WHO nói chấm dứt Covid-19 vào năm 2022: Chuyên gia TQ nói gì?

Sau khi Tổng giám đốc WHO tuyên bố thế giới phải chấm dứt đại dịch vào năm 2022, một số chuyên gia y tế Trung Quốc nói rằng, điều đó phụ thuộc rất lớn vào vai trò của chính WHO. 

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Getty

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Getty

Hôm 21/12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo, có các bằng chứng nhất quán cho thấy "biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta" và nhiều khả năng những người đã tiêm chủng vẫn bị lây nhiễm. 

"Việc mọi người đi du lịch trong dịp nghỉ lễ ở các nước dẫn đến số ca nhiễm tăng nhanh, khiến hệ thống y tế quá tải và hệ lụy là nhiều người tử vong hơn", ông Tedros nói, đồng thời kêu gọi các quốc gia hủy bỏ hoặc tạm hoãn các sự kiện hội họp đông người. "Dừng một cuộc chơi còn hơn dừng sống một đời", Tổng giám đốc WHO nói. 

Ông Tedros còn tuyên bố "2022 là năm mà chúng ta phải chấm dứt đại dịch" và WHO cam kết làm mọi thứ trong khả năng để thực hiện mục tiêu đó. "Nếu muốn chấm dứt đại dịch, chúng ta phải xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng, bằng cách đảm bảo 70% dân số của mọi quốc gia trên thế giới phải được tiêm chủng đầy đủ từ nay tới giữa năm sau", ông Tedros nói. 

Theo Thời báo Hoàn cầu hôm 21/12, một số chuyên gia y tế Trung Quốc dường như thận trọng với tuyên bố của ông Tedros về việc chấm dứt đại dịch vào năm 2022. Một số khác cho biết, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy đại dịch có dấu hiệu suy giảm.  

Jin Dongyan, một giáo sư y sinh tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho rằng, lúc này là "khởi đầu của một kết thúc", và nói thêm rằng, có những hy vọng về việc nhân loại chấm dứt đại dịch vào năm 2022. 

"Nhưng điều quan trọng nhất là WHO thể hiện được vai trò hàng đầu của mình trong việc chấm dứt tình trạng bất bình đẳng về vắc xin và thuốc điều trị Covid-19", giáo sư Jin nói. 

Về sự tiến hóa của các biến thể, giáo sư Jin cho biết, bằng chứng hiện tại cho thấy các biến thể xuất hiện sau có xu hướng lây lan nhanh hơn, nhưng độc lực kém hơn. Omicron là một ví dụ. 

Điều quan trọng là làm thế nào để đảm bảo việc tiêm chủng để xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng cũng như phát triển thêm các vắc xin có hiệu quả bảo vệ cao và lâu hơn, giáo sư Jin nói.  

Lu Hongzhou, người đứng đầu Bệnh viện Nhân dân số 3 Thâm Quyến, chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu hôm 21/12 rằng, việc chấm dứt đại dịch phải dựa vào các phương tiện khoa học và kỹ thuật, cụ thể là vắc xin có hiệu quả bảo vệ cao hơn. 

Các vắc xin Covid-19 hiện tại có thể ngăn khả năng tử vong và giảm mức độ nghiêm trọng ở người bệnh nhưng chưa thể ngăn lây nhiễm 100%. Các vắc xin hiệu quả nên ở dạng hít, có thể tạo ra kháng thể bảo vệ đường hô hấp, theo chuyên gia Hongzhou. Đây là con đường chủ yếu mà virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Ngoài dạng hít, vắc xin dạng tiêm cũng cần được tăng cường hiệu quả bảo vệ, theo ông Hongzhou.  

Thế giới sẽ có miễn dịch cộng đồng sau khi mọi người được tiêm vắc xin Covid-19 có hiệu quả cao hơn các vắc xin hiện tại. "Lúc ấy, chúng ta mới có thể kiểm soát đại dịch", ông Hongzhou nhận định. 

Một nhà nghiên cứu miễn dịch học giấu tên ở Bắc Kinh chia sẻ với Hoàn cầu rằng, không có bằng chứng cho thấy đại dịch sẽ kết thúc vì vắc xin hiện tại chưa hiệu quả 100% và các biến thể vẫn xuất hiện. 

"Ngay cả khi WHO tuyên bố chấm dứt đại dịch vào năm tới thì đây cũng chỉ xem như kết thúc về mặt lời nói hơn là về mặt sinh học", nhà nghiên cứu giấu tên nói. 

Nguồn: [Link nguồn]

Vắc xin COVID-19 thế hệ hai hứa hẹn tạo ra miễn dịch mạnh mẽ, dập tắt đại dịch

Dữ liệu ban đầu cho thấy, một phương pháp mới của nhóm nghiên cứu Đại học Western Ontario (chuyên về nghiên cứu có trụ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Thời báo Hoàn cầu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN