WSJ: Ông Macron nói không cần Mỹ và NATO can thiệp nếu binh sĩ Pháp bị tấn công ở Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng có cuộc thảo luận bí mật với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm thuyết phục các đồng minh phương Tây thay đổi chiến lược trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo sau lễ ký kết thỏa thuận an ninh vào tháng 2/2024.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo sau lễ ký kết thỏa thuận an ninh vào tháng 2/2024.

Theo tiết lộ trên tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 3/4, ông Macron tin rằng phương Tây cần xây dựng lập trường mơ hồ về mặt chiến lược với Nga, nghĩa là không loại trừ tất cả các giải pháp, bao gồm biện pháp quân sự.

Ý tưởng mà ông Macron đưa ra khác biệt so với lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Washington một mặt hỗ trợ quân sự sâu rộng cho Kiev, mặt khác vẫn tránh nguy cơ leo thang dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Nga và phương Tây. 

Ngược lại, ông Macron muốn phương Tây chấm dứt các giới hạn như vậy và thể hiện lập trường cứng rắn nhằm gây khó dễ cho Nga.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói trên tờ WSJ rằng, ông Biden hoài nghi về việc cần thay đổi chiến lược vì lo ngại nguy cơ leo thang. Ông Scholz cũng không đồng tình với lý do làm tăng nguy cơ chia rẽ trong nội bộ NATO.

Cuộc trao đổi bí mật diễn ra trước khi ông Macron lần đầu công khai ý tưởng về việc "phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine".

Theo nguồn tin của WSJ, ông Macron đã nói rõ với ông Biden và ông Scholz về việc sẽ truyền tải thông điệp như vậy tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Paris vào cuối tháng 2/2024.

Ông Scholz trả lời rằng nếu ông Macron công khai nói như vậy, Đức và các nước thành viên NATO khác sẽ bác bỏ. Kết quả là ông Macron đã thực sự công khai ý tưởng và nhiều nước phương Tây lên tiếng bác bỏ.

Một trong những trở ngại trong kế hoạch phương Tây đưa quân đến Ukraine như ông Macron kêu gọi là cách phản ứng nếu binh sĩ phương Tây thiệt mạng trong một cuộc không kích của Nga.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ Nga tấn công địa điểm tập kết binh sĩ Pháp ở Ukraine, WSJ tiết lộ.

Tuy nhiên, ông Macron đã nói rằng trong trường hợp Nga tấn công binh sĩ Pháp ở Ukraine, Mỹ và NATO không cần phải can thiệp, WSJ dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ am hiểu vấn đề cho biết. Theo quan điểm của ông Macron, Pháp đã chứng chịu tổn thất trong các cuộc đụng độ ở châu Phi mà không cần đồng minh giúp đỡ.

Căng thẳng lên tới đỉnh điểm tại hội nghị thượng đỉnh Paris hôm 26/2. Ông Macron công khai nói về sự cần thiết của việc phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine.

Ông Macron sau đó đề nghị Thủ tướng Đức phát biểu. Ông Scholz bày tỏ sự phản đối về ý tưởng mà Tổng thống Pháp đưa ra. Sau đó, các nhà lãnh đạo Hà Lan, Hy Lạp, Ba Lan và nhiều nước khác cũng phản đối, WSJ tiết lộ.

Thủ tướng Estonia là người hiếm hoi ủng hộ ông Macron, nói rằng các nhà lãnh đạo phương Tây không nên bàn về những gì không muốn làm mà chỉ nên tập trung thảo luận về những gì sẽ làm để tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Bất chấp sự phản đối của hầu hết các nước thành viên NATO, ông Macron sau đó vẫn nhiều lần nói về việc"phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine", theo WSJ.

Nguồn: [Link nguồn]

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên tiếng sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói sẽ đề xuất ngừng bắn ở Ukraine dịp Olympic Paris 2024.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - WSJ ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN