Điều Ấn Độ e sợ nhất ở Pakistan, quá đà là thành đại họa

Mặc dù không có số lượng binh sĩ đông đảo như Ấn Độ, Pakistan vẫn có sức mạnh đáng sợ khiến Ấn Độ không dám mạnh tay.

Điều Ấn Độ e sợ nhất ở Pakistan, quá đà là thành đại họa - 1

Pakistan là một đối thủ đáng gờm nếu xét về sức mạnh hạt nhân.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan lên đến đỉnh điểm sau cuộc chạm trán trên không hồi tháng 2. Ấn Độ nói rằng họ đã bắn hạ một máy bay phản lực Pakistan trong khi Pakistan phủ nhận thông tin này.

Giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng, nhiều chuyên gia lo ngại chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra giữa hai quốc gia láng giềng.

Mặc dù không có số lượng binh sĩ đông đảo như Ấn Độ, Pakistan vẫn là một đối thủ đáng gờm nếu xét về sức mạnh hạt nhân.

Quá trình xây dựng kho vũ khí hạt nhân

Bị vây quanh bởi Iran, Trung Quốc, Ấn Độ và Afghanistan, Pakistan nằm trong một khu vực phức tạp với nhiều vấn đề an ninh. Là một trong chín quốc gia được biết là có vũ khí hạt nhân, kho vũ khí hạt nhân và học thuyết hạt nhân của Pakistan đang liên tục phát triển để phù hợp với các mối đe dọa hiện đại.

Là một cường quốc hạt nhân trong nhiều thập kỷ, Pakistan đã cố gắng xây dựng “bộ ba răn đe hạt nhân” - lực lượng ba mũi nhọn bao gồm tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất, tàu ngầm có tên lửa hạt nhân và máy bay chiến lược với bom hạt nhân và tên lửa.

Chương trình hạt nhân của Pakistan bắt đầu từ khoảng những năm 1950, trong những ngày đầu của cuộc tranh chấp lãnh thổ Kashmir với Ấn Độ. Cố Tổng thống Pakistan, Zulfikar Ali Bhutto, nói năm 1965: “Nếu Ấn Độ chế tạo quả bom đó, chúng ta sẽ ăn cỏ hoặc lá, thậm chí chịu đói, nhưng chúng ta sẽ chế tạo được quả bom cho riêng mình”.

Chương trình hạt nhân trở thành ưu tiên lớn hơn sau khi Pakistan bị đánh bại năm 1971 bởi Ấn Độ, khiến Đông Pakistan ly khai và trở thành Bangladesh. Các chuyên gia tin rằng sự mất mát lãnh thổ nhục nhã này đã đẩy nhanh chương trình hạt nhân của Pakistan.

Ấn Độ thử nghiệm quả bom đầu tiên, có tên là Phật Cười, vào tháng 5 năm 1974, đưa khu vực này tiến vào lên con đường hạt nhân hóa.

Điều Ấn Độ e sợ nhất ở Pakistan, quá đà là thành đại họa - 2

Chương trình hạt nhân của Pakistan bắt đầu từ khoảng những năm 1950

Pakistan bắt đầu quá trình tích lũy nhiên liệu cần thiết cho vũ khí hạt nhân, làm giàu uranium và plutonium. Đặc biệt, Pakistan được giúp đỡ bởi A.Q.Khan, một nhà luyện kim làm việc ở phương Tây nhưng trở về quê hương Pakistan năm 1975 với kiến thức cần thiết để bắt đầu quá trình làm giàu uranium và plutonium.

Chương trình hạt nhân của Pakistan lúc đó được hỗ trợ bởi các nước châu Âu. Các quốc gia bên ngoài cuối cùng dừng hỗ trợ vì nhận ra mục đích thực sự của Pakistan.

Không có thông tin chính thức về việc Pakistan hoàn thành thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình vào lúc nào. Con gái của cựu Tổng thống Pakistan Zulfikar Bhutto, cô Benazir Bhutto, tuyên bố rằng cha cô từng nói thiết bị đầu tiên sẵn sàng vào năm 1977. Một thành viên của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pakistan cho biết thiết kế của quả bom được hoàn thành vào năm 1978 và quả bom được “thử nghiệm lạnh” (không có vụ nổ thực tế) vào năm 1983.

Benazir Bhutto sau đó tuyên bố các quả bom của Pakistan được cất giữ một cách rời rạc cho đến năm 1998, khi Ấn Độ thử 6 quả bom trong vòng ba ngày. Gần ba tuần sau, Pakistan tiến hành một lịch thử nghiệm nhanh tương tự, cho nổ 5 quả bom trong một ngày và thử quả bom thứ 6 ba ngày sau đó. Quả bom đầu tiên ước tính có sức mạnh 25-30 kiloton trong khi quả thứ hai ước tính 12 kiloton.

Quả bom thứ sáu dường như cũng là một quả bom 12 kiloton nhưng được kích nổ ở phạm vi thử nghiệm khác. Một số nhà quan sát cho rằng đây thực sự là cuộc thử nghiệm của Triều Tiên, được phát nổ ở nơi khác để che giấu sự liên quan của mình. Lý do là vì lúc đó Triều Tiên cũng đang chế tạo bom uranium và cũng sử dùng nghiên cứu có được nhờ các mối liên hệ của A.Q. Khan.

Điều Ấn Độ e sợ nhất ở Pakistan, quá đà là thành đại họa - 3

Một vụ thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Pakistan

Các chuyên gia tin rằng kho dự trữ hạt nhân của Pakistan đang tăng trưởng đều đặn. Vào năm 1998, kho vũ khí ước tính có 5-25 thiết bị, tùy thuộc vào lượng uranium được làm giàu mà mỗi quả bom cần. Ngày nay, Pakistan có từ 140 đến 150 đầu đạn hạt nhân trong khi Ấn Độ có từ 130 đến 140 đầu đạn. Vào năm 2015, các tổ chức ước tính khả năng chế tạo bom của Pakistan là 20 thiết bị/năm. Khả năng này cộng với kho vũ khí vốn có nghĩa là quốc gia này có thể nhanh chóng trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà quan sát khác nói rằng Pakistan chỉ có thể phát triển thêm tối đa là 40-50 đầu đạn khác trong tương lai gần.

“Bộ ba răn đe hạt nhân”

Vũ khí hạt nhân Pakistan nằm dưới sự kiểm soát của Ban Kế hoạch chiến lược của quân đội nước này, và chủ yếu được lưu trữ tại tỉnh Punjab, cách xa biên giới phía tây bắc. 10.000 lính Pakistan và các nhân viên tình báo canh gác bảo vệ vũ khí. Pakistan nói rằng các khí tài chỉ được trang bị vũ khí vào “giây phút cuối cùng”.

Học thuyết hạt nhân của Pakistan dường như là phòng ngừa một Ấn Độ mạnh hơn về kinh tế, chính trị và quân sự. Cuộc đối đầu hạt nhân giữa hai nước trở nên trầm trọng hơn bởi sự thù địch truyền thống và các cuộc chiến tranh giữa hai nước. Không giống như nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc, Pakistan không sử dụng học thuyết “không dùng trước” vũ khí hạt nhân và sẵn sàng sử dụng loại vũ khí này.

Pakistan dường như đã hoàn thành “bộ ba răn đe hạt nhân” cho riêng mình với các hệ thống phân phối hạt nhân trên đất liền, trên không và trên biển.

Pakistan được cho là đã sửa đổi máy bay chiến đấu F-16A do Mỹ chế tạo và máy bay chiến đấu Mirage do Pháp sản xuất để mang theo bom hạt nhân vào năm 1995. Các hệ thống trên đất liền là tên lửa, với nhiều thiết kế dựa trên hoặc chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và Triều Tiên.

Điều Ấn Độ e sợ nhất ở Pakistan, quá đà là thành đại họa - 4

Binh lính Pakistan

Lực lượng hạt nhân trên biển của Pakistan bao gồm lớp tên lửa hành trình Babur. Phiên bản mới nhất, Babur-2, trông giống hầu hết các tên lửa hành trình hiện đại, có tầm bắn 700 km. Babur-2 được triển khai cả trên bộ và trên biển và khó bị vô hiệu hóa hơn khi ở trên biển. Một phiên bản phóng từ tàu ngầm, Babur-3, được thử nghiệm vào tháng 1 và sẽ là vũ khí khó bị đánh chặn nhất trong tất cả các hệ thống phân phối hạt nhân của Pakistan.

Pakistan rõ ràng đang phát triển năng lực hạt nhân hùng mạnh, không chỉ có thể ngăn chặn mà còn chống lại một cuộc chiến tranh hạt nhân. Pakistan và Ấn Độ rõ ràng đang nằm giữa một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mà sau này có thể khiến chúng ta gợi nhớ đến các kho dự trữ hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh. Rõ ràng, một thỏa thuận kiểm soát vũ khí cho khu vực là rất cần thiết lúc này. Theo National Interest, dựa vào những nghiên cứu gần đây, chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Paksitan nếu xảy ra có thể khiến 2 tỷ người chết trên toàn cầu.

Xung đột Ấn Độ-Pakistan: So sánh toàn diện sức mạnh quân sự hai nước

Ấn Độ và Pakistan mặc dù có sức mạnh quân sự khác biệt nhưng đều là hai cường quốc hạt nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Pakistan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN