WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu

Ngày 11.3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch.

“Sự bùng phát của Covid-19 đã trở thành đại dịch”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng giám đốc WHO tuyên bố.

“Việc mô tả Covid-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do Covid-19 gây ra. Điều này cũng không thay đổi những gì WHO đang làm và những gì mà các quốc gia khác nên làm”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng giám đốc WHO (ảnh: CNN)

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng giám đốc WHO (ảnh: CNN)

Các tiêu chí để xác định một đại dịch là chưa rõ ràng, tuy nhiên, có 3 điều kiện để một dịch bệnh do một loại virus gây ra được tuyên bố là đại dịch toàn cầu: Gây bệnh và tử vong ở người, lây truyền từ người sang người, lây lan ra nhiều nước trên thế giới.

Ông Tedros kêu gọi các chính phủ thực hiện "hành động khẩn cấp và mạnh mẽ" để đối phó đại dịch Covid-19. "Một số quốc gia đã chứng minh rằng loại virus này có thể bị ức chế và kiểm soát", ông nói. "Thách thức đối với nhiều quốc gia đang phải đối phó với các ổ dịch lớn hoặc tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng không phải là liệu họ có thể làm như vậy hay không, mà là liệu họ có làm hay không."

Theo thống kê của CNN, tính đến hết ngày 11.3, Covid-19 đã lây lan ra 102 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số ca nhiễm là 119.108 trường hợp, trong đó có 4.379 người tử vong.

Trung Quốc vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của Covid-19 với hơn 80.000 ca nhiễm và hơn 3.100 người tử vong. Tuy nhiên, số các ca nhiễm mới Covid-19 tại Trung Quốc đang ngày càng giảm và nước này dường như đã gần ở mức kiểm soát được dịch bệnh.

Trong khi đó, Covid-19 đang bùng phát mạnh tại một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha (2.128 ca nhiễm), Pháp (1.784 ca nhiễm), đặc biệt là Italia với hơn 10.149 trường hợp nhiễm virus và 631 người tử vong. Xếp sau Italia là Iran, quốc gia Trung Đông ghi nhận tổng số ca nhiễm là hơn 9.000 với 354 người tử vong.

Dịch Covid-19 cũng đang lây lan mạnh tại Mỹ, khi hết ngày 11.3, nước này ghi nhận hơn 1.000 trường hợp nhiễm với ít nhất 31 người tử vong.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Chống dịch Covid-19: Quy tắc 3 bước chân của Italia

Chính phủ Italia đã đặt ra một quy tắc gọi là “3 bước chân” được áp dụng cho mọi người dân nước này khi lui tới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – CNN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN