WSJ: Ả Rập Saudi phớt lờ lời cảnh báo của Mỹ, hé lộ mâu thuẫn sâu sắc
Vài ngày trước khi nhóm OPEC+ thông báo cắt giảm mạnh sản lượng khai thác, quan chức Mỹ đã gửi lời cảnh báo khẩn tới Ả Rập Saudi và các cường quốc sản xuất dầu ở Trung Đông, yêu cầu hoãn đưa ra quyết định trong một tháng, báo Mỹ Wall Street Journla (WSJ) dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị G20 tại Argentina năm 2018.
Quan chức Mỹ cảnh báo Ả Rập Saudi rằng cắt giảm sản lượng dầu sẽ được coi là hành động "ngả về phía Nga rõ ràng" và sẽ làm suy yếu sự hỗ trợ của Mỹ với nước này, nguồn tin cho biết.
Câu trả lời của Ả Rập Saudi khi đó vẫn là "không". Giới chức Ả Rập Saudi bác bỏ yêu cầu của Mỹ, cho rằng nước này không có trách nhiệm phục vụ lợi ích chính trị của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào tháng sau. Giá nhiên liệu tăng cao và lạm phát là hai vấn đề chính trong chiến dịch vận động của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ.
Thay vào đó, Ả Rập Saudi cảm thấy có chung quan điêm với các đồng minh OPEC và đối tác để thống nhất cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày, kể từ tháng 11 tới.
Theo nguồn tin, Mỹ đã rất cố gắng thuyết phục Ả Rập Saudi, nói rằng nếu giá dầu tiếp tục giảm thực sự thì Riyadh và nhóm OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng vẫn chưa muộn.
Adrienne Watson, nữ phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, bác bỏ lời kêu gọi của Washington đối với Riyadh mang mục đích chính trị. "Lời kêu gọi đồng minh không cắt giảm sản lượng khai thác dầu không có liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ", bà Watson nói. "Nó liên quan tới tác động đối với nền kinh tế toàn cầu".
Trước phản ứng của Ả Rập Saudi, phát ngôn viên John Kirby ngày 11/10 nói Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn đánh giá lại quan hệ với Ả Rập Saudi.
Chuyến thăm Ả Rập Saudi hồi tháng 7 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không đạt kết quả như mong đợi.
Hoàng tử Faisal bin Farhan, ngoại trưởng Ả Rập Saudi, ngày 11/10 cũng nói rằng OPEC+ đưa ra quyết định hoàn toàn dựa vào vấn đề kinh tế và không có yếu tố chính trị tác động. Nhóm OPEC+ bao gồm Nga, muốn ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, hoàng tử trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Al Arabiya của Ả Rập Saudi.
Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8/11, có nghĩa là nếu OPEC+ đáp ứng yêu cầu của Mỹ thì nhóm sẽ chỉ công bố thông tin cắt giảm sản lượng vào ngày 5/11, quá muộn để có thể tạo ra tác động đến người tiêu dùng Mỹ trước cuộc bỏ phiếu, theo WSJ.
Sau quyết định của OPEC+, các chính trị gia Mỹ cảnh báo sẽ trừng phạt Ả Rập Saudi, ngừng bán vũ khí cho quốc gia dầu mỏ Trung Đông.
Trước mắt, Mỹ có thể rút khỏi Diễn đàn Sáng kiến Đầu tư Tương lai của Ả Rập Saudi, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
WSJ dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Mỹ đã rút khỏi cuộc họp nhóm công tác về phòng thủ khu vực vào tuần tới tại Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, có trụ sở tại Ả Rập Saudi.
Nhóm OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng khai thác dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11.
Hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Ả Rập Saudi nhằm hàn gắn quan hệ hai nước. Tuy nhiên, các nguồn tin trong chính phủ Ả Rập Saudi cho biết, chuyến thăm của ông Biden không làm thay đổi lập trường của thái tử Mohammed bin Salman (MbS), rằng vương quốc này muốn xây dựng chính sách đối ngoại độc lập, không chịu ảnh hưởng từ Mỹ. Đây được coi là bước ngoặt trong mối quan hệ đồng minh 80 năm qua giữa Mỹ và Ả Rập Saudi.
Thái tử MbS được cho là rất không hài lòng khi ông Biden đề cập đến vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi trong chuyến thăm. Thái tử hiện là nhà lãnh đạo chưa chính thức của Ả Rập Saudi, nắm quyền trên mọi lĩnh vực trên danh nghĩa của vua cha.
Thái tử hiện đang theo đuổi chính sách tối ưu hóa sức mạnh kinh tế của Ả Rập Saudi dựa vào dầu mỏ, trong đó giá dầu duy trì ở mức cao có lợi cho vương quốc. Năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Ả Rập Saudi đạt mức tăng trưởng hơn 10%, cao nhất trên toàn cầu.
Theo WSJ, thái tử MbS đã nói với các cố vấn rằng mình không muốn hy sinh thêm nữa cho chính quyền Mỹ, đặc biệt là việc Mỹ quay lưng với cuộc chiến của Ả Rập Saudi ở Yemen và việc Mỹ thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Iran, đối thủ lớn nhất của vương quốc ở Trung Đông.
Hồi tháng 8, OPEC+ có kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu lên mức 500.000 thùng/ngày theo đề xuất của Mỹ, nhưng sau cuộc gặp ông Biden, thái tử MbS đã yêu cầu OPEC+ chỉ tăng ở mức tượng trưng 100.000 thùng/ngày, nguồn tin từ chính phủ Ả Rập Saudi cho biết, theo WSJ.
Sau sự kiện này, Đặc phái viên an ninh năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ, Amos Hochstein đã gửi thư trách móc Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho rằng Riyadh đã không giữ lời hứa tăng sản lượng như cam kết.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman (áo trắng, giữa) là người thúc đẩy OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng. Hoàng tử vẫn là Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi sau cuộc cải tổ nội các cách đây 2 tuần.
Điều này được cho là đã khiến hoàng tử Abdulaziz tức giận và vương quốc ngày càng củng cố chính sách dầu mỏ độc lập, không phụ thuộc vào Mỹ, theo WSJ.
Tháng 9, hoàng tử Abdulaziz là người kiến tạo để OPEC+ cắt giảm 100.000 thùng dầu/ngày. Trước cuộc họp ngày 5/10, hoàng tử cũng là người khuyến nghị nhóm cắt giảm mạnh hơn nữa.
Hoàng tử chỉ trích kế hoạch của châu Âu nhằm áp giá trần với dầu thô nhập khẩu, theo nguồn tin của phái đoàn OPEC+. "Họ đang chống lại chúng ta", hoàng tử Abdulaziz nói với các bộ trưởng năng lượng vùng Vịnh, ám chỉ các quyết sách gần đây của phương Tây.
Về vấn đề Mỹ gây sức ép đối với các thành viên trong nhóm OPEC, WSJ tiết lộ rằng Kuwait, Iraq và Bahrain đã ủng hộ Mỹ, phản đối cắt giảm sản lượng. Nhưng các nước này sau đó vẫn đồng ý với quyết định của Ả Rập Saudi để đảm bảo sự thống nhất trong nhóm OPEC+, quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Ngoài ra, Mỹ đã "không kịp trở tay" do các thông tin ban đầu chỉ cho rằng OPEC+ cắt giảm 1 triệu thùng/ngày. Nga được cho là quốc gia đã thuyết phục Ả Rập Saudi cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu, theo nguồn tin.
Quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Washington đang cân nhắc khả năng ngừng toàn bộ các hợp đồng bán vũ khí cho Riyadh, bao gồm các tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao.
Một lý do khác khiến Ả Rập Saudi quay lưng với Mỹ là việc Wahshington đã bày tỏ quan điểm muốn giá dầu giảm sâu để mua với số lượng lớn nhằm lấp đầy kho dự trữ chiến lược đang ngày càng hao hụt.
Việc Mỹ thu mua dầu với lượng lớn có thể khiến cho mức giá tiếp tục giảm và Ả Rập Saudi đã từ chối để bảo vệ lợi ích, WSJ cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 11/10, các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ đánh giá lại quan hệ giữa Washington với Ả-rập Xê-út, sau khi OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu...