Trải nghiệm không tốt ở làng CĐV mọc giữa sa mạc Qatar

Đối với nhiều người ngoại quốc hâm mộ bóng đá, con đường tới các sân cỏ World Cup 2022 bắt đầu mỗi sáng từ một khu lều mọc giữa sa mạc ở thành phố Al Khor (Qatar).

Khu lều dựng giữa sa mạc dành cho người hâm mộ bóng đá ở thành phố Al Khor (ảnh: AP)

Khu lều dựng giữa sa mạc dành cho người hâm mộ bóng đá ở thành phố Al Khor (ảnh: AP)

Giá phòng các khách sạn ở Doha (thủ đô Qatar) khá đắt đỏ, buộc nhiều cổ động viên bóng đá phải lưu trú ở khu “làng lều” tại thành phố Al Khor. Điều đáng chú ý là “làng lều” này dựng lên giữa sa mạc, cách Doha khá xa.

Chỉ có một số ít người chọn ở “làng lều” vì muốn trải nghiệm cảm giác phiêu lưu giữa sa mạc, theo AP.

“Tôi ở đây vì không tìm được nơi nào khác. Các khách sạn ở Doha đắt khủng khiếp”, Haidar Haji, kiến trúc sư 27 tuổi đến Qatar từ Kuwait, chia sẻ.

Haidar Haji cho biết, anh cảm thấy mệt mỏi vì phải di chuyển từ Al Khor tới Doha mỗi sáng.

Dẫu vậy, giá thuê lều ở khu cắm trại thuộc Al Khor cũng không hề rẻ. Haji cho hay, anh phải trả 450 USD/đêm để được ở lại khu lều này. Mỗi căn lều chỉ được trang bị nội thất cơ bản, nhưng chính quyền Al Khor quảng cáo, đây là điểm đến hoàn hảo cho “kỳ nghỉ thú vị và xa hoa”.

Cửa lều không có khóa và phải buộc dây (ảnh: AP)

Cửa lều không có khóa và phải buộc dây (ảnh: AP)

Paola Bernal đến từ Tabasco, miền Nam Mexico, cho biết, các tuyến xe bus chạy từ khu lều ở Al Khor đến Doha giống như “mớ hỗn độn” và ngừng chạy vào lúc 22 giờ. Nhiều người hâm mộ muốn nán lại Doha lâu hơn thường phải đi taxi để trở về nơi cắm trại.

Khung cảnh ở khu cắm trại Al Khor khá đìu hiu và nhiều người phàn nàn rằng họ không tìm được đồ uống có cồn.

“Thành thật mà nói, ở Tehran còn dễ tìm rượu bia hơn”, Parisa, 42 tuổi – người hâm mộ bóng đá đến Qatar từ Iran – nói.

Sa mạc khô cằn với đầy bụi và cát cũng không phải lựa chọn tốt để chụp ảnh. Tuy nhiên, Nathan Thomas – chuyên gia thiết kế trang web làm việc ở Qatar – cho rằng, đây mới là “khung cảnh Ả Rập” thứ thiệt. Điều Thomas lo lắng là vấn đề an ninh ở khu lều

“Không phải căn lều nào cũng nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng an ninh. Lều không có khóa và người ngoài dễ dàng đi vào”, Thomas nói.

Từ làng cổ động viên Free Zone thuộc sa mạc phía nam Doha, nhiều du khách cũng phàn nàn về nơi ở trong các căn phòng được thiết kế giống container.

Hôm 23/11, một nhóm du khách phải xếp hàng chờ ở Free Zone vì lễ tân không nắm rõ thông tin về việc đổi trả phòng.

“Tình hình này rất lộn xộn”, Mouman Alani từ Morocco nói với AP.

“Khi chúng tôi nhận phòng, mọi thứ rối tung lên. Chúng tôi phải đợi hơn 2 tiếng dưới cái nắng gay gắt để chờ nhân viên dọn dẹp. Có mùi hôi trong phòng”, Aman Mohammed, 23 tuổi, đến từ Kolkata (Ấn Độ), nói.

Ước tính có khoảng 1,2 triệu du khách sẽ tới Qatar trong kỳ World Cup năm nay. Nước này đã xây thêm hàng chục nghìn phòng khách sạn và nhà nghỉ. 3 tàu du lịch khổng lồ cũng cập cảng ở Qatar để làm nơi cư trú cho du khách. Tuy nhiên, giá thuê phòng đắt đỏ khiến nhiều người tìm đến “làng lều” ở Al Khor hoặc làng Free Zone.

Làng Free Zone với những căn phòng giá rẻ dành cho du khách tới Qatar trong mùa World Cup (ảnh: AP)

Làng Free Zone với những căn phòng giá rẻ dành cho du khách tới Qatar trong mùa World Cup (ảnh: AP)

Theo Channel NewsAsia, mỗi căn phòng ở Free Zone được lắp đặt điều hòa, 2 giường đơn, bàn, ghế, tủ lạnh, ấm đun nước, đèn và nhà vệ sinh. Căn phòng rẻ nhất có giá từ 207 USD/đêm.

Theo CNN, làng Free Zone cách trung tâm Doha khoảng 20 phút đi bằng tàu điện ngầm. Một số sân vận động ở Qatar chưa được kết nối với hệ thống tàu điện. Người hâm mộ có thể phải đi bộ khoảng 2,5km để xem một trận thi đấu.

Một số người dùng Twitter gọi Free Zone là “lễ hội Fyre 2.0” – ám chỉ những lễ hội âm nhạc được quảng cáo “trên trời” nhưng cơ sở vật chất thực tế rất tạm bợ.

Vài ngày trước khi World Cup 2022 khai mạc, nhiều hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy làng Free Zone vẫn chưa được xây dựng xong. Nhiều người cũng phàn nàn về việc họ phải chờ quá lâu mới được nhận phòng.

Aman Mohammed nói quảng cáo về làng Free Zone không đúng sự thật, nhưng xét cho cùng, nhiều người tới Qatar là vì bóng đá.

“Cristiano Ronaldo đang chơi kỳ World Cup cuối cùng. Tôi ở đây chỉ để gặp anh ấy. Được xem giải đấu là giấc mơ với tôi từ khi còn nhỏ”, Mohammed nói, đề cập tới siêu sao đang thi đấu cho đội tuyển Bồ Đào Nha.

Quốc gia điều tàu hải quân tới bảo vệ World Cup 2022

Việc quốc gia Nam Á cử quân đội tới Qatar để bảo đảm an ninh cho một giải đấu thể thao là điều chưa từng có tiền lệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – AP ([Tên nguồn])
World Cup 2026 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN