Xung đột Israel-Hamas và chiến lược 'ngoại giao cân bằng’ của Trung Quốc ở Trung Đông

 Thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực thực hiện chiến lược "ngoại giao cân bằng” đối với khu vực Trung Đông, nhưng sự bùng nổ của xung đột Israel-Hamas khiến cách tiếp cận này ngày càng khó duy trì.

Theo giới quan sát, xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) tác động đáng kể đến chiến lược Trung Đông của Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình - chiến lược cho đến nay vẫn tập trung vào khái niệm “ngoại giao cân bằng”, theo kênh Channel News Asia.

Ngoại giao cân bằng

Trang tin The Conversation dẫn nhận định của GS Khoa học chính trị Andrew Latham thuộc trường CĐ Macalester (bang Minnesota, Mỹ) rằng nếu như nhiều thập niên trước, TQ không dành nhiều sự quan tâm đến khu vực Trung Đông thì từ năm 2012 cách tiếp cận này đã thay đổi. Bắc Kinh những năm qua đã đầu tư đáng kể năng lượng ngoại giao để xây dựng ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 6. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 6. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Tầm nhìn chiến lược tổng thể của Bắc Kinh đối với Trung Đông là tầm nhìn mà trong đó ảnh hưởng của Mỹ giảm đáng kể trong khi ảnh hưởng của TQ được tăng cường.

Tầm nhìn này còn dựa trên những lo ngại rằng việc tiếp tục thống trị của Mỹ tại Trung Đông sẽ đe dọa khả năng tiếp cận của TQ đối với hoạt động xuất khẩu dầu khí ở khu vực.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Bắc Kinh đang tìm cách thay thế Mỹ để trở thành cường quốc thống trị trong khu vực. Đúng hơn, TQ đang thúc đẩy sự liên kết đa phương giữa các quốc gia trong khu vực, tức khuyến khích từng quốc gia can dự với TQ trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và thương mại.

Cách tiếp cận này không chỉ tạo ra mối quan hệ giữa TQ với các nước trong khu vực mà còn làm suy yếu mọi động lực của các quốc gia trong việc gia nhập các sáng kiến do Mỹ lãnh đạo.

Chiến lược thúc đẩy sự liên kết đa phương được mô tả trong các tài liệu của chính phủ TQ là “ngoại giao cân bằng” và “cân bằng tích cực”. Ngoại giao cân bằng đòi hỏi không đứng về bên nào trong nhiều cuộc xung đột khác nhau và không tạo ra bất kỳ kẻ thù nào.

Trước khi cuộc xung đột Israel-Hamas bùng nổ hôm 7-10, chiến lược của Bắc Kinh đối với khu vực Trung Đông đạt được những thành công đáng kể. Năm 2016, TQ nâng cấp quan hệ song phương với Saudi Arabia lên đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2020, Bắc Kinh ký thỏa thuận hợp tác 25 năm với Iran.

Là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước Trung Đông và là quốc gia mua dầu hàng đầu của Saudi Arabia và Iran, Bắc Kinh có đòn bẩy kinh tế và thiện chí để đóng vai trò hòa giải trong khu vực.

Cùng khoảng thời gian đó, Bắc Kinh mở rộng quan hệ kinh tế với một loạt quốc gia vùng Vịnh khác, như Bahrain, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait và Oman. Ngoài ra, TQ cũng tăng cường quan hệ kinh tế với Ai Cập và hiện là nhà đầu tư lớn nhất trong Dự án Phát triển Khu vực Kênh đào Suez.

Đầu năm nay, thông qua một thỏa thuận do TQ làm trung gian, Saudi Arabia và Iran đã nhất trí thiết lập lại quan hệ ngoại giao. Đây được xem là một bước đột phá lớn và là bước đưa TQ trở thành nước trung gian hòa giải chính trong khu vực.

TQ phản ứng với xung đột Israel-Hamas

Tuy nhiên, xung đột Israel-Hamas làm phức tạp cách tiếp cận của TQ với Trung Đông. Phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột cho thấy sự tiếp tục trong chiến lược "ngoại giao cân bằng".

Sau vụ tấn công của nhóm Hamas vào Israel ngày 7-10, TQ kêu gọi cả hai bên “kiềm chế” và thực hiện “giải pháp hai nhà nước”. Điều này phù hợp với chính sách lâu dài của Bắc Kinh là “không can thiệp” vào công việc nội bộ của các nước.

Ngày 8-10, Bộ Ngoại giao TQ kêu gọi giảm leo thang xung đột và “các bên liên quan giữ bình tĩnh, kiềm chế và chấm dứt ngay lập tức hành động thù địch để bảo vệ dân thường và tránh tình hình xấu đi thêm”.

Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng mọi quốc gia đều có quyền tự vệ, song kêu gọi Israel “nên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ sự an toàn của dân thường”.

Cột khói bốc lên sau đòn không kích của Israel vào TP Gaza (Dải Gaza, Palestine) hôm 7-11. Ảnh: REUTERS

Cột khói bốc lên sau đòn không kích của Israel vào TP Gaza (Dải Gaza, Palestine) hôm 7-11. Ảnh: REUTERS

Theo ông Steve Tsang - Giám đốc Viện SOAS TQ (Anh - nghiên cứu về TQ), để đảm bảo vị thế của mình trên trường quốc tế, TQ đã giữ thái độ trung lập ngay cả khi mối quan hệ của nước này với Israel có thể sẽ gặp rủi ro.

Còn theo bà Yun Sun - Giám đốc chương trình TQ tại Trung tâm Stimson (Mỹ - phân tích các vấn đề liên quan hòa bình toàn cầu), Bắc Kinh giữ thái độ trung lập vì lập trường như vậy sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho nước này tại khu vực Trung Đông, theo hãng tin Al Jazeera.

“Nếu TQ muốn xuất hiện như một cường quốc khác, đang hướng tới một tương lai hoà giải khác, thì nước này không thể chọn một bên chống lại bên kia. Đó là lý do tại sao bạn thấy các tuyên bố như TQ phản đối mọi cuộc tấn công vào dân thường” - bà Yun nhận định.

Trong khi đó, GS Latham nhận định tình cảm ủng hộ người Palestine ngày càng tăng ở TQ cho thấy rằng “nếu Bắc Kinh buộc phải rời bỏ chiến lược cân bằng thì nước này có thể đứng về phía Palestine thay vì Israel". Thế nhưng ông Latham cho rằng đó là một lựa chọn mà Bắc Kinh không muốn thực hiện vì những lý do về chính sách đối ngoại và lợi ích kinh tế.

“Tôi tin rằng việc đưa ra lựa chọn như vậy sẽ đánh dấu việc kết thúc nỗ lực kéo dài hàng thập niên của TQ trong việc định vị mình là một cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực, một cường quốc tìm kiếm các thỏa thuận hòa bình và tạo ra một nền kinh tế khu vực thực sự bao trùm và một trật tự an ninh" - theo GS Latham.

Theo giới quan sát, cách tiếp cận trên của TQ đối với xung đột Israel-Hamas không có gì đáng ngạc nhiên trước những lo ngại về kinh tế và cân nhắc địa chính trị của Bắc Kinh.

Trong những năm qua, TQ đã tăng cường quan hệ thương mại với nhiều quốc gia trên khắp Trung Đông và Bắc Phi. Nếu áp lực địa chính trị đẩy TQ đến mức phải lựa chọn giữa Israel và thế giới Ả Rập, thì động cơ kinh tế sẽ là yếu tố quyết định.

Trung Quốc thúc đẩy lệnh ngừng bắn xung đột Israel-Hamas

Ngày 6-11, Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố nước này sẽ nỗ lực hết sức để khôi phục hòa bình ở Trung Đông, sau khi Bắc Kinh đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tuần trước, theo hãng tin Reuters.

“TQ sẽ cố gắng hết sức để khuyến khích Hội đồng Bảo an hoàn thành trách nhiệm, phát huy vai trò của mình, xây dựng sự đồng thuận và thực hiện các hành động có trách nhiệm và có ý nghĩa càng sớm càng tốt để giảm bớt cuộc khủng hoảng hiện tại và bảo vệ sự an toàn của dân thường nhằm khôi phục hòa bình” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

TQ ra tuyên bố trên trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas không ngừng leo thang.

Đại sứ TQ tại Liên Hợp Quốc - ông Trương Quân cho biết xung đột ở Trung Đông sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an vào tháng 11, theo tờ China Daily.

“Điều cấp bách là phải thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và ngừng giao tranh, ngăn chặn thêm thương vong cho dân thường, ngăn chặn thảm họa nhân đạo quy mô lớn hơn và ngăn chặn xung đột lan rộng” - ông Trương nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc nêu lý do điều 6 tàu chiến đến Trung Đông

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Liu Pengyu, kêu gọi chấm dứt “những lời cường điệu vô căn cứ” liên quan đến tàu chiến Trung Quốc tại Trung Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN