Xe chiến đấu bộ binh Bradley Mỹ sắp gửi Ukraine ưu nhược thế nào so xe tăng Nga?
Xe chiến đấu bộ binh Bradley mà Mỹ vừa cam kết sẽ gửi cho Ukraine có ưu nhược điểm thế nào so với xe tăng Nga?
Sắp tới đây, Ukraine sẽ nhận được số lượng lớn các phương tiện chiến đấu bọc thép từ phương Tây, sau một thỏa thuận chung hồi đầu tháng này giữa Mỹ, Pháp và Đức. Theo đó, Washington cam kết sẽ gửi 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley tới Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 2,85 tỉ USD.
Tháng 6, Washington bắt đầu cung cấp cho Kiev hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS nhưng vẫn chưa chuyển giao Bradley vì lo ngại phương tiện này “quá khiêu khích”. Cung cấp Bradley đánh dấu sự sẵn sàng của chính quyền Tổng thống Biden trong việc mở rộng các loại vũ khí và thiết bị cung cấp cho Ukraine.
Dưới đây là những điều cần biết về xe chiến đấu bộ binh Bradley, theo tờ THE TIME và hãng tin Reuters.
Một chiếc Bradley M2 được trưng bày tại một cuộc diễn tập huấn luyện ở Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Fort Irwin, bang California (Mỹ). Ảnh: 19FORTYFIVE
Thông tin về Bradley
Xe chiến đấu bộ binh Bradley được đặt theo tên tướng Omar Bradley - một vị tướng lỗi lạc của Mỹ trong Thế chiến II. Bradley được đưa vào phục vụ từ những năm 1980 với 2 biến thể cơ bản là M2 (sử dụng trong các đơn vị bộ binh) và M3 (sử dụng cho các đội kỵ binh-trinh sát).
Mỗi chiếc Bradley nặng từ 27 đến 33 tấn với tốc độ khoảng 61 km/giờ. Phương tiện này có thể tấn công bộ binh và xe bọc thép hạng nhẹ bằng pháo cỡ nòng 25 mm và súng máy. Nó cũng có thể bắn xe tăng ở xa bằng tổ hợp tên lửa chống tăng TOW BGM-71.
Ông George Barros - một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institute for the Study of War) chia sẻ với THE TIME: “Bradley là một loại xe bọc thép chở quân hiệu quả, có khả năng chinh phục những địa hình khó khăn mà xe quân sự humvee và các phương tiện không bánh xích khác không làm được. Nó giúp vận chuyển binh lính an toàn để chiến đấu với kẻ thù”.
“Ukraine cần nhiều thiết bị cơ giới hóa hơn duy trì thế chủ động quân sự sau các cuộc phản công. Tôi hy vọng quyết định cung cấp cho Ukraine xe Bradley là tiền đề để Kiev nhận được xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây, điều mà chính phủ Ukraine đã yêu cầu trong nhiều tháng”.
Theo Reuters, quân đội Ukraine cần xe Bradley bởi vì phương tiện này có thể mang tên lửa tầm xa TOW để chống lại xe tăng có tầm bắn hơn 3 km. Ukraine có thể sử dụng hỏa lực đó kết hợp với xe tăng như một phần của chiến thuật “vũ khí kết hợp cơ giới”.
So sánh Bradley với xe chiến đấu Nga đang sử dụng
Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Quân đội Nga và Ukraine chủ yếu sử dụng dòng xe chiến đấu bộ binh BMP từ thời Liên Xô.
Một chiếc BMP-2 nặng 15,8 tấn, trong khi một chiếc Bradley có thể nặng tới 33 tấn nhờ đó mà Bradley có phần vỏ bọc cứng cáp hơn. Chẳng hạn, phần giáp bên hông và phía sau của xe BMP có thể bị đạn súng máy hạng nặng xuyên thủng ở cự ly gần nhưng Bradley không thể bị tấn công theo kiểu này.
Ngoài ra, khẩu pháo 25 mm của Bradley có thể dễ dàng bắn xuyên giáp trước của BMP nhưng khẩu pháo 30 mm của BMP khó xuyên thủng được giáp trước của Bradley. Tuy nhiên, mẫu BMP-3 sau này của Nga đã vượt trội hơn Bradley khi nó trang bị thêm một khẩu pháo 100 mm.
Bradleys cũng là một trong số ít các phương tiện bọc thép của Mỹ tích hợp giáp phản ứng nổ, giúp đánh bại các loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ.
Phương tiện này cũng đi kèm với các cảm biến cao cấp, đặc biệt bao gồm cả kính ngắm ban đêm, điều mà hầu hết xe chiến đấu bộ binh BMP đang thiếu.
Nhược điểm của Bradley
Do phần giáp bụng không được thiết kế để chống mìn nên Bradley vẫn tương đối dễ bị trúng mìn và các thiết bị nổ tự chế mặc dù có lớp giáp dày.
Và giống với BMP, Bradley chỉ có thể chở các đội nhỏ gồm 6-7 binh sĩ.
Mặc dù đã tăng vài tấn trọng lượng trong những năm qua, hầu hết xe Bradley vẫn tiếp tục sử dụng cùng một động cơ diesel 500 mã lực khiến nó không đủ sức mạnh và tạo áp lực cho hệ thống truyền lực và hệ thống treo (ngoại trừ những chiếc Bradley M2A4 hoàn toàn mới).
Với trọng lượng lớn khiến gánh nặng hậu cần của xe Bradley cũng lớn. Ngoài ra, khác các xe bọc thép cũ của Liên Xô mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tặng cho Kiev, quân đội Ukraine chưa có kinh nghiệm vận hành Bradley nên cần mất vài tháng để huấn luyện trước khi có thể sử dụng.
Nhìn chung, nếu triển khai, xe tăng Bradley sẽ giúp các lữ đoàn cơ giới của Ukraine tăng khả năng sống sót trước hỏa lực cũng như khả năng phát hiện và tiêu diệt phương tiện của đối thủ.
Chuyên gia của trang 19fortyfive nhận định Bradley sẽ không phải là “người thay đổi cuộc chơi” nhưng nếu với số lượng lớn, khả năng tiêu hao và cơ động của phương tiện này có thể đem lại kết quả đáng chú ý trên chiến trường.
Cả Đức và Mỹ đều thay đổi quan điểm, sẵn sàng gửi hàng chục xe tăng tiên tiến cho Ukraine trong bối cảnh lực lượng Kiev gặp khó khăn ở chiến trường miền Đông, Reuters đưa...
Nguồn: [Link nguồn]