WHO nói gì về vắc-xin Covid-19 được Việt Nam cấp phép lưu hành?
Sau khi Nam Phi trì hoãn tiêm vắc-xin AstraZeneca vì lo ngại về hiệu quả chống lại biến thể virus mới được phát hiện tại nước này, WHO đã lên tiếng.
Tiến sĩ Katherine O’Brien, giám đốc chương trình tiêm chủng của WHO. Ảnh: HPW
Theo SCMP, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 8/2 nhấn mạnh, vắc-xin AstraZeneca vẫn là một "vũ khí" quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19.
Tiến sĩ Katherine O’Brien, giám đốc chương trình tiêm chủng của WHO, cho biết: "Dựa vào bằng chứng về vắc-xin AstraZeneca trong một số thử nghiệm, có thể thấy vắc-xin này hiệu quả trong việc ngăn bệnh diễn biến xấu và giảm tỷ lệ nhập viện cũng như tử vong".
Tiến sĩ O’Brien và các quan chức cấp cao khác của WHO đề xuất rằng, vắc-xin AstraZeneca sẽ được coi là nền tảng trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19 nhờ chi phí thấp, dễ bảo quản.
"Có phản ứng rất tích cực về việc tiếp tục sử dụng vắc-xin, kể cả ở những nơi có các biến thể mới", tạp chí WSJ dẫn lời bà O’Brien.
"Còn quá sớm để nghĩ tới việc loại bỏ vắc-xin này", Richard Hatchett, giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), nói trong bối cảnh việc triển khai tiêm vắc-xin AstraZeneca gặp trở ngại vì nghi ngờ về mức độ hiệu quả.
"Điều tối quan trọng là sử dụng các 'vũ khí' mà chúng ta có, sao cho hiệu quả nhất có thể", ông Hatchett phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ 2 tuần một lần của WHO về đại dịch Covid-19.
Vắc-xin AstraZeneca đang là một phần quan trọng của Covax, chương trình được thiết lập để mua vắc-xin Covid-19 và đảm bảo phân phối vắc-xin công bằng trên thế giới.
Hầu hết trong tổng số 337,2 triệu liều vắc-xin Covid-19 của Covax là AstraZeneca. Số vắc-xin này đang trong quá trình chuẩn bị để được vận chuyển tới 145 quốc gia trên thế giới trong nửa đầu năm 2021 khi WHO phê duyệt - dự kiến vào tuần tới.
Trước đó, một thử nghiệm tại Đại học Witwatersrand ở thành phố Johannesburg, Nam Phi, kết luận vắc-xin AstraZeneca "ít" có hiệu quả với biến thể virus Nam Phi (B.1.351), chủng đã lây lan ra ít nhất 32 quốc gia.
Nam Phi, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ở châu Phi, ban đầu dự kiến bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trong những ngày tới với 1 triệu liều AstraZeneca. Tuy nhiên, chính phủ Nam Phi sau đó quyết định tạm dừng vì kết quả thử nghiệm của Đại học Witwatersrand.
"Chúng tôi phải tạm dừng chương trình tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca cho tới khi các vấn đề liên quan đến mức độ hiệu quả của vắc-xin này được xác định", Zweli Mkhize, Bộ trưởng Y tế Nam Phi chia sẻ với phóng viên hôm 7/2.
Nam Phi có 1,5 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, sẽ hết hạn vào tháng 4 năm nay.
WHO đang tìm cách để phân phối vắc-xin Covid-19 sao cho hiệu quả và công bằng nhất. Ảnh minh họa: Getty
AstraZeneca, công ty phối hợp với đại học Oxford cùng phát triển vắc-xin AstraZeneca, đã lên tiếng bảo vệ sản phẩm của mình. "Chúng tôi tin vắc-xin AstraZeneca vẫn có hiệu quả trong việc phòng ngừa Covid-19", công ty AstraZeneca tuyên bố.
Một phát ngôn viên của công ty AstraZeneca cho biết thêm rằng, các nhà nghiên cứu đang làm việc để bổ sung thành phần cho vắc-xin AstraZeneca nhằm tăng hiệu quả đối phó với biến thể virus Nam Phi.
Nhiều nước châu Âu cũng lên tiếng ủng hộ vắc-xin AstraZeneca. Theo France24, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho rằng, vắc-xin AstraZeneca cung cấp đủ khả năng bảo vệ, chống lại "gần như tất cả biến thể" hiện tại của Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, bằng chứng hiện tại cho thấy 3 loại vắc-xin được châu Âu phê duyệt, trong đó có AstraZeneca, mang lại hiệu quả chống lại các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng.
Anh và Úc cũng kêu gọi phản ứng bình tĩnh trước thông tin cho rằng vắc-xin AstraZeneca không hiệu quả với biến thể virus Nam Phi, trích dẫn bằng chứng cho thấy vắc-xin giúp ngăn bệnh tiến triển nặng và giảm số ca tử vong.
Bộ Y tế Việt Nam mới đây phê duyệt có điều kiện vắc-xin AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây là vắc-xin đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Dự kiến, vắc-xin AstraZeneca sẽ về tới Việt Nam trong quý I năm nay.
Theo các số liệu chính thức, đại dịch Covid-19 đã cướp sinh mạng của hơn 2,3 triệu người trên thế giới. Tổng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 là hơn 106 triệu người. Con số thực tế có thể còn cao hơn vì có nhiều người nhiễm Covid-19 nhưng không biểu hiện triệu chứng.
Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chuẩn bị hoàn tất cuộc điều tra nguồn gốc của dịch Covid-19 ở Trung...
Nguồn: [Link nguồn]