Xung đột Nga-Ukraine: Được lợi nhất không phải là 2 bên, mà là...
Cuộc xung đột Nga-Ukraine tạo điều kiện không thể lý tưởng hơn cho các bệnh truyền nhiễm lây lan - đặc biệt là COVID-19, và Ukraine rất có thể sẽ hứng chịu "thảm họa kép".
Chúng ta ít hay nhiều đều có niềm tin rằng COVID-19 sẽ kết thúc. Dù vẫn chưa thoát khỏi đại dịch, nhưng với vaccine, tiến bộ trong phương pháp điều trị và vô số kiến thức về cách thức hoạt động và lây lan của virus, mọi thứ đã được cải thiện. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đã mở ra một chương đen tối. Nó có thể sẽ làm gia tăng tình trạng lây nhiễm COVID-19 không chỉ ở Ukraine mà còn ở các nước xung quanh, theo đài Al Jazeera. Khi mọi người tìm nơi lánh nạn, họ có thể vô tình mang theo các bệnh truyền nhiễm và lây lan cho người khác.
Bài học từ lịch sử Lịch sử đã chứng minh chiến tranh có thể tạo điều kiện lý tưởng cho các bệnh truyền nhiễm lây lan. Khi các tổ chức chính phủ mất tập trung, dịch vụ y tế suy yếu, môi trường suy thoái, nó tạo ra điều kiện hoàn hảo cho sự bùng phát của các căn bệnh truyền nhiễm thảm khốc. Chúng ta đã thấy điều này ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) trong đợt bùng phát Ebola 2018-2020, đặc biệt là ở phần phía đông, nơi chìm trong bất ổn và xung đột dân sự. Không phải ngẫu nhiên mà DRC lại để xảy ra đợt bùng phát Ebola tàn khốc và kéo dài, bất chấp những nỗ lực của chính phủ và các tổ chức viện trợ nước ngoài. Một nghiên cứu xem xét mức độ ảnh hưởng của xung đột đến việc ngăn sự lây lan của Ebola đã kết luận rằng bạo lực trong nước - nhất là các cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế, ảnh hưởng đáng kể đến nỗ lực tiêm chủng, thời gian cách ly cần thiết cho những người bị nhiễm bệnh. Điều này đã khiến các đợt bùng phát kéo dài.
Điều kiện lý tưởng cho COVID-19 lây lan
Xung đột Nga-Ukraine cũng không ngoại lệ, nó có thể khiến mức độ lây lan COVID-19 đã cao có khả năng còn trở nên tồi tệ hơn. Cả hai quốc gia đều ghi nhận sự gia tăng đáng kể các ca mắc COVID-19 trong mùa đông năm nay. Nga ghi nhận kỷ lục hơn 180.000 ca dương tính vào ngày 17-2, chỉ vài ngày trước khi xung đột nổ ra. Với mức độ lây lan cao như vậy, khả năng rất cao binh lính Nga có thể mang theo virus đến Ukraine, làm tăng thêm khủng hoảng cho đất nước này.
Người dân Ukraine tìm nơi trú ẩn sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Ảnh: AL JAZEERA
Theo thông tin mới nhất, Ukraine đã ghi nhận hơn 4,8 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 105.500 ca tử vong. Các trường hợp mắc mới tăng đáng kể trong tháng 1-2022 và đạt cao điểm vào đầu tháng 2 với hơn 43.000 trường hợp.
Kể từ khi xung đột nổ ra, các ca nhiễm đã giảm xuống nhưng điều này rất có thể là do mức độ xét nghiệm giảm xuống khi hai bên tập trung nhiều hơn vào tình hình chiến sự. Đáng nói là tỉ lệ tiêm chủng ở Ukraine chỉ mới ở mức 34%. Và cuộc xung đột rất có thể sẽ cản trở nỗ lực tiêm chủng của nước này.
Kể từ ngày 24-2, nhiều người đã sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đến các nơi an toàn hơn. Mạng xã hội đã tràn ngập hình ảnh nhiều đoàn người tại các ga xe lửa và trên các chuyến tàu khởi hành từ các thành phố lớn.
Có thể hiểu trọng tâm hàng đầu của người dân Ukraine là thoát khỏi nguy hiểm, nhưng một thực tế đáng buồn việc tập trung quá đông như vậy là điều kiện lý tưởng cho virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh.
COVID-19 vẫn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt đối với người cao tuổi và dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng. Nhiều người chạy khỏi vùng chiến sự bị thiếu ngủ, không được tiếp cận với các loại thuốc thông thường và chế độ dinh dưỡng kém. Tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ do tác động tiêu cực của những điều này lên hệ thống miễn dịch.
Những người mắc bệnh khác cũng bị ảnh hưởng Ngoài khả năng lây lan ngay lập tức của virus, cuộc chiến càng kéo dài, nó sẽ càng ảnh hưởng đến các hệ thống y tế và phá vỡ các hệ thống giám sát và phản ứng. Tấn công cơ sở hạ tầng là một chiến thuật thường được sử dụng trong chiến tranh để vô hiệu hóa phương tiện giao thông và các cơ sở vật chất, vật tư, nhằm mục đích làm suy yếu một quốc gia. Điều này sẽ gây ra hậu quả không thể tránh khỏi đối với nguồn cung cấp y tế ở Ukraine. Cơ sở hạ tầng suy yếu sẽ cản trở khả năng tiếp cận của cả dân sự và quân đội đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khẩn cấp khác.
Người dân Ukraine trú ẩn trong những ga tàu điện ngầm. Ảnh: AL JAZEERA
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27-2 cho biết rằng các xe tải không thể vận chuyển oxy từ các nhà máy đến các bệnh viện xung quanh Ukraine. WHO cảnh báo rằng các bệnh viện Ukraine có thể cạn kiệt nguồn cung cấp oxy trong 24 giờ, khiến hàng nghìn người khác gặp nguy hiểm. WHO đang làm việc với các đối tác để vận chuyển các lô hàng khẩn cấp qua Ba Lan. Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra và tình trạng thiếu oxy trên toàn quốc, điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến những người bị bệnh COVID-19 mà còn nhiều tình trạng sức khỏe khác. Cuộc xung đột còn có thể đe dọa đối với việc cung cấp điện, năng lượng và thậm chí cả nước sạch cho các bệnh viện. Người ta thường nói rằng trong chiến tranh không có kẻ chiến thắng, nhưng rõ ràng bệnh dịch và bệnh tật đều có lợi trong cuộc xung đột giữa con người với nhau. Sự phối hợp giữa các tổ chức viện trợ quốc tế giờ đây sẽ là chìa khóa để ngăn chặn tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Bộ Quốc phòng Ukraine thông tin rằng ông Denis Kireev - thành viên đội đàm phán Ukraine với Nga - thiệt mạng khi làm nhiệm vụ chứ không phải bị SBU thủ tiêu như một số cơ quan truyền...
Nguồn: [Link nguồn]