Xung đột Israel - Palestine leo thang và thế khó của Mỹ

Bạo lực gia tăng giữa Israel và Palestine tiếp tục đe dọa tiến trình lập lại hòa bình trên dải Gaza. Trong khi đó, chính quyền ông Biden đang gặp khó trong việc ủng hộ đồng minh Israel.

Ngày 12-5 (giờ địa phương), hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của quân đội Israel cho biết từ hôm 10-5, ít nhất 1.000 quả rocket được phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine phóng đi liên tục từ dải Gaza nhằm vào lãnh thổ Israel, tập trung chủ yếu vào TP Tel Aviv. Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel được cho là đã đánh chặn thành công khoảng 850 quả. Hiện chưa có thông tin về thương vong trong đợt tấn công nhưng một số tòa nhà trong khu vực bị đánh trúng có dấu hiệu bị hư hại.

Theo hãng tin Reuters, các đợt trả đũa qua lại giữa Israel và Palestine nhiều ngày qua là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc xung đột năm 2014. Khi đó, các đợt giao tranh đã khiến hơn 2.100 người thiệt mạng và 10.000 người bị thương. 

Đáp trả, Israel cùng ngày lập tức điều máy bay không kích nhiều trụ sở của phong trào Hamas và khẳng định đã tiêu diệt 16 thành viên của lực lượng này, trong đó có một chỉ huy cấp cao là Bassim Issa cùng một số chuyên gia phát triển vũ khí khác. Hơn 35 dân thường cũng thiệt mạng trong đợt không kích đáp trả của Israel.

Đi tìm nguyên nhân xung đột Israel - Palestine

Các cuộc đụng độ nói trên là diễn biến mới nhất trong chuỗi căng thẳng nổ ra gần đây giữa người dân Israel và Palestine. Theo tạp chí Vox, bạo lực bùng phát hồi cuối tháng 4 khi người Palestine biểu tình phản đối cảnh sát Israel vì không cho họ vào TP Jerusalem, nơi có nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trong tháng diễn ra lễ Ramadan truyền thống của tôn giáo này. Người Palestine coi đây là hành vi hạn chế quyền tự do tụ họp và tự do tôn giáo, trong khi phía cảnh sát Israel khẳng định đây chỉ là biện pháp duy trì trật tự.

Ngoài ra, họ cũng bất bình vì chính quyền Israel gần đây đẩy mạnh trục xuất một số người Palestine ra khỏi nhà để nhường chỗ cho người định cư Israel. Trên thực tế, đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ đụng độ kể từ đầu năm nay khi Tòa án vùng Jerusalem ra phán quyết ủng hộ người định cư Do Thái muốn chuyển tới sống ở khu đất đang có nhà của nhiều gia đình Palestine.

Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel đánh chặn các rocket của Hamas ngày 12-5. Ảnh: REUTERS

Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel đánh chặn các rocket của Hamas ngày 12-5. Ảnh: REUTERS

Nhìn lại lịch sử, trong cuộc chiến sáu ngày giữa Israel, Jordan, Syria và Ai Cập hồi năm 1967, Israel đã chiếm và kiểm soát toàn bộ TP Jerusalem cho đến nay. Israel cũng chiếm Bờ Tây, cao nguyên Golan và bán đảo Sinai. Sau này, bán đảo Sinai được trả lại cho Ai Cập theo thỏa thuận hòa bình năm 1979 nhưng Jerusalem và cao nguyên Golan vẫn nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của Israel. Người Palestine được hưởng quyền tự trị hạn chế ở khu vực phía đông Jerusalem và một số vùng đất ở Bờ Tây nhưng Israel vẫn kiểm soát toàn bộ vấn đề biên giới và an ninh.

Tình trạng này khiến đụng độ qua lại và gây thương vong cho cả hai phía. Ngày 8-5, cảnh sát chống bạo động của Israel đã trấn áp mạnh tay đối với hàng trăm người Palestine biểu tình tại đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem, khiến khoảng 170 người bị thương. Người Palestine lúc đó quá khích ném đá, chai lọ và pháo hoa về phía cảnh sát Israel, khiến lực lượng này đáp trả bằng đạn cao su và lựu đạn. Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ (IFRC) chi nhánh Palestine đã phải dựng bệnh viện dã chiến gần khu vực xảy ra xung đột.

Mỹ bị đặt vào thế khó xử

Israel hiện là một trong những đồng minh thân cận nhất với Mỹ và gần như là đồng minh duy nhất mà Washington có thể tin cậy được ở Trung Đông. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần sự ủng hộ của Israel trong vấn đề đàm phán tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran. Do vậy, tình hình căng thẳng hiện tại giữa Israel và Palestine chắc chắn sẽ là mối quan tâm lớn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden vì khi mới nhậm chức, ông Biden đã hy vọng có thể chuyển trọng tâm đối ngoại từ Trung Đông sang các khu vực khác trọng yếu hơn như Trung Quốc hay Nga.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12-5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang rất quan ngại các diễn biến ở dải Gaza thời gian qua và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục giữ vững cam kết ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột kéo dài giữa Israel - Palestine. Dù vậy, ông Blinken cũng nhấn mạnh là Washington ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của Israel và mọi hành động bạo lực lúc này sẽ càng khiến nỗ lực hòa giải trở nên khó khăn hơn.

Theo đài CNN, phát ngôn của ông Bliken cho thấy Mỹ dù vẫn tỏ ra ủng hộ nhưng không thể đứng về phía Israel hoàn toàn sau các thiệt hại về người và của mà các đợt không kích của nước này gây ra. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Blinken từng tuyên bố chính quyền của ông Biden sẽ đẩy vấn đề quyền con người trở thành trọng tâm của chính sách đối ngoại Mỹ thời kỳ mới. “Mỹ cam kết hướng tới thế giới nơi quyền con người được bảo vệ, người bảo vệ quyền con người được coi trọng, còn người vi phạm phải chịu trách nhiệm” - ông Bliken cho hay.

Trả lời phỏng vấn của Vox, GS Shibley Telhami thuộc ĐH Florida (Mỹ) nhận định giờ là lúc Mỹ chịu áp lực phải thể hiện rõ nguyên tắc tôn trọng quyền con người này vì cả thế giới đang dõi theo diễn biến ở dải Gaza. Nếu chỉ vì muốn giữ lấy quan hệ đồng minh Israel thì chính quyền ông Biden sẽ có nguy cơ đánh mất uy tín trong mắt cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế, nội bộ Mỹ cũng đã bắt đầu có nhiều tiếng nói yêu cầu Washington công khai lên án Israel. J Street - một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ đấu tranh cho hòa bình giữa Palestine và Israel cuối tuần trước đã ra tuyên bố kêu gọi ông Biden đưa ra thông điệp rõ ràng rằng việc Israel trục xuất các gia đình Palestine khỏi phần phía đông Jerusalem là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Một số nghị sĩ đảng Dân chủ cũng gây áp lực với ông Biden. Nghị sĩ Chris Van Hollen, thành viên Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Thượng viện Mỹ, mới đây cũng đăng trên trang Twitter chính thức dòng trạng thái nhắc nhở ông Biden đừng quên cam kết về ủng hộ quyền con người khi toàn thế giới đang rất bất bình trước cách hành xử của Israel với người Palestine.

Có thể thấy những biểu hiện và động thái của chính quyền mới ở Mỹ về vụ việc hiện tại ở Trung Đông phản ánh tình trạng lúng túng và bối rối của nước này - vốn đang trong quá trình tái hoạch định chiến lược ở Trung Đông nói chung và Israel nói riêng. Liệu các nguyên tắc mà chính quyền ông Biden đã đặt ra sẽ thắng thế hay ông sẽ lại tiếp tục coi trọng và thiên vị mối quan hệ với đồng minh Israel còn tùy thuộc khả năng Washington cân bằng thế nào giữa lợi ích quốc gia và các giá trị mà họ đang theo đuổi.

Ngày 12-5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành họp khẩn lần thứ hai về tình hình căng thẳng giữa Israel và Palestine. Tại cuộc họp, 14 trong tổng số 15 thành viên hội đồng đều ủng hộ ra tuyên bố kêu gọi các bên giảm căng thẳng, ngoại trừ Mỹ. Do đó, cuộc họp kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung nào. Theo một nhà ngoại giao giấu tên, phía Mỹ coi việc Hội đồng bảo an họp hai lần về xung đột Israel - Palestine là đã đủ để “thể hiện quan ngại” nên nước này không đồng ý ra tuyên bố chung.

Trong cuộc họp lần thứ nhất ngày 10-5, phái đoàn Mỹ cũng không tán thành một văn bản do Tunisia, Na Uy và Trung Quốc đề xuất, trong đó kêu gọi các bên liên quan kiềm chế các hành động khiêu khích và yêu cầu Israel ngừng trục xuất các gia đình Palestine ở đông Jerusalem.

Nguồn: [Link nguồn]

Israel tung video toàn cảnh vụ hứng 1.500 quả rocket từ Dải Gaza

Hình ảnh được ghi lại từ thủ đô Tel Aviv và nhiều thành phố khác của Israel cho thấy người dân hoảng loạn tìm chỗ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN