WTO ra phán quyết có lợi cho Mỹ, Trung Quốc không chịu thua
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 16-8 đã ra phán quyết ủng hộ Mỹ trong một vụ tranh chấp thuế quan với phía Trung Quốc.
WTO kết luận Trung Quốc đã vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế khi áp đặt thuế bổ sung đối với hàng hóa của Mỹ nhằm đáp trả thuế quan của Washington lên mặt hàng thép và nhôm.
Theo Ủy ban Giải quyết Tranh chấp của WTO, mức thuế bổ sung của Trung Quốc là "không phù hợp" với các điều khoản của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) năm 1994.
Trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneva - Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ năm 2018 khi tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Donald Trump áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đưa vụ tranh chấp ra WTO, đồng thời áp thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 3 tỉ USD.
Vào tháng 12-2022, WTO ra phán quyết rằng thuế thép ban đầu của ông Trump đã vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã phản ứng phán quyết trên và các mức thuế vẫn được áp dụng.
Hôm 16-8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ đang xem xét phán quyết của Ủy ban Giải quyết tranh chấp và sẽ theo dõi vụ việc theo quy định của WTO. Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: "Nguồn gốc của vấn đề trong trường hợp này nằm ở chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ".
Theo báo South China Morning Post, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định các biện pháp đối phó của Trung Quốc nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay: "Trung Quốc yêu cầu Mỹ hủy bỏ ngay lập tức các biện pháp áp đặt thuế đối với thép và nhôm theo Mục 232 vi phạm các quy định của WTO".
Trong khi đó, theo một tuyên bố từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, chính quyền Washington khen ngợi phán quyết khi nói rằng WTO xác nhận Trung Quốc trả đũa bất hợp lý với cái cớ "tự vệ thuế quan giả tạo".
Trung Quốc có thể kháng cáo phán quyết trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, nếu kháng cáo, Trung Quốc sẽ đóng vai trò quyền phủ quyết vì cơ quan phúc thẩm giải quyết tranh chấp của WTO đã không hoạt động kể từ năm 2019 do Mỹ đã chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới với lo ngại về hoạt động tư pháp.
Đầu tháng này, Trung Quốc gọi Mỹ là "kẻ hủy diệt hệ thống thương mại đa phương" và kêu gọi Washington tuân thủ các quy định của WTO.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 10-8 cho biết Trung Quốc quan ngại sâu sắc và bảo lưu quyền đáp trả việc Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh nhằm ngăn chặn và điều chỉnh các khoản...