Xung đột Nga - Ukraine: Nhiều lãnh đạo châu Âu thừa nhận “sự thật phũ phàng”

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và 4 nhà lãnh đạo châu Âu khác thừa nhận Liên minh châu Âu (EU) chưa hoàn thành mục tiêu cung cấp đạn pháo cho Ukraine

"Đầu năm ngoái, EU cam kết thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo trước tháng 3-2024. Sự thật phũ phàng là chúng ta chưa hoàn thành mục tiêu này" – 5 nhà lãnh đạo nêu trên khẳng định trong bức thư được đăng trên Financial Times hôm 31-1.

"Nga không chờ đợi ai cả và chúng ta cần phải hành động ngay. Nếu Ukraine thua, hậu quả lâu dài và cái giá phải trả sẽ cao hơn nhiều đối với tất cả chúng ta. Châu Âu có trách nhiệm đặc biệt. Vì vậy, chúng ta phải hành động. Tương lai của châu Âu phụ thuộc vào điều đó" – họ cảnh báo.

Bức thư có chữ ký của Thủ tướng Đức Scholz, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Thủ tướng Cộng hòa CH Czech Petr Fiala và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen.

Theo báo The Guardian, Thủ tướng Scholz đang thu thập bằng chứng rõ ràng và chắc chắn về viện trợ của các nước thành viên EU khác dành cho Ukraine, đặc biệt là Pháp.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và 4 nhà lãnh đạo châu Âu khác thừa nhận EU chưa hoàn thành mục tiêu cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và 4 nhà lãnh đạo châu Âu khác thừa nhận EU chưa hoàn thành mục tiêu cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Sau khi Thủ tướng Scholz bày tỏ lo ngại về việc không đủ dữ liệu để đánh giá đầy đủ đóng góp của mỗi nước, Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu đã tiến hành một cuộc khảo sát, trong đó yêu cầu mỗi quốc gia thành viên tiết lộ kế hoạch chi tiêu trong và sau năm 2024.

Nhiều nguồn tin cho biết một số quốc gia đã từ chối tiết lộ cam kết của mình, làm dấy lên nghi ngờ rằng một số thành viên EU đang lợi dụng quyền bảo mật kế hoạch quân sự để đạt được lợi ích riêng.

Trong bức thư nêu trên, 5 nhà lãnh đạo khẳng định viện trợ của EU dành cho Ukraine đến thời điểm hiện tại đã mang lại "thành công rõ ràng", ngăn cản Moscow đạt được mục tiêu ban đầu là quật ngã Kiev trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

"Nỗ lực của chúng ta không được lung lay" – họ cảnh báo, đồng thời kêu gọi tăng cường và tăng tốc viện trợ cho Kiev trên tiền tuyến.

Bức thư trên được công bố trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU, được tiến hành để phá vỡ bế tắc giữa các nước thành viên và Hungary về kế hoạch viện trợ 63 tỉ USD cho Ukraine.

Xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24-2-2022 và chưa có dấu hiệu xuống thang. Ảnh: Reuters

Xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24-2-2022 và chưa có dấu hiệu xuống thang. Ảnh: Reuters

Chuẩn bị cho đợt trừng phạt mới

Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến họp cấp cao với các nước thành viên từ ngày 3-2 để thảo luận chi tiết về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga - Reuters dẫn 3 nguồn tin ngoại giao cho biết.

EU mong muốn đưa ra gói trừng phạt thứ 13 để đánh dấu 2 năm xung đột Nga - Ukraine vào ngày 24-2.

Vòng thảo luận nêu trên là bước đi cuối cùng trước khi EC chính thức đề xuất gói trừng phạt để các nước EU tranh luận và bỏ phiếu.

Đề xuất của EC nhiều khả năng tập trung vào khía cạnh khắc phục lỗ hổng pháp lý, đặc biệt là đối với những vật phẩm có thể sử dụng trên chiến trường, cũng như danh sách mới về cá nhân và tổ chức bị trừng phạt.

Một nguồn tin khẳng định lệnh cấm nhập khẩu mới cũng có khả năng xảy ra. Ba Lan và các nước Baltic đã kêu gọi cấm nhập khẩu nhôm và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.

Thông tin cho rằng ông Zelensky sẽ sa thải Tổng tư lệnh quân đội Ukraine đã lan khắp thủ đô Kiev. Có nhiều yếu tố khiến cho tin đồn này ngày càng lan nhanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Lực ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN