Xem ảnh vệ tinh trước và sau lệnh phong tỏa tại châu Âu
Nhiều hoạt động kinh tế trên khắp châu Âu bị tạm ngừng do lệnh phong tỏa để chống dịch Covid-19 và sự khác biệt lớn về ô nhiễm không khí đã xuất hiện.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19, ngoại trừ 3 quốc gia Thụy Điển, Hà Lan và Hungary, theo Forbes. Mới đây, Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy sự khác biệt rõ rệt của tình trạng ô nhiễm không khí ở một số thành phố tại Italia), Tây Ban Nha, Pháp... trước và sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng.
Tình trạng ô nhiễm không khí, chủ yếu gây ra bởi công nghiệp nặng và xe cộ, đã giảm đáng kể khi nhiều nhà máy ngừng hoạt động và mọi người làm việc tại nhà.
Ảnh vệ tinh tại Pháp và một số nước lân cận như Italia, Đức hồi tháng 3/2019 (trước phong tỏa) và 14-25/3/2020 (sau phong tỏa) - Màu càng đậm càng ô nhiễm. Ảnh: ESA
Theo Sky News, hình ảnh do Vệ tinh Copernicus Sentinel-5P của EU ghi lại tại các thành phố như Paris (Pháp), Rome - Milan (Italia), Brussels (Bỉ) và Frankfurt (Đức) cho thấy sự sụt giảm trong nồng độ Nitrogen dioxide (NO2) trung bình từ ngày 5 đến 25/3 so với cùng thời điểm năm 2019.
Các hiện tượng thời tiết hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng tới ô nhiễm khí quyển vì vậy những bức ảnh vệ tinh được lấy trong khoảng thời gian 20 ngày và loại trừ các thời điểm có mây che phủ làm giảm chất lượng dữ liệu.
Sự thay đổi rõ rệt nhất xuất hiện ở Pháp và các nước miền nam châu Âu khi hầu hết trong số này áp dụng biện pháp phong tỏa sớm và nghiêm ngặt.
Tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha (tây nam châu Âu), nồng độ NO2 trung bình giảm xuống còn 56% sau khi chính phủ nước này cấm việc đi lại không cần thiết từ 14/3.
Ảnh vệ tinh cho thấy tình hình ô nhiễm không khí ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha giảm rõ rệt trước và sau phong tỏa do Covid-19. Ảnh: ESA
Ô nhiễm tại các vùng ở Italia (nam Âu) cũng giảm mạnh kể từ khi cả nước áp dụng lệnh phong tỏa.
Trong khi đó, tại Anh, nước vừa mới phong tỏa hồi tuần trước, và Hà Lan, chưa phong tỏa dù có khuyến nghị các doanh nghiệp không thiết yếu đóng cửa, sự sụt giảm NO2 vẫn chưa rõ rệt.
Trường hợp đặc biệt xuất hiện ở Ba Lan, khi mức độ NO2 vẫn tương đối cao ở thời điểm hiện tại dù nước này cũng áp dụng lệnh phong tỏa. Nguyên nhân được cho là do sự phổ biến của hệ thống sưởi ấm bằng than tại nước này.
Các lãnh đạo châu Âu đã thống nhất tại một cuộc họp thượng đỉnh thông qua video hôm 26/3, để đưa ra chiến lược xóa bỏ lệnh phong tỏa chung - sẽ được trình bày với Ủy ban châu Âu trong tuần này.
"Mỗi ngày phong tỏa đều gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế", Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói sau cuộc họp thượng đỉnh.
Nếu dỡ bỏ lệnh phong tỏa quá sớm, có thể sẽ lĩnh hậu quả về sức khỏe. Trong khi dỡ bỏ quá muộn, nền kinh tế sẽ kiệt quệ, Ursula nói thêm.
Một số quan chức đề xuất rằng EU nên rút lại các biện pháp trong thỏa thuận xanh - được đưa ra nhằm cân bằng lượng khí thải carbon tới năm 2050 - vì với tình hình hiện tại, lượng khí thải cũng đang sụt giảm. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, cho rằng các biện pháp phục hồi kinh tế của EU vẫn cần phải đi kèm với biện pháp giảm thiểu khí thải.
Theo Sky News, ô nhiễm không khí có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh ung thư phổi, các bệnh về phổi khác hoặc đột quỵ. Nó gây ra khoảng 400.000 cái chết mỗi năm ở châu Âu.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và làm gián đoạn đáng kể tới cuộc sống của người dân Mỹ khi nơi đây đã trở...