Xuất hiện đột biến COVID mới dễ lây hơn cả “Omicron tàng hình”
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố một số kết quả nghiên cứu sơ bộ về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, với bằng chứng ban đầu cho thấy khả năng lây lan nhanh hơn cả biến thể Omicron.
Trong một báo cáo được công bố trong tuần qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, một dạng đột biến mới của COVID-19 được gọi là XE có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 10% so với biến thể phụ BA.2 của Omicron, còn gọi là “Omicron tàng hình”. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì cho đến nay, biến thể phụ BA.2 của Omicron vẫn được coi là dòng dễ lây lan nhất của COVID-19.
Hiện tại, “Omicron tàng hình” đang lan rộng ra các khu vực khác nhau trên toàn cầu. Nó thống trị hầu hết các ca nhiễm COVID-19 mới được báo cáo ở Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới.Đột biến XE mới là một dạng biến thể tái tổ hợp - kết hợp của chính các biến thể BA.1 và BA.2 của Omicron. Biến thể tái tổ hợp xuất hiện khi một người nhiễm cùng lúc 2 hoặc 3 biến thể của virus, tạo điều kiện cho các vật chất di truyền của các biến thể pha trộn trong cơ thể người bệnh. Đây không phải điều bất thường vì đã từng xảy ra một số lần trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên, hiện tại XE chỉ chiếm một số lượng nhỏ các trường hợp mắc COVID-19 được báo cáo trên khắp hành tinh.
Trong báo cáo, WHO lưu ý: “Đột biến tái tổ hợp XE (giữa BA.1-BA.2) lần đầu tiên được phát hiện ở Anh vào ngày 19/1 và có chưa đến 600 trình tự gien đã được báo cáo và xác nhận kể từ đó”. “Các ước tính ban đầu cho thấy XE có tỉ lệ lan truyền cộng đồng cao hơn 10% so với BA.2, tuy nhiên, phát hiện này cần được xác nhận thêm”, WHO cho biết về biến thể XE.
Hình ảnh do Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Mỹ cung cấp về virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo cơ quan y tế toàn cầu, cho đến khi ghi nhận sự khác biệt đáng kể về các đặc điểm, như mức độ nghiêm trọng và khả năng lây truyền, trong đột biến XE, nó sẽ tiếp tục được phân loại là một biến thể phụ của Omicron, chứ chưa được coi là một biến thể mới hoàn toàn.
Trong khi đó, bà Susan Hopkins, cố vấn y tế chính của Cơ quan An ninh Y tế Anh (HSA) cho biết, đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng hoặc hiệu quả của vaccine COVID-19 đối với biến thể XE. WHO tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá chặt chẽ nguy cơ sức khỏe cộng đồng liên quan đến các biến thể tái tổ hợp như XE, và sẽ cung cấp thông tin cập nhật khi có thêm bằng chứng.
Ngoài XE, WHO cũng đang theo dõi 2 chủng tái tổ hợp mới hiện đang lan rộng trên toàn thế giới là XD, XF. XD là sự lai tạo giữa dòng Delta với BA.1 của Omicron (Omicron gốc). Nó đã được phát hiện ở Pháp, Đan Mạch và Bỉ. Theo nhà virus học Tom Peacock tại Đại học Hoàng gia London, XD đã lan rộng đến nhiều quốc gia và mang trong mình tính chất của chủng Delta độc hại nhất khiến nó trở thành một đột biến cần chú ý. Còn XF là “đứa con lai” khác giữa dòng Delta và BA.1 của Omicron. XF đã được tìm thấy ở Anh, tuy nhiên, nó không được phát hiện kể từ ngày 15/2 đến nay.Mặc dù đã được nhắc tới từ vài tháng nay nhưng hai biến thể này chưa thực sự gây ra những thay đổi đáng kể trong diễn biến dịch bệnh thế giới.
Sau hai năm xảy ra đại dịch khiến gần 500 triệu người mắc bệnh và hàng tỷ người đã được tiêm chủng, các nghiên cứu mới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng đối với những người có khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi khỏi bệnh COVID-19. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa về bệnh truyền nhiễm The Lancet đã phân tích dữ liệu y tế của hơn 200.000 người vào năm 2020 và 2021 ở Brazil - quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều thứ hai thế giới.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy, đối với những người đã từng mắc COVID-19, vaccine Pfizer và AstraZeneca mang lại 90% hiệu quả ngăn ngừa bệnh trở nặng và tử vong. Trong khi đó, vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine Johnson &Johnson có hiệu quả lần lượt là 81% và 58%.
Ông Julio Croda, tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Liên bang Mato Grosso do Sul, cho biết: “Tất cả 4 loại vaccine này đã được chứng minh là cung cấp thêm khả năng bảo vệ bổ sung đáng kể cho những người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Theo ông Pramod Kumar Garg từ Viện Khoa học và Công nghệ Sức khỏe của Ấn Độ, miễn dịch lai do tiếp xúc với nhiễm bệnh tự nhiên và tiêm chủng có thể là tiêu chuẩn trên toàn cầu và có thể bảo vệ lâu dài ngay cả khi chống lại các biến thể mới.
Trong khi đó, một nghiên cứu sử dụng dữ liệu toàn quốc của Thụy Điển tính đến tháng 10/2021 cho thấy những người đã hồi phục COVID-19 vẫn giữ được mức độ bảo vệ chống tái nhiễm cao trong tối đa 20 tháng. Những người có “miễn dịch lai” có nguy cơ tái nhiễm thấp hơn 66% so với những người chỉ có miễn dịch tự nhiên.
Giáo sư Paul Hunter tại Đại học East Anglia (Anh), người không tham gia nghiên cứu, chia sẻ với hãng tin AFP rằng khả năng bảo vệ 20 tháng từ miễn dịch tự nhiên tốt hơn nhiều so với những gì chúng tôi mong đợi. Tuy nhiên, ông cảnh báo cả hai nghiên cứu đã được hoàn thành trước khi biến thể Omicron thống trị trên toàn thế giới và nó đã “làm giảm đáng kể giá trị bảo vệ của việc lây nhiễm bệnh trước đó”.
Ngoài ra, một nghiên cứu ở Qatar, được đăng tải trên trang medRxiv vào tuần trước và chưa được đánh giá ngang hàng, đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về khả năng bảo vệ do “miễn dịch lai” trong ngăn ngừa chủng Omicron. Theo nghiên cứu này, 3 liều vaccine có hiệu quả 52% chống lại nhiễm bệnh có triệu chứng của dòng phụ BA.2 (Omicron), nhưng mức độ hiệu quả đã tăng lên 77% khi người tiêm từng mắc COVID-19. “Miễn dịch lai” nhờ mắc COVID-19 trước đó và tiêm mũi vaccine tăng cường mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ nhất chống lại cả hai biến thể phụ Omicron BA.1 và BA.2.
Liên quan đến câu hỏi này, các chuyên gia cho biết, bên cạnh những biểu hiện lâm sàng có thể dễ dàng nhận biết như mệt mỏi, đau cơ, khó thở và ho dai dẳng, giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, rối loạn giấc ngủ... bệnh nhân cần phải đến bệnh viện để thăm khám chuyên sâu hậu COVID nhằm phát hiện ra các triệu chứng cận lâm sàng như: dung tích phổi hạn chế, giãn phế quản, xơ phổi, cầu thận giảm khả năng lọc... và có phương pháp điều trị kịp thời. Ngoài ra, nhiều người sau khi mắc COVID-19 còn gặp phải triệu chứng rối loạn nội tiết, rối loạn huyết học… Điều này đặc biệt nghiêm trọng với những người bị tiểu đường, viêm phổi hay tim mạch, bởi vì triệu chứng hậu COVID sẽ làm cho cơ thể bị tổn thương và bệnh trở nên nặng hơn.
Việc tập trung nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch, phục hồi sức khỏe để trở lại cuộc sống bình thường là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, phụ thuộc vào mức độ, tình trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Từ kinh nghiệm điều trị thực tiễn trong suốt thời gian qua, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra, tầm soát sức khỏe, chẩn đoán hội chứng hậu COVID vào khoảng 6 - 8 tuần sau khi mắc bệnh. Bởi sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân vẫn còn tồn tại một số biểu hiện bất thường, có thể là dấu hiệu mới hoặc triệu chứng tái phát. Thời gian tối thiểu sau 4 tuần, các triệu chứng mới được gọi là tình trạng hậu COVID. Cũng theo khuyến cáo của các bác sĩ, người bệnh có thể tự thực hiện những phương pháp cải thiện sức khỏe tại nhà để hạn chế hội chứng hậu COVID.
Để các tế bào miễn dịch có nhiều năng lượng để hoạt động, người bệnh nên bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách ăn uống đầy đủ. Có 3 nhóm thực phẩm cần phải đặc biệt chú trọng là: thực phẩm giàu đạm, chất béo và vitamin. Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên ăn nhiều rau xanh đậm, trái cây có màu đỏ vàng để nạp vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
Bên cạnh việc tăng sức đề khác, những loại thực phẩm này còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và hấp thu lượng Cholesterol xấu, dư thừa. Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp ăn những thực phẩm giàu protein, acid amin thiết yếu nhằm phục vụ cho các hoạt động duy trì của cơ thể. Để gia tăng cảm giác ngon miệng và tránh tình trạng khó tiêu, người bệnh có thể chế biến các món ăn đa dạng như: nấu kỹ, thái nhỏ, hầm mềm…
Hiện tại, nguy cơ của hội chứng hậu COVID vẫn còn tiềm tàng rất nhiều nguy hiểm.WHO vẫn tiếp tục triển khai các nghiên cứu để đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng của hội chứng hậu COVID tới sức khỏe. Vì vậy, người bệnh từng mắc COVID-19 cần nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, theo sát các hướng dẫn của đội ngũ y tế và có kế hoạch thăm khám, chẩn đoán hội chứng hậu COVID hợp lý để giảm thiểu tối đa những hậu quả không mong muốn.
Nguồn: [Link nguồn]
Lần đầu tiên, một nghiên cứu công bố trên The Lancet chỉ ra cụ thể thời gian mắc bệnh đối với từng biến chủng Delta và Omicron cùng sự khác biệt giữa người đã tiêm 2 mũi,...