông Orban đã chúc mừng ông Fico trên mạng xã hội X (Twitter trước đây): "Đoán xem, ai vừa trở lại nào!... Thật tốt khi được làm việc cùng với một người yêu nước". 

Nhà phân tích Lavrelashvili cho rằng, dù Slovakia có thể "sẽ trở thành kẻ gây rối" liên quan tới việc EU hỗ trợ Ukraine, nhưng sau những tuyên bố "khoa trương" thường là một động thái ngoại giao thực tế hơn. Phó giáo sư Hanley nói rằng, đó là một nét đặc trưng trong hành động của ông Fico.

Giới quan sát cho rằng, Slovakia, với mức thâm hụt ngân sách lớn nhất khu vực đồng euro (7% trong năm nay), cần các quỹ phục hồi và hiện đại hóa của EU. Điều này đồng nghĩa với việc, ông Fico có thể phải cân nhắc kỹ trước khi gây khó dễ cho EU về vấn đề Ukraine. 

Tranh cãi với đồng minh thân cận

Thủ tướng Ba Lan từng cảnh báo ông Zelensky, đừng bao giờ "xúc phạm" người Ba Lan thêm nữa. Ảnh minh họa: Getty

Thủ tướng Ba Lan từng cảnh báo ông Zelensky, đừng bao giờ "xúc phạm" người Ba Lan thêm nữa. Ảnh minh họa: Getty

Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào tháng 2/2022, Ba Lan là một trong những đồng minh nhiệt tình nhất với Kiev.

Quốc gia láng giềng này đã tiếp đón hàng triệu người tị nạn Ukraine, chuyển giao nhiều vũ khí cho Kiev và đóng vai trò là trung tâm trung chuyển cho các lô vũ khí từ các nước phương Tây chuyển đến Ukraine. 

Nhưng vài tuần gần đây, mối quan hệ Ba Lan - Ukraine dường như bắt đầu rạn nứt khi 2 nước tranh cãi về việc nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, điều được cho là khiến Warsaw tuyên bố sẽ không gửi vũ khí cho Kiev, đồng thời có thể cắt viện trợ cho người tị nạn Ukraine. 

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo ông Zelensky, đừng bao giờ "xúc phạm" người Ba Lan thêm nữa, sau khi Tổng thống Ukraine nói ở một cuộc họp của Liên Hợp Quốc rằng "vở kịch chính trị" quanh việc nhập khẩu ngũ cốc đang giúp ích cho mục tiêu của Moscow. 

Tranh cãi giữa Ba Lan và Ukraine bắt đầu vào tháng 9 khi Ba Lan áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm bảo vệ nông dân trong nước. Động thái này khiến Kiev tức giận. Hai bên liên tục đưa ra các cảnh báo, tạo tiền đề cho 1 cuộc tranh cãi.

Robert Pszczel, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Casimir Pulaski Foundation (Ba Lan), cho rằng, dù có những lời lẽ khó chịu dành cho nhau, sự hỗ trợ chiến lược và quan trọng của Warsaw dành cho Kiev vẫn không thay đổi. 

Ông Pszczel cho biết, tranh cãi về nhập khẩu ngũ cốc là đỉnh điểm của nhiều rạn nứt giữa 2 nước, bao gồm một sự cố vào tháng 11/2022, khi một tên lửa phòng không của Ukraine gây chết người trên đất Ba Lan. Ông Pszczel lập luận rằng dù có nhiều rạn nứt như vậy trước đó, nhưng Ba Lan vẫn hỗ trợ Ukraine. 

Mỹ sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine?

Ông Biden tiếp ông Zelensky tại Mỹ hồi tháng 9. Ảnh: AP

Ông Biden tiếp ông Zelensky tại Mỹ hồi tháng 9. Ảnh: AP

Những diễn biến gần đây ở Mỹ có thể khiến Ukraine thêm lo lắng. 

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 7, ông Biden trấn an các nhà lãnh đạo khối G7 và ông Zelensky rằng "cam kết của Mỹ với Ukraine sẽ không suy yếu". 

Nhưng cuối tuần trước, một thỏa hiệp đạt được tại quốc hội Mỹ, nhằm ngăn việc chính phủ đóng cửa, đã không có gói viện trợ bổ sung cho Ukraine. Điều này phần lớn là do sự phản đối của các thành viên đảng Cộng hòa có đường lối cứng rắn. 

Sau đó, việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy mất chức càng làm tăng thêm sự không chắc chắn về viện trợ cho Ukraine. 

Joshua Tucker, giáo sư về chính trị tại Đại học New York (Mỹ), nói rằng, động thái của Mỹ nên được xem xét "trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ Mỹ rất đặc biệt ở thời điểm này".

Giáo sư Tucker cho rằng, dự luật tạm thời chịu sức ép từ một bộ phận nhỏ thành viên đảng Cộng hòa và không phản ánh sự thay đổi tổng thể trong nền chính trị Mỹ. 

Thay vào đó, sự ủng hộ dành cho Ukraine sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào hướng đi mà cựu Tổng thống Donald Trump, người dẫn đầu cho vị trí ứng viên Tổng thống 2024 của đảng Cộng hòa, lựa chọn, nếu ông này tái đắc cử.

Theo lý giải của giáo sư Tucker, ở Mỹ, câu chuyện chính trị xung quanh Ukraine tập trung vào việc liệu chính phủ có chi quá nhiều tiền cho xung đột hay không. Điều này khác với ở châu Âu, nơi mọi người mong muốn "xung đột kết thúc" hơn vì tác động trực tiếp của nó tới chất lượng sống và giá năng lượng. 

Trong tuần này, ông Biden đã trấn an các đồng minh châu Âu và Ukraine rằng ông vẫn tin quốc hội Mỹ sẽ phê duyệt gói viện trợ bổ sung cho Ukraine "cho tới khi nào còn cần thiết".  

Nguồn: [Link nguồn]

Phương Tây có dấu hiệu giảm hỗ trợ quân sự, ông Zelensky nói về điều diễn ra ở chiến trường

Tình trạng thiếu thốn vũ khí, đạn dược đang gây ra những khó khăn trong cuộc phản công, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4/10 cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Hoa - Al Jazeera ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN