Xung đột Nga-Ukraine: Nhìn lại 1 năm chiến sự
Những diễn biến quan trọng của xung đột Nga-Ukraine sau 1 năm.
Xung đột Nga-Ukraine, cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến 2 sắp tròn 1 năm vào ngày 24-2 tới.
Dưới đây là những diễn biến chính của cuộc chiến từ khi bắt đầu tới thời điểm này, theo hãng tin AP, Bloomberg và TASS.
Tháng 2-2022: Xung đột bắt đầu
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2-2022. Ảnh: AP
Vào ngày 24-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ phía bắc, đông và nam. Ông nói rằng chiến dịch này nhằm mục đích “phi quân sự hóa” và “phi hạt nhân hóa” Ukraine, ngăn chặn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev.
Ngày 25-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ ở lại đất nước và tiếp tục nắm quyền.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực tài chính, nhập khẩu công nghệ cxung như giới tài phiệt của Nga.
Ngày 28-2, Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU.
Tháng 3-2022: Đàm phán thất bại
Ngày 2-3, Nga tuyên bố kiểm soát TP Kherson ở miền nam. Trong những ngày đầu tháng 3, lực lượng Nga cũng chiếm phần còn lại của vùng Kherson và phần lớn vùng Zaporizhzhia lân cận, trong đó có Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu.
Ngày 8-3, Mỹ và Anh cấm nhập khẩu dầu Nga.
Ngày 10-3, các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov không đạt được tiến triển.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 29-3 đã quyết định giảm đáng kể các hoạt động gần thủ đô Kiev và một số khu vực khác tập trung vào vùng trung tâm công nghiệp phía đông của Donbass.
Tháng 4-2022: Cuộc chiến bước sang giai đoạn mới
Ngày 8-4, một vụ tấn công tên lửa vào ga tàu tại khu vực Kramatorsk do Ukraine kiểm soát khiến ít nhất 52 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Moscow và Kiev cáo buộc nhau thực hiện vụ tấn công này.
Ngày 13-4, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva của Hạm đội biển Đen Nga bị chìm do hỏa hoạn. Ukraine cho rằng lực lượng của nước này đã phóng tên lửa đánh chìm chiến hạm Nga.
Tháng 5-2022: NATO lớn mạnh
Ngày 4-5, EU công bố kế hoạch cấm dầu thô Nga trong 6 tháng như một phần của vòng trừng phạt thứ sáu.
Phần Lan và Thụy Điển ngày 18-2 nộp đơn xin gia nhập NATO.
Ngày 21-5, quân Moscow chiếm TP cảng Mariupol (Ukraine) trên biển Azov. Tổng thống Mỹ Joe Biden ký gói viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine.
Tháng 6-2022: Sự mở rộng của NATO và EU
Ngày 16-6-2022,Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý khi đó là ông Mario Draghi thăm Kiev. Ảnh: AFP
Ngày 16-6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý khi đó là ông Mario Draghi thăm Kiev.
Ngày 23-6, EU trao tư cách ứng viên cho Ukraine.
Tại một hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) ngày 29-6, các nhà lãnh đạo NATO đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh này. Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng sẽ phủ quyết tư cách thành viên của 2 nước Bắc Âu.
30-6, Nga bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Đảo Rắn trên Biển Đen, nói rằng đây là “cử chỉ thiện chí” để tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.
Tháng 7-2022: Giảm nỗi lo về an ninh lương thực
Ngày 3-7, quân đội Ukraine rút khỏi thành phố Lysychansk, miền đông Ukraine - thành trì đô thị cuối cùng dưới sự kiểm soát của Kiev trong vùng Luhansk.
Ngày 4-7, Ukraine công bố kế hoạch tái thiết, chỉ ra rằng nước này cần hơn 750 tỉ USD trong 10 năm tới.
Ngày 22-7, với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc, Nga và Ukraine đã đồng ý ký thỏa thuận để giải phóng ngũ cốc đang mắc kẹt tại các cảng Biển Đen, chấm dứt tình trạng bế tắc đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Ngày 29-7, tên lửa rơi trúng một nhà tù ở thị trấn Olenivka (khu vực do Nga kiểm soát thuộc vùng Donetsk) khiến ít nhất 53 người chết. Hai bên đổ lỗi cho nhau thực hiện vụ tấn công.
Tháng 8-2022: Khí đốt từ Nga ngừng sang châu Âu
Ngày 9-8, nổ lớn tấn công một căn cứ không quân ở bán đảo Crimea và nhiều vụ nổ khác xuất hiện vài ngày sau đó. Một sĩ quan quân đội Ukraine sau đó thừa nhận rằng các cuộc tấn công vào Crimea do lực lượng Kiev phát động.
Ngày 30-8, Ukraine phản công ở khu vực phía nam Kherson. Ngày 31-8, tất cả hoạt động xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu đều tạm dừng. Tập đoàn Gazprom của Nga trích dẫn lý do bảo trì đường ống Nord Stream 1.
Tháng 9-2022: Huy động lực lượng
Ngày 2-9, nhóm các nền kinh tế G7 đồng ý áp đặt giá trần với dầu Nga trên toàn cầu.
Vào ngày 6-9, Ukraine đã phát động phản công bất ngờ ở khu vực đông bắc Kharkiv, đẩy lùi quân Nga khỏi khu vực này.
Ngày 21-9, Tổng thống Putin ký sắc lệnh tổng động viên, huy động 300.000 quân dự bị.
Ngày 23-9, Nga tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine là (gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia) vào Nga.
Ngày 27-9, hai vụ nổ mạnh đã làm rò rỉ đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Tháng 10-2022: Tâm điểm cầu Crimea
Thiệt hại đối ở cầu Crimea sau vụ nổ ngày 8-10-2022. Ảnh: BLOOMBERG
Một vụ nổ lớn ngày 8-10 đã xé toạc cây cầu Crimea - tuyến đường bộ duy nhất - nối Nga với bán đảo Crimea. Vụ việc xảy ra một ngày sau sinh nhật của Tổng thống Putin. Nga cáo buộc Ukraine gây ra vụ việc nhưng Kiev bác bỏ.
Ngày 9-10, Tổng thống Putin lần đầu tiên công khai chỉ định tướng Sergei Surovikin chỉ huy toàn bộ chiến dịch ở Ukraine.
Ngày 10-10, Nga mở đợt pháo kích dữ dội nhất kể từ đầu cuộc chiến nhắm vào Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraine.
Tháng 11-2022: Tên lửa “bay lạc”
Ngày 9-11, Nga tuyên bố rút quân khỏi TP Kherson.
Ngày 15-11, một tên lửa Ukraine bay lạc vào lãnh thổ Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng. Vụ việc suýt chút nữa đã đẩy căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang.
Kiev tố Nga ngày 24-11 đã nã pháo ồ ạt vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine khiến hàng triệu người dân nước này mất điện.
Tháng 12-2022: Tổng thống Zelensky đến Washington
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau tại Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C, ngày 21-12-2022. Ảnh: AP
Ngày 2-12, G7, Úc và EU đã nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Ngày 21-12, Tổng thống Zelensky đến thăm Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi xung đột bắt đầu. Tại đây, Tổng thống Biden hứa sẽ gửi hệ thống phòng không Patriot để giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Tháng 1-2023: Xe tăng
Ngày 2-1, lực lượng Ukraine đã tấn công vào một cơ sở quân sự của Nga ở thị trấn Makiyivka (tỉnh Donetsk) khiến 89 binh sĩ Nga thiệt mạng, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Mỹ ngày 5-1 cam kết cung cấp xe chiến đấu Bradley và Đức hứa gửi xe chiến đấu Marder cho Kiev.
Ngày 12-1, Nga tuyên bố chiếm được thị trấn khai thác muối Soledar (tỉnh Donetsk).
Anh ngày 14-1 tuyên bố sẽ gửi xe tăng chiến đấu Challenger 2, trở thành thành viên NATO đầu tiên đồng ý cung cấp vũ khí bọc thép hiện đại cho Ukraine.
Ngày 24-1, Tổng thống Zelensky thông báo cách chức ít nhất 10 quan chức chính phủ do tham nhũng.
Ngày 25-1, sau nhiều bất đồng, cuối cùng Mỹ và Đức cũng đồng ý chuyển giao xe tăng chiến đấu hạng nặng là M1 Abrams của Mỹ và Leopard 2 của Đức cho Kiev.
Tháng 2-2023: Tiếp theo là tên lửa tầm xa?
Ngày 8-2, ông Zelensky đến London, phát biểu trước quốc hội Anh. Tại đây, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố Anh đang xem xét gửi tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Ngày 15-2, Ukraine cho biết đã phát hiện và bắn hạ 6 khinh khí cầu gián điệp của Nga trên bầu trời Kiev.
Nguồn: [Link nguồn]
Các binh sĩ Ukraine chiến đấu ở Bakhmut yêu cầu được hỗ trợ thêm vũ khí, khi các nhà lãnh đạo phương Tây nhóm họp ở Munich, Đức hôm 17/2 để đánh giá tình hình xung đột sau...