Cuộc chiến “đẫm máu” giữa người Ukraine và Ba Lan
Khi đế chế Áo-Hung sụp đổ, Tây Ukraine muốn trở thành một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, tranh chấp về lãnh thổ khiến Tây Ukraine và Ba Lan bị cuốn vào cuộc chiến khiến hàng chục nghìn người mất mạng.
Sự sụp đổ của đế chế Áo Hung tạo điều kiện cho việc hình thành 5 quốc gia độc lập. Ảnh minh họa: Hungarynews
Trong lịch sử, người Ukraine và Ba Lan từng ở hai bên chiến tuyến, trải qua những cuộc chiến và thảm sát đẫm máu. Nhưng những năm gần, mối quan hệ giữa 2 nước dần trở nên tốt đẹp hơn. Thậm chí, Ba Lan còn tuyên bố không muốn trả hận Ukraine, liên quan đến vụ thảm sát từng khiến 10 vạn người Ba Lan thiệt mạng. Loạt bài này sẽ tìm hiểu những "duyên nợ" trong quá khứ và mối quan hệ giữa hai nước ngày nay. Mời độc giả đón đọc! |
Theo cuốn “Quân đội Galicia Ukraine trong cuộc chiến Ukraine - Ba Lan, 1918-1919” (xuất bản năm 1979) của tác giả Leonid Kondratiuk, sự sụp đổ của đế chế Áo - Hung vào tháng 10/1918 tạo tiền đề cho sự xuất hiện của 5 quốc gia: Áo, Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan và Tây Ukraine.
Tây Ukraine (Cộng hòa Quốc gia Tây Ukraine - ZUNR), từng là một tỉnh của Ba Lan, bao gồm vùng Đông Galicia (ngày nay là một phần phía tây Ukraine). Phần đông người Ukraine ở đây, chịu sự cai trị của số ít người Ba Lan, muốn tận dụng sự sụp đổ của đế chế Áo - Hung để tuyên bố độc lập vào tháng 10/1918.
Tuy nhiên, người Ba Lan ở cả trong và ngoài nước đều coi Đông Galicia là một phần lịch sử và phần lãnh thổ không thể tách rời của Ba Lan. Hệ quả tất yếu của mâu thuẫn này là một cuộc xung đột vũ trang.
Người Ba Lan bị sốc với kế hoạch táo bạo của người Ukraine
Galicia, một vùng đất ở đông Âu, có phần lãnh thổ phía tây thuộc Ba Lan ngày nay và phần phía đông thuộc Ukraine ngày nay. Đông Galicia chủ yếu là người Ukraine sinh sống. Theo cuốn “Sự khôi phục của các quốc gia: Ba Lan, Ukraine, Lithuania, Belarus, 1569–1999” của tác giả Timothy Snyder, có khoảng 65% dân số Đông Galicia là người Ukraine, trong khi người Ba Lan chỉ chiếm khoảng 22% dân số vùng này ở thời điểm đó.
Tuy nhiên, tại Lviv - thành phố lớn nhất ở Đông Galicia - người Ba Lan lại chiếm phần đông dân số. Dù Lviv khi đó do Áo kiểm soát, nhiều người Ba Lan vẫn sinh sống ở đây và coi thành phố này là một trong những trung tâm văn hóa của Ba Lan.
Tháng 10/1910, dưới sự tác động của Archduke Wilhelm - một người Áo nhưng luôn thể hiện tình yêu với người Ukraine - 2 trung đoàn quân đội Áo - Hung chủ yếu là binh sĩ Ukraine được điều động tới Lviv. Ngoài ra, lữ đoàn Sich Riflemen của Ukraine cũng đồn trú tại vùng Bukovyna.
Cùng lúc đó, hầu hết các đơn vị của đế chế Áo - Hung có binh sĩ Ba Lan được gửi đến các mặt trận khác để tránh xung đột giữa hai nhóm.
Khi đế chế Áo - Hung sụp đổ vào ngày 18/10/1918, Hội đồng Quốc gia Ukraine (Rada) - bao gồm các thành viên người Ukraine trong quốc hội Áo, tỉnh Galicia, vùng Bukovyna và lãnh đạo các đảng phái chính trị Ukraine - được thành lập.
Rada tuyên bố ý định hợp nhất các vùng đất ở Tây Ukraine để thành lập một quốc gia độc lập. Khi người Ba Lan đang có kế hoạch để chiếm Lviv và Đông Galicia, đại úy Dmytro Vitovsky thuộc lữ đoàn Sich Riflemen (Ukraine) dẫn đầu một nhóm sĩ quan trẻ người Ukraine, thực hiện hoạt động táo bạo.
Đêm ngày 31/10, rạng sáng 1/11/1918, các đơn vị quân đội Tây Ukraine do Vitovsky dẫn đầu, gồm 1.400 binh sĩ và 60 sĩ quan, giành quyền kiểm soát Lviv một cách dễ dàng.
Rada tuyên bố thành lập Cộng hòa Quốc gia Tây Ukraine vào ngày 13/11, lấy Lviv là thủ đô. Tây Ukraine tuyên bố chủ quyền với Đông Galicia, vùng Volhynia, Carpathian Ruthenia và Bukovina (2 vùng lãnh thổ cuối cũng được Hungary và Romania tuyên bố chủ quyền). Tây Ukraine thành lập lực lượng quân sự chính quy lấy tên là Quân đội Galicia Ukraine (UHA).
Thời điểm Tây Ukraine tuyên bố thành lập, người dân và chính quyền Ba Lan tỏ ra bất ngờ. Dù phần lớn dân số Tây Ukraine là người Ukraine, nhưng nhiều khu vực mà Tây Ukraine tuyên bố chủ quyền có đa số là người Ba Lan.
Tại thành phố Lviv, người Ba Lan chiếm số đông bị sốc khi biết họ đang ở trên mảnh đất mà Tây Ukraine tuyên bố chủ quyền. Vì Tây Ukraine chưa được quốc tế công nhận và ranh giới của Ba Lan cũng chưa được xác định, vấn đề tranh chấp lãnh thổ được giải quyết bằng vũ lực giữa đôi bên.
Các cuộc giao tranh giữa lực lượng Tây Ukraine và Ba Lan tập trung quanh thành phố Lviv.
Khác với giai đoạn đầu khi giành kiểm soát Lviv không tốn sức, quân Tây Ukraine sau đó vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các lực lượng tự vệ địa phương người Ba Lan, gồm các cựu binh Thế chiến I, sinh viên và trẻ em.
Một bức tranh mô tả thanh niên Ba Lan trong trận Lviv (1918) đối đầu với quân của Cộng hòa Quốc gia Tây Ukraine. Tranh: Wojciech Kossak
Dưới sự chỉ huy khéo léo, chiến thuật tốt và tinh thần cao, quân tự vệ Ba Lan đã chống đỡ thành công các cuộc tấn công của quân Ukraine. Ngoài ra, người Ba Lan còn khéo léo hoãn binh bằng cách thỏa hiệp một lệnh ngừng bắn với người Ukraine, chờ quân tiếp viện tới.
Trong khi quân tự vệ Ba Lan nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người Ba Lan trong thành phố, quân Tây Ukraine phần lớn phụ thuộc vào tiếp viện từ bên ngoài. Các cuộc phản kháng chống lại sự cai trị của người Tây Ukraine nổ ra ở nhiều khu vực như Drohobych, Przemyśl, Sambir và Jarosław.
Tại Przemyśl, người Ba Lan chiếm giữ các cây cầu bắc qua sông San và đường sắt dẫn đến Lviv, tạo điều kiện cho lực lượng Ba Lan trong thành phố được tiếp viện đáng kể.
Ăn miếng trả miếng
Sau 2 tuần đôi bên giao tranh ác liệt tại Lviv, một đơn vị vũ trang Ba Lan dưới sự chỉ huy của trung tá Michał Karaszewicz-Tokarzewski phá vỡ vòng vây của Tây Ukraine vào ngày 21/11/1918 và vào được bên trong Lviv.
Quân Tây Ukraine bị đẩy lùi. Sau khi Ba Lan giành kiểm soát Lviv, một số người Do Thái ở đây đã tấn công quân Ba Lan. Cùng lúc, một số thành viên quân đội Ba Lan và các băng nhóm tội phạm đã cướp phá các khu của người Do Thái và người Tây Ukraine sinh sống, giết hại 340 dân thường, theo cuốn "Mối đe dọa Ba Lan với các nước khác: Hình ảnh người Do Thái từ năm 1880 đến nay", xuất bản năm 2006.
Người Ba Lan cũng bắt giam một số nhà hoạt động Ukraine. Trong khi đó, chính quyền Tây Ukraine đã hỗ trợ tiền bạc cho những người Do Thái là nạn nhân của bạo lực. Họ đã tuyển mộ một tiểu đoàn Do Thái vào quân đội Ukraine.
Tới cuối tháng 11/1918, quân Ba Lan đã kiểm soát thành phố Lviv và tuyến đường sắt nối thành phố này với miền trung Ba Lan qua khu vực Przemyśl, trong khi người Tây Ukraine kiểm soát phần còn lại của Đông Galicia ở phía đông sông San, bao gồm các khu vực phía nam và phía bắc của tuyến đường sắt chạy vào Lviv. Do đó, thành phố Lviv do Ba Lan kiểm soát đối mặt với quân Tây Ukraine ở 3 phía.
Màn tái hiện một cảnh chiến đấu trong trận Lviv 1918. Ảnh: Dreams Time
Ngày 9/12, các lực lượng Tây Ukraine đã phá vỡ nhiều tuyến phòng thủ bên ngoài của Przemyśl với hy vọng chiếm được khu vực này và cắt đứt liên kết giữa thành phố Lviv (do Ba Lan kiểm soát) với miền trung Ba Lan. Tuy nhiên, người Ba Lan nhanh chóng gửi quân tới cứu viện. Ngày 17/12, người Tây Ukraine buộc phải rút lui. Vào ngày 27/12, Tây Ukraine thực hiện một cuộc tổng tấn công vào Lviv nhưng một lần nữa thất bại.
Theo một báo cáo của Mỹ từ ngày 13/1 đến ngày 1/2/1919, người Tây Ukraine cuối cùng cũng bao vây Lviv ở 3 phía. Người dân trong thành phố bị thiếu nước và điện. Quân đội Ukraine cũng kiểm soát các ngôi làng ở 2 bên của tuyến đường sắt dẫn đến khu vực Przemyśl.
Các lực lượng Tây Ukraine tiếp tục kiểm soát phần lớn miền đông Galicia và là mối đe dọa đối với chính Lviv cho đến tháng 5/1919. Lúc này, tinh thần của người Tây Ukraine lên rất cao, trong khi người Ba Lan bị dao động.
Dù vậy, người Ba Lan vẫn có những lợi thế nhất định. Lực lượng của họ có nhiều sĩ quan và được đào tạo tốt hơn. Quân đội có kỷ luật tốt và cơ động hơn. Người Ba Lan còn tận dụng khả năng kiểm soát các tuyến đường sắt phía sau phòng tuyến của họ để điều động binh lính nhanh chóng. Kết quả là, dù có tổng quân số ít hơn người Ukraine, nhưng người Ba Lan trong những trận chiến đặc biệt quan trọng vẫn có thể điều động binh sĩ nhanh chóng, san bằng khoảng cách quân số giữa đôi bên.
Vào ngày 14/5/1919, một cuộc tổng tấn công của Ba Lan bắt đầu trên khắp Volhynia và Đông Galicia. Cuộc tổng tấn công do các đơn vị của Quân đội Ba Lan thực hiện, với sự hỗ trợ của đội quân của tướng Józef Haller de Hallenburg. Đội quân này bao gồm các lực lượng Ba Lan đã chiến đấu cùng quân đội Pháp ở mặt trận phía Tây, với số lượng 60.000 quân, được trang bị tốt và có các sĩ quan Pháp có kinh nghiệm chiến đấu.
Người Ba Lan đã điều động quân đội của Haller tấn công người Tây Ukraine để phá vỡ thế bế tắc ở Đông Galicia. Đồng minh đã gửi một số điện tín yêu cầu người Ba Lan dừng cuộc tấn công, vì việc sử dụng quân đội được người Pháp trang bị để tấn công người Tây Ukraine mâu thuẫn cụ thể với các điều kiện hỗ trợ của Pháp, nhưng Ba Lan phớt lờ các điện tín này.
Các phòng tuyến của Tây Ukraine bị phá vỡ, phần lớn do lữ đoàn Sich Riflemen rút lui.
Ngày 8/6/1919, quân Tây Ukraine dưới sự chỉ huy của tướng Oleksander Hrekov bắt đầu một cuộc phản công. Sau 3 tuần, quân Tây Ukraine đánh bại 5 sư đoàn Ba Lan.
Tuy nhiên, các lực lượng Tây Ukraine không thể thu giữ vũ khí và đạn dược của Ba Lan do đối phương tìm mọi cách cất giấu. Thiếu đạn dược, quân Tây Ukraine không thể tiếp tục tấn công.
Vì lý do chính trị - ngoại giao, vũ khí và đạn dược chỉ có thể gửi đến Tây Ukraine thông qua Tiệp Khắc. Nhưng quân Tây Ukraine không thể đảm bảo một tuyến đường vận chuyển an toàn đến đó. Điều này đồng nghĩa họ không thể bổ sung vũ khí và đạn dược. Quân Tây Ukraine buộc phải dừng chiến dịch phản công.
Quân Ba Lan nhân cơ hội đó mở một cuộc tấn công vào quân Tây Ukraine của tướng Hrekov vào ngày 28/6. Thiếu đạn dược, vũ khí và phải đối mặt với đối phương có quân số đông gấp đôi, giới lãnh đạo và quân đội Tây Ukraine bị đẩy lui về phòng tuyến ở sông Zbruch vào ngày 18/7. Cộng hòa Quốc gia Tây Ukraine (ZUNR) bị Ba Lan chiếm đóng ngay sau đó, theo trang UINP. Các lực lượng còn sót lại của Tây Ukraine sau đó tan rã. ZUNR chính thức bị xóa sổ.
Hậu quả cuộc chiến
Cuộc chiến Ba Lan - Tây Ukraine đã khiến 25.000 người thiệt mạng. Ảnh minh họa: Alamy
Theo cuốn "Ukraine: A history" (Ukraine: Một lịch sử - xuất bản năm 2000), khoảng 10.000 người Ba Lan và 15.000 người Ukraine, hầu hết là binh lính, đã chết trong cuộc chiến Ba Lan - Tây Ukraine. Các tù binh Tây Ukraine bị giam giữ trong các trại tù binh cũ của Áo ở Dąbie (Kraków), Łańcut, Pikulice, Strzałków và Wadowice.
Hai bên đều bắt giữ hàng loạt dân thường. Đến tháng 7/1919, có tới 25.000 người Ba Lan phải chuyển đến các trại giam giữ ở Tây Ukraine. Thường dân, binh lính và linh mục Công giáo Ba Lan bị giam giữ trong những tháng mùa đông tại các trại lính không có hệ thống sưởi hoặc toa tàu với ít thức ăn, nhiều người sau đó đã chết vì tiếp xúc với giá lạnh, đói khát và bệnh thương hàn.
Sau chiến tranh, trong những năm 1920–1921, hơn một trăm nghìn người Tây Ukraine bị chính phủ Ba Lan đưa vào các trại tập trung. Trong nhiều trường hợp, các tù nhân bị từ chối thực phẩm và chăm sóc y tế, và một số bị chết đói, chết vì bệnh tật hoặc tự sát. Các nạn nhân không chỉ bao gồm binh lính và sĩ quan Tây Ukraine mà còn có các linh mục, luật sư và bác sĩ ủng hộ Tây Ukraine. Số người chết tại các trại này ước tính khoảng 20.000 người vì bệnh tật hoặc 30.000 người.
---------------------------
Khi Đức quốc xã chiếm đóng Ba Lan, các nhóm dân tộc chủ nghĩa ở Ukraine bắt tay với quân đội Hitler nhằm thanh lọc sắc tộc tại các vùng bị chiếm đóng. Đây là khởi đầu cho một cuộc thảm sát đẫm máu - được xem là "một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử Ba Lan". Diễn biến của chuỗi sự kiện này sẽ được giới thiệu tới độc giả trong bài kỳ tới, đăng trên mục Thế giới sáng 3.9.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỗi khi Ukraine nghiêng quá về Nga hay phương Tây thì đều xuất hiện những trở lực kéo lại, khiến quốc gia này luôn bị chia rẽ và "giằng xé".