Xe tăng T-72 lộ điểm yếu ở Ukraine?
Hình ảnh từ cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy, có nhiều xe tăng Nga, chủ yếu là dòng T-72 bị đánh văng phần nóc. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy dòng xe tăng T-72 của Nga mắc lỗi thiết kế và dễ bị tổn thương trong giao tranh.
Một chiếc xe tăng Nga bị đánh bay tháp pháo ở Ukraine (ảnh: CNN)
Hôm 25.4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho rằng, Nga mất khoảng 580 xe tăng trong xung đột quân sự với Ukraine. Con số này khá cường điệu, nhưng cũng phần nào cho thấy thiệt hại lớn đối với lực lượng xe tăng Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Theo CNN, những chiếc xe tăng Nga bị hư hỏng ở Ukraine chủ yếu thuộc dòng T-72. Đây cũng là loại xe tăng Nga điều nhiều nhất tới Ukraine.
“Xe tăng T-72 mắc phải một lỗi thiết kế mà chúng tôi đã biết từ lâu. Tháp pháo của nó dễ gặp ‘hiệu ứng thổi bay’. Lỗi này đã tồn tại trong nhiều thập kỷ”, Sam Bendett – cố vấn Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm An ninh mới (Mỹ) – đánh giá.
Ông Sam Bendett cho rằng, việc trữ đạn pháo trên tháp pháo là nguyên nhân khiến những chiếc T-72 của Nga ở Ukraine gặp nguy hiểm khi bị tên lửa tấn công từ trên không. Đây là chiến thuật “đột nóc” mà nhiều vũ khí chống tăng ngày nay được thiết kế để thực hiện. Với lối tấn công “đột nóc”, đạn tên lửa sẽ dội thẳng vào nóc tháp pháo – phần giáp mỏng nhất của xe tăng.
“Bất cứ vụ nổ nào đánh vào tháp pháo đều có thể nhanh chóng đốt cháy những quả đạn chứa bên trong. Tháp pháo sẽ bị thổi tung bởi vụ nổ lớn từ trong xe”, ông Bendett nói.
Trữ đạn ở tháp pháo khiến những mẫu xe tăng cũ của Nga như T-72 gặp nguy hiểm (ảnh: CNN)
Xe tăng T-72 được trang bị khoảng 40 viên đạn bên trong tháp pháo. Thiết kế này giúp T-72 nhanh chóng nạp đạn và khai hỏa với tốc độ cao, tạo mật độ hỏa lực dày đặc để áp chế đối phương. Việc trữ đạn trong tháp pháo cũng giúp tiết kiệm không gian trên xe tăng T-72, giúp nó dễ di chuyển và thấp hơn, khó bị bắn trúng. Tuy nhiên, nếu phần nóc bị tấn công, xe tăng T-72 gần như chắc chắc bị phá hủy, gây nguy hiểm cho tổ lái bên trong.
Các dòng xe tăng đời sau T-72 của Nga như T-80, T-90 được nâng cấp lớp giáp bền chắc hơn, nhưng vẫn lựa chọn trữ đạn trong tháp pháo.
Từ những năm 1990, Nga đã nỗ lực phát triển các dòng xe tăng mới với tháp pháo điều khiển từ xa, thiết kế tách biệt với tổ lái, điển hình là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata. Với những dòng xe tăng cũ được điều tới chiến trường Ukraine như T-72, một số chuyên gia cho rằng, Nga đang muốn loại biên vũ khí cũ.
“Trong Chiến tranh Vùng Vịnh, phương Tây đã nhận ra mối nguy này khi chứng kiến những chiếc xe tăng trữ đạn trong tháp pháo bị hạ”, Nicholas Drummond – chuyên gia nghiên cứu lục quân ở Anh – nhận xét.
Theo ông Nicholas Drummond, sau Chiến tranh Vùng Vịnh (1991 – 2003), Mỹ và nhiều nước NATO đã cố gắng phát triển những dòng xe tăng mới, trữ đạn ở khoang riêng chứ không phải tháp pháo.
Phát biểu trước các nghị sĩ Thượng viện ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, trung lập hay gia nhập NATO hoàn toàn là quyết định của riêng Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]