WHO xác nhận biến thể COVID-19 ở Ấn Độ là “đáng lo ngại toàn cầu”
Biến thể B.1.617 xuất hiện tại Ấn Độ mới đây đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại là “biến thể đáng lo ngại toàn cầu”.
Vào hôm 10/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra tuyên bố cho biết biến thể virus SARS-CoV-2 mang ký hiệu B.1.617 được xếp vào danh mục “biến thể đáng lo ngại ở mức toàn cầu. Được biết, biến thể này xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020. Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể B.1.617 có khả năng lây lan nhanh hơn.
“Chúng tôi phân loại đây là biến thể đáng lo ngại ở cấp toàn cầu. Đã có một số thông tin cho thấy khả năng lây truyền cao hơn”, bà Maria Van Kerkove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO về COVID-19 cho hay.
WHO cho biết biến thể B.1.617 được xác định lần đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 12/2020, mặc dù phiên bản sớm của biến thể này đã được phát hiện từ hồi tháng 10/2020. Ở thời điểm hiện tại, biến thể này đã lan rộng sang nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhiều nước cũng đã áp dụng biện pháp hạn chế người tới từ Ấn Độ.
Biến thể B.1.617 vừa được WHO xác định là "biến thể đáng lo ngại ở mức toàn cầu". Ảnh minh họa
Bà Van Kerkhove cho biết thêm thông tin về biến thể này và 3 biến chủng phụ của nó sẽ được công bố vào ngày 11/5.
“Mặc dù một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy khả năng lây truyền gia tăng nhưng chúng toi cần thêm nhiều thông tin về biến thể này cũng như tất cả các biến chủng phụ của nó”, bà Van Kerkhove nói.
Theo thông tin từ nhà khoa học chính của WHO Soumya Swaminathan, các nghiên cứu đang được tiến hành tại Ấn Độ để kiểm tra khả năng lây truyền của biến thể, mức độ nghiêm trọng của bệnh mà nó gây ra cũng như phản ứng kháng thể ở những người đã được tiêm chủng.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này đang phát động lời kêu gọi “Chung sức vì Ấn Độ” nhằm gây quỹ để mua oxy, thuốc men và thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế.
Các nước châu Á tiếp tục chứng kiến tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi châu Âu và Mỹ tập trung đẩy mạnh...
Nguồn: [Link nguồn]