Xung đột giữa cường quốc và nước nhỏ bé trong khối NATO, kết cục bất ngờ

Tại vùng biển băng giá ở Bắc Đại Tây Dương, 3 cuộc đối đầu lớn đã xảy ra giữa Anh – một cường quốc quân sự trên thế giới – và một đảo quốc nhỏ bé. Đáng chú ý, cả 2 nước này đều là thành viên NATO.

Tổ tiên của người Iceland được cho là tộc người Viking sống ở khu vực Bắc Âu (ảnh: History)

Tổ tiên của người Iceland được cho là tộc người Viking sống ở khu vực Bắc Âu (ảnh: History)

Sau khi tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch (1944), dân số Iceland chỉ có khoảng 150.000 người và đảo quốc này thậm chí không có cả quân đội. Để bảo đảm an ninh khi nằm ở khu vực cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc, Iceland đã chọn gia nhập NATO (năm 1949). NATO cũng xây dựng căn cứ quân sự Keflavik trên đất Iceland.

Không chỉ lực lượng quân sự, Iceland còn tỏ ra yếu thế các nước châu Âu khác về kinh tế. Nhiều khu vực ở Iceland là sông băng, lãnh nguyên, diện tích đất nông nghiệp nhỏ hẹp và nước này cũng không có ngành công nghiệp phát triển như Đan Mạch, Na Uy.

Ngành kinh tế mũi nhọn duy nhất mà Iceland có thể dựa vào là đánh bắt cá tuyết – loài hải sản được người dân Iceland ví như “báu vật trời ban”, theo Atlasobscura.

Tranh vẽ cá tuyết – loài hải sản có giá trị thương mại cao của Iceland (ảnh: Thegreek)

Tranh vẽ cá tuyết – loài hải sản có giá trị thương mại cao của Iceland (ảnh: Thegreek)

Sau Thế chiến II, cùng với sự gia tăng sản lượng đánh bắt cá toàn cầu, Iceland nhận ra rằng, trữ lượng cá ở vùng biển xung quanh nước này đang bị suy giảm nghiêm trọng. Năm 1948, chính phủ Iceland ban hành luật hạn chế đánh bắt cá để giúp cá tuyết trên ngư trường của mình thoát nạn tuyệt chủng. Tuy nhiên, vì vùng đánh bắt cá chỉ rộng có 3 hải lý (1 hải lý = 1,8 km), Iceland hiểu rằng không thể bảo vệ đàn cá tuyết chỉ bằng một đạo luật.

Năm 1949, Iceland đã đàm phán với Anh và hy vọng mở rộng phạm vi vùng đánh bắt của mình. Tuy nhiên, London thẳng thừng từ chối lời đề nghị của đồng minh NATO. Lý do là Anh cũng thu được lợi ích lớn nhờ đánh bắt cá tuyết ở Bắc Đại Tây Dương.

Để bảo vệ sinh kế đất nước, chính phủ Iceland đã nghiên cứu kỹ luật pháp và các phán quyết quốc tế và quyết định mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình từ 3 đến 4 hải lý vào năm 1952. Điều này khiến ngư trường của Anh bị thu hẹp lại. Để đáp trả, Anh đã cấm các tàu Iceland cập cảng, cấm nhập khẩu cá tuyết của Iceland, theo History.

Theo Atlasobscura, đây là một biện pháp trừng phạt nặng tay bởi Anh là thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất của Iceland. Tuy nhiên, Iceland nhanh chóng tìm được nguồn tiêu thụ hải sản mới – Liên Xô. Lo ngại Iceland ngả về Liên Xô, Mỹ ra sức mua hải sản của Iceland và khuyến khích các đồng minh khác làm điều tương tự.

Năm 1958, Iceland quyết định nâng vùng đánh bắt cá của nước mình từ 4 lên 12 hải lý. Trước sức ép của Hiệp hội Ngư dân Anh, London đã không còn có thể tiếp tục ngồi yên. Tháng 9.1958, Anh cử 37 tàu hộ tống nhiều tàu cá nước này đến vùng biển Iceland tuyên bố chủ quyền. Cuộc chiến cá tuyết (Cod Wars) lần thứ nhất nổ ra, theo Bluecarrental. Lần này, trước sức ép của Anh, tất cả các thành viên NATO (trừ Mỹ) đều phản đối việc Iceland đơn phương mở rộng ngư trường, theo DW.

Thời điểm cuộc chiến cá tuyết lần thứ nhất nổ ra, dân số Iceland vào khoảng 200.000 người. Nước này cũng chỉ sở hữu 7 tàu tuần tra gắn pháo và 1 thủy phi cơ.

Tàu tuần tra Iceland đâm vào tàu chiến Anh (ảnh: History)

Tàu tuần tra Iceland đâm vào tàu chiến Anh (ảnh: History)

Xét về thực lực quân sự, Iceland không phải đối thủ của Anh. Tuy nhiên, nước này đã thực sự tỏ ra cứng rắn trong việc bảo vệ các ngư trường của mình. Tàu tuần tra Iceland bắn pháo vào lưới và ngư cụ của đối phương, buộc các đội tàu cá Anh phải lùi bước. Tàu chiến Anh không nổ súng.

Trên thực tế, mặc dù sở hữu sức mạnh quân đội vượt rất xa Iceland, nhưng Anh vẫn nhường nhịn vì không muốn gây bất hòa trong nội bộ khối NATO. Mỹ cũng cùng quan điểm trên và thúc giục Anh – Iceland đàm phán. Sau nhiều vòng thảo luận, năm 1961, Anh chấp nhận vùng đặc quyền kinh tế rộng 12 hải lý của Iceland. Đồng thời Iceland vẫn cho phép tàu cá Anh đánh bắt cá tuyết thêm 3 năm, với số lượng hạn chế.

Trong những năm 1960 – 1970, cùng với sự bùng nổ dân số toàn cầu, nguồn lợi hải sản của Đại Tây Dương tiếp tục bị khai thác quá mức. Năm 1971, Iceland tuyên bố mở rộng vùng đánh bắt cá lên 50 hải lý. Anh một lần nữa điều 7 tàu chiến vào vùng biển Iceland tuyên bố chủ quyền và Cuộc chiến cá tuyết lần thứ 2 nổ ra. Lần này, các tàu tuần tra của Iceland đã có một loại vũ khí bí mật – máy cắt lưới đánh cá. Với từng tấm lưới đánh cá trị giá hàng nghìn USD bị cắt đứt, tàu cá Anh chỉ có thể quay về bờ.

“Đáng kinh ngạc là Iceland có thể cứng rắn như vậy với một đồng minh NATO. Nhưng cá tuyết đối với Iceland có ý nghĩa lớn bất kỳ khối quân sự nào. Không giống như Anh, Iceland phụ thuộc lớn vào ngành đánh bắt cá, đặc biệt là khai thác hải sản”, Mark Kurlansky – nhà báo Mỹ – bình luận.

Trước sự uy hiếp của tàu chiến Anh, Iceland vẫn cương quyết không nhượng bộ. “Con bài tẩy NATO” một lần nữa được tung ra khi Iceland dọa rút khỏi khối quân sự này. Tháng 9.1973, Tổng thư ký NATO Joseph Luns đã tới Iceland để thảo luận về cuộc đụng độ giữa nước này với Anh. Ông Joseph Luns cho rằng, việc rút khỏi NATO không giúp gì cho yêu sách mở rộng vùng đánh bắt của Iceland và kêu gọi Anh nhượng bộ, theo trang web của NATO.

Cuối cùng, dưới sự điều phối của NATO và Mỹ, Anh một lần nữa chấp nhận vùng biển rộng 50 hải lý mà Iceland tuyên bố chủ quyền.

Năm 1975, nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đã kêu gọi đưa khái niệm vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý vào luật pháp quốc tế. Iceland cũng hưởng ứng “làn sóng” này và là một trong những quốc gia đi đầu trong việc tuyên bố mở rộng vùng đặc quyền kinh tế lên 200 hải lý.

Iceland không ngần ngại xung đột với Anh để bảo vệ và mở rộng vùng khai thác cá tuyết (ảnh: Laststan)

Iceland không ngần ngại xung đột với Anh để bảo vệ và mở rộng vùng khai thác cá tuyết (ảnh: Laststan)

Tháng 12.1975, Anh tiếp tục cử tàu chiến uy hiếp Iceland. Để đáp trả, tàu tuần tra Iceland đâm trực diện vào tàu chiến Anh. Trong vài năm tiếp theo, Anh – Iceland nổ ra 55 cuộc đụng độ lớn nhỏ. Việc Iceland dọa rút khỏi NATO, đóng cửa Keflavik, khiến Mỹ phải can thiệp.

Tháng 5.1976, Anh công nhận vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Iceland. Sau gần 20 năm kiên trì đấu tranh, Iceland đã thành công mở rộng tối đa vùng đánh bắt cá của mình. Hiện khoảng một 1/2 nguồn thu ngoại tệ của Iceland đến từ xuất khẩu hải sản. Quan hệ giữa nước này với Anh cũng ngày càng được cải thiện.

Theo Atlasobscura, thỏa thuận năm 1976 đã chấm dứt hơn 500 năm đánh bắt cá tuyết không giới hạn của Anh trên phần lớn diện tích Bắc Đại Tây Dương. Hàng nghìn ngư dân Anh rơi vào cảnh thất nghiệp, nhưng London vẫn phải “ngậm bồ hòn” để giữ gìn mối đoàn kết nội bộ khối NATO.

Năm 1982, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý đã được công nhận và quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

Quốc gia duy nhất không có quân đội trong NATO, vì sao vẫn được gia nhập?

Việc Iceland gia nhập NATO là quyết định gây nhiều bất ngờ và tranh cãi. Đây là quốc gia duy nhất không có quân đội trong khối quân sự lớn nhất này. Tuy nhiên, sự có mặt của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN