Xung đột, cạnh tranh, công nghệ tác động sao đến thương mại thế giới?
Xung đột, cạnh tranh giữa các nước và sự phát triển của công nghệ đang tác động lớn đến thương mại thế giới.
Xung đột tại Ukraine, cạnh tranh kinh tế giữa các cường quốc đã và đang làm thay đổi chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp. Việc các nhà hoạt động môi trường phản đối dùng nhiên liệu hóa thạch làm tăng nhu cầu tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Trí tuệ nhân tạo đang buộc nhân viên phải học các kỹ năng mới, để họ không bị máy tính thay thế.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các xu hướng này đã thay đổi thương mại toàn cầu. Ngoài ra, chúng cũng tác động đáng kể đến mức tăng kỷ lục 32.000 tỉ USD trị giá thương mại toàn cầu trong năm 2022.
Các container tại cảng Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: SHUTTERSTOCK
Hãng tin Bloomberg dẫn ra một số trường hợp cụ thể về tác động của xung đột, cạnh tranh giữa các nước và sự phát triển của công nghệ đến thương mại thế giới.
Xung đột làm chuyển hướng chuỗi cung ứng
Cảng Brindisi - ở miền nam nước Ý - là một trong nơi giao thương nhộn nhịp nhất Địa Trung Hải. Giờ đây, sự nhộn nhịp đó tăng lên gấp bội khi ngày càng có nhiều du thuyền, tàu chở hàng, tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng cập cảng Brindisi.
Chưa bao giờ các tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng đến cảng Brindisi nhiều như bây giờ. Nguyên nhân là do Liên minh châu Âu (EU) không còn muốn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.
Trước khi xung đột tại Ukraine xảy ra, khí đốt đến với EU theo chiều từ bắc xuống nam, theo các đường ống dẫn khí của Nga. Giờ đây, hướng khí đốt đưa đến EU đã đảo ngược. Khí đốt từ Bắc Phi và Trung Đông đang thay thế khí đốt của Nga, thông qua các đường ống mới và những tàu chở khí đốt.
EU đang chi ngân sách cho việc mở rộng cảng Brindisi, nhằm cho phép nhiều tàu container hơn cập cảng. Đường ống khí đốt EastMed-Poseidon cũng được xây dựng để dẫn khí từ Israel sang châu Âu. Snam SpA - công ty vận chuyển khí đốt của Ý - đang lên kế hoạch đầu tư 2,4 tỉ euro (2,7 tỉ USD) cho một mạng lưới đường ống dẫn khí đốt dọc theo bờ biển phía đông của Ý.
Các nhóm môi trường đang phản đối việc xây dựng đường ống Eastmed-Poseidon và việc mở rộng cảng vì lo ngại các dự án này có thể tác động đến sinh vật biển. Nhiều người dân Brindisi lại lo lắng việc xây dựng các dự án trên sẽ phá hủy vẻ đẹp của thị trấn cổ này - nơi những tàn tích từ thời La Mã.
Một tàu cập cảng Brindisi (Ý). Ảnh: SENZA COLONNE NEWS
Tuy nhiên, một bộ phận người dân khác lại ủng hộ các dự án này vì nó mang lại công việc cho họ và góp phần nâng cao vị thế của Ý trong thương mại toàn cầu.
“Chúng tôi tự hào về vai trò của mình. Chúng tôi làm việc chăm chỉ để nắm bắt những cơ hội và giải quyết những thách thức mới” - ông Gabriele Menotti Lippolis, người lãnh đạo một hiệp hội doanh nghiệp ở Brindisi - nói.
Công nghệ in 3D bùng nổ
Nép mình trong những ngọn đồi xanh ở phía tây Ireland, công ty khởi nghiệp Wazp đang nung nấu ý tưởng có thể làm rung chuyển nền sản xuất toàn cầu. Công ty này thiết kế một số đồ dùng nội thất cho Ikea - nhà bán lẻ nổi tiếng của Thụy Điển.
Theo Bloomberg, Ikea thường sẽ tìm đến các nước chi phí thấp như Trung Quốc (TQ) để đặt nhà máy sản xuất. Nhưng giờ đây, Wazp có thể cung cấp cho Ikea một giải pháp thay thế: in 3D.
Một trường hợp, nhân viên của Wazp chỉ cần dùng một máy in kích thước nhỏ và một thao tác gõ phím trên máy tính, một bàn tay người giống kích thước thật đã được cho ra đời bằng công nghệ in 3D. Công việc còn lại chỉ là loại bỏ phần bột thừa trên sản phẩm. Với quy trình này, các công ty có thể tiết kiệm một khoản lớn chi phí nhà xưởng, vận chuyển.
Bàn tay được tạo nên từ công nghệ in 3D. Ảnh: BLOOMBERG
Theo ông Hassett, các nhà máy sử dụng công nghệ in 3D giải quyết được tình trạng thiếu lao động, giảm chất thải, khí thải carbon và mang nhà sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng. Ông Hassett cho rằng cánh cửa của thị trường công nghệ in 3D đang rộng mở khi nhiều nhà sản xuất tìm cách thay thế các nhà máy ở TQ.
“In 3D đã thực sự bùng nổ ở Mỹ và châu Âu” - ông Hassett nói.
Chính phủ Ireland đang tài trợ cho các doanh nghiệp như Wazp cho đến khi các công ty này huy động được nhiều vốn tư nhân hơn. Ông Shane Hassett - người đồng sáng lập Wazp - cho biết ông rất lạc quan về việc công ty sẽ thu được lợi nhuận lớn trong thời gian tới.
Ấn Độ chạy đua Trung Quốc về công nghiệp điện tử
Trước khi bước vào nhà máy lắp ráp điện thoại di động, các công nhân tại công ty Dixon Technologies (Ấn Độ) phải đi qua một vòi xịt không khí để thổi bay tất cả bụi bẩn. Một chiếc điện thoại có đến hàng trăm linh kiện và để lắp ráp thành công một chiếc điện thoại như vậy, các công nhân mất khoảng 45 phút.
Để giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào TQ, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đang tạo ra các ưu đãi tài chính để thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước như Dixon hoạt động mạnh mẽ hơn. Theo Bloomberg, hiện tại, tỉ lệ ngành sản xuất trong tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ ở mức 13%, thấp hơn mục tiêu 25% ông Modi đặt ra.
Các chính sách khuyến khích sản xuất trong nước của Ấn Độ khiến việc nhập khẩu hàng TQ giảm. Ngược lại, xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Ấn Độ sang các nước khác có triển vọng tăng lên.
Công nhân lắp ráp linh kiện điện thoại tại nhà máy của Dixon. Ảnh: BLOOMBERG
Công ty Dixon của Ấn Độ đang có hợp đồng sản xuất với các nhà sản xuất điện thoại hàng đầu như Samsung, Nokia, Reliance Jio, Motorola và Xiaomi. Doanh thu hàng năm của Dixon vào năm 2022 gần 1,5 tỉ USD, gấp 5 lần so với 5 năm trước.
“Nhà máy đang hoạt động với công suất 100%” - ông Saurabh Gupta, giám đốc tài chính của Dixon, nói. Tuy nhiên, ông Gupta cũng cho rằng Ấn Độ cần đầu tư nhiều hơn vào ngành sản xuất chất bán dẫn để có thể cạnh tranh với TQ.
“Sự thay đổi sẽ diễn ra rất chậm” - ông Gupta nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Mức độ quyền lực của một quốc gia thường gắn liền với diện tích lãnh thổ, dân số, sức mạnh kinh tế và quân sự của quốc gia đó. Nhưng trong số những quốc gia có tác...