Xuất hiện nhân tố có thể giúp dập hoàn toàn dịch Covid-19?
Thuốc kháng virus từng không được các hãng dược phẩm Mỹ quan tâm, nay là trọng tâm trong cuộc chạy đua phát triển thuốc ngăn ngừa Covid-19 dạng viên nén.
Thuốc kháng Covid-19 dạng viên nén đang được các công ty Mỹ thử nghiệm. Ảnh minh họa.
Chỉ sau vài ngày dương tính với Covid-19, Miranda Kelly đã bộc lộ triệu chứng và rất lo lắng. Người phụ nữ 44 tuổi có bệnh nền, gặp vấn đề khó thở, đủ nghiêm trọng đến mức cần nhập viện cấp cứu.
Chồng cô, Joe, 46 tuổi, cũng bộc lộ triệu chứng sau khi nhiễm virus. Cô rất lo lắng vì hai vợ chồng còn 5 con nhỏ ở nhà. “Tôi cầu mong mình không phải thở máy. Nếu chúng tôi có làm sao, ai sẽ nuôi nấng bọn trẻ bây giờ”, Miranda Kelly nói.
Ngay sau đó, hai vợ chồng nhà Kelly đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng tại trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutch, ở thành phố Seattle, bang Washington. Đây là một trong những nỗ lực nhằm thử nghiệm phương pháp điều trị kháng virus, có thể ngăn chặn Covid-19 từ sớm.
Ngày hôm sau, hai vợ chồng được cho uống 4 viên thuốc, 2 viên mỗi ngày. Mặc dù họ không biết mình uống thuốc kháng virus hay giả dược, chỉ sau một tuần, các triệu chứng đã nhẹ hơn đáng kể. Sau hai tuần, cả hai hồi phục hoàn toàn.
“Tôi không biết mình có được điều trị bằng thuốc kháng virus không, nhưng cảm giác là có”, Miranda Kelly nói. “Chúng tôi có triệu chứng đáng kể, nhưng hồi phục rất nhanh”.
Những gì hai vợ chồng trải qua là một phần nỗ lực nhằm giúp phát triển loại thuốc uống kháng virus. Những viên thuốc uống mỗi ngày ngăn ngừa Covid-19 ngay từ đầu có thể là cơ hội mới để thế giới dập tắt dịch bệnh hoàn toàn.
“Thuốc kháng virus qua đường uống không chỉ làm giảm thời gian nhiễm Covid-19, mà còn hạn chế sự lây truyền sang người khác”, Timothy Sheahan, nhà virus học đến từ Đại học North Carolina-Chapel Hill, nói.
Thuốc kháng virus phổ biến nhất là Tamiflu, giúp giảm thời gian mắc bệnh cúm và giảm nguy cơ nhập viện.
Ít nhất 3 loại thuốc kháng virus đang được thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ biết tác dụng của những loại thuốc này trong vài tháng tới”, Carl Dieffenbach, giám đốc bộ phận phòng chống AIDS tại Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), nói.
Ứng viên hàng đầu cho phương pháp điều trị này là molnupiravir, do hai công ty trị liệu sinh học Merck & Co và Ridgeback phát triển, là loại thuốc mà hai vợ chồng Kelly uống.
Hai loại thuốc khác bao gồm PF-07321332 của hãng Pfizer, AT-527 của hãng dược phẩm Roche và Atea.
Các loại thuốc này có công dụng ngăn virus nhân bản trong tế bào người. Đối với molnupiravir, loại thuốc này chứa enzyme khiến virus không thể nhân bản thành công, từ đó người bệnh sẽ sớm hồi phục.
Cho đến nay, chỉ một loại thuốc kháng virus được Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp, là remdesivir. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được dùng cho người bệnh nặng đến mức nhập viện, chưa được sử dụng đại trà.
Trong khi đó, các thuốc kháng virus đang được phát triển đều được sản xuất dưới dạng viên nén.
Pfizer đã thử nghiệm thuốc kháng virus giai đoạn 2 và 3 từ ngày 1.9, trong khi Atea nói sẽ có kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 trong cuối năm nay.
Điều đó có nghĩa là hàng triệu người Mỹ và người dân trên thế giới có thể được tiếp cận loại thuốc uống hàng ngày, phù hợp để sử dụng sau 5-10 ngày nhiễm Covid-19.
Một thách thức đối với việc phát triển thuốc kháng virus dạng viên nén là người tham gia thử nghiệm phải chưa tiêm chủng, cần được uống thuốc tối đa 5 ngày sau khi được xác định dương tính.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ tích cực tìm kiếm người tình nguyện phù hợp, nhưng không phải ngày nào cũng tìm được.
Tiến sĩ Elizabeth Duke, nhà nghiên cứu tham gia thử nghiệm thuốc kháng virus molnupiravir, nói: “Hãy nghĩ về triển vọng trong tương lai. Khi mọi người trong gia đình, hay trong trường học, có thể dễ dàng tiếp cận với thuốc kháng virus dạng viên nén. Đó có thể là khi chúng ta quay trở lại cuộc sống bình thường”.
Nguồn: [Link nguồn]
CEO hãng dược phẩm Pfizer có trụ sở tại New York, Mỹ, ngày 26.9 đã lên tiếng nói về thời điểm cuộc sống có thể trở...