Xu hướng phi USD hóa lan rộng toàn cầu

Nhiều quốc gia đang đẩy mạnh nỗ lực thoát phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại quốc tế, nhất là các nước có mâu thuẫn với Mỹ.

Sau hàng chục năm, đồng USD lúc này vẫn được xem là đồng tiền phổ biến nhất trong các giao dịch tài chính trên toàn cầu. Điều này không chỉ bởi Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn vì dầu - một hàng hóa cơ bản mà tất cả nền kinh tế từ nhỏ đến lớn đều cần tới - được định giá bằng đồng USD. Song thời gian gần đây vị thế đồng USD đang bị lung lay khi ngày càng nhiều nước kêu gọi thoát phụ thuộc vào đồng tiền này.

Hệ quả từ việc “vũ khí hóa” đồng USD

Theo tờ The Wall Street Journal, việc phương Tây lạm dụng các biện pháp trừng phạt tài chính với các nước cạnh tranh là nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng phi USD hóa lúc này. Với việc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, thế giới chứng kiến phương Tây sử dụng đồng USD như một vũ khí để trừng phạt Nga một cách triệt để, khi phong tỏa gần 300 tỉ USD tài sản ở nước ngoài của Moscow cũng như cắt đứt Nga ra khỏi hệ thống nhắn tin tài chính quốc tế (SWIFT).

Lãnh đạo các nước thành viên nhóm BRICS tại hội nghị thượng đỉnh tháng 9-2017 ở TP Hạ Môn (Trung Quốc). Ảnh: AP

Lãnh đạo các nước thành viên nhóm BRICS tại hội nghị thượng đỉnh tháng 9-2017 ở TP Hạ Môn (Trung Quốc). Ảnh: AP

Việc vũ khí hóa tài chính như vậy không chỉ gây bất ổn và giảm thiểu độ tin cậy của trật tự tiền tệ và tài chính quốc tế mà còn xáo trộn nguyên tắc hoạt động của các thị trường tài chính quốc tế, khi hệ thống không còn tuân theo nguyên tắc trung lập mà chịu sự điều khiển của các lực lượng chính trị.

Đã nổ ra nhiều tranh cãi rằng hệ thống tài chính toàn cầu lúc này không khác gì một công cụ để thúc đẩy vị thế thống trị của Mỹ, đồng USD không còn là đồng tiền ổn định nhất nữa, mà chuyển sang chịu rủi ro chính trị. Nếu một quốc gia có mâu thuẫn với Mỹ sẽ cảm thấy rủi ro với tài sản của mình và sẽ phải tìm cách thay thế đồng tiền để cất giữ tài sản đó.

Nga, Trung Quốc dẫn đầu nỗ lực phi USD hóa

Hiện nay, Nga và Trung Quốc (TQ) là hai quốc gia đi đầu trong nỗ lực phi USD hóa. Là hai quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của việc Mỹ dùng USD như vũ khí để tấn công kinh tế, Nga và TQ rõ ràng có chung lợi ích để hợp tác đẩy đồng USD ra khỏi giao dịch thương mại, cũng như hoạt động tài chính không chỉ giữa hai nước mà trên phạm vi toàn cầu.

Đồng USD nhiều khả năng sẽ không bị soán ngôi trong ngắn hạn bởi lúc này chưa có đồng tiền nào đủ sức thay thế. Tuy nhiên, về dài hạn thì chuyện này không thể nói trước. Nếu tăng trưởng của Mỹ giảm tốc, còn những khu vực khác phát triển nhanh hơn thì chúng ta có thể thấy vị thế lớn hơn từ các đồng tiền khác.

Chuyên gia MARK TINKER, Công ty tài chính ToscaFund (Anh)

Hồi tháng 3, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố nhất trí tăng cường hợp tác song phương trên lĩnh vực kinh tế, trong đó nổi bật là việc thúc đẩy sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) trong giao dịch hai nước. Ông Putin còn khẳng định ông ủng hộ “việc sử dụng đồng NDT trong thanh toán giữa Nga và các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh”, theo hãng tin Reuters. Trước đó vào năm 2014, lãnh đạo hai bên cũng từng ký thỏa thuận cam kết ưu tiên đồng NDT và đồng rup trong thanh toán song phương.

Tại Nga, các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới xung đột ở Ukraine đã siết cả nguồn cung và nhu cầu đồng USD tại Nga cũng khiến đồng NDT ngày càng phổ biến. Trong tháng 2 vừa qua, trên sàn giao dịch Moscow, lần đầu tiên khối lượng giao dịch đồng NDT đã vượt đồng USD, trong khi trước cuộc xung đột với Ukraine, lượng đồng NDT giao dịch tại thị trường Nga là không đáng kể. Đầu năm nay, Bộ Tài chính Nga cho biết đồng NDT “đang ngày càng quan trọng” với quỹ đầu tư quốc gia của nước này.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi) cũng đang thúc đẩy một dự án về đồng tiền mới, chung, dùng để dự trữ giữa các thành viên. Dự án này có tên R5 - kết hợp tên của năm đồng tiền mà năm nước sử dụng là NDT, rup, reais, rupee và rands. Đây được xem là động thái của nhóm BRICS nhằm phục vụ hoạt động thương mại song phương mà không cần sử dụng đồng USD và cũng làm giảm tỉ lệ dự trữ USD quốc tế.

Ở Đông Nam Á, một đại diện cho xu hướng thúc đẩy phi USD hóa là Malaysia. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vào đầu tháng 4 đã đề xuất mở một Quỹ Tiền tệ châu Á để giảm phụ thuộc vào đồng USD, theo đài CNBC. Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Tengku Zafrul Abdul Aziz cũng cảnh báo nhiều rủi ro nếu châu Á tiếp tục phụ thuộc vào đồng USD.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN hồi tháng 3, nhiều lãnh đạo tham gia đã thảo luận ý tưởng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, đồng yen của Nhật, đồng euro và “chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ của các nước trong khu vực”.

Nợ bằng đồng USD trên toàn cầu giảm mạnh

Hiện ngày càng có nhiều quốc gia liên tục thoái vốn khỏi các khoản nợ của Mỹ trả bằng đồng USD. Theo Reuters, số liệu từ tháng 10-2022 cho thấy khoản nợ của Mỹ mà Nhật nắm giữ đã giảm xuống còn khoảng 1.120 tỉ USD, mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây.

Tổng số nợ của Mỹ mà TQ nắm giữ là 933,6 tỉ USD, thấp hơn đáng kể so với con số 1.320 tỉ USD của 10 năm trước.

Saudi Arabia cũng đã bán khoản nợ tích lũy khoảng 62 tỉ USD của Mỹ từ năm 2020, mức bán tháo tổng cộng là 35% và từ năm 2021 bắt đầu đẩy mạnh hơn nữa việc bán tháo các khoản nợ của Mỹ.

Một phần nguyên nhân của các động thái này được cho là để phản ứng Đạo luật NOPEC của Mỹ, cho phép khởi kiện chống độc quyền đối với các nhà sản xuất dầu mỏ thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Riyadh cũng đã tuyên bố không sử dụng đồng USD trong các giao dịch dầu mỏ để phản đối NOPEC.

Nguồn: [Link nguồn]

Phương Tây trừng phạt Nga, đồng USD cũng ”dính đòn”?

Các lệnh trừng phạt quốc tế của phương Tây nhằm vào Nga bắt đầu làm xói mòn sự thống trị hàng chục năm qua của đồng USD trong lĩnh vực thương mại dầu mỏ, theo các chuyên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN