WHO gặp thách thức chưa từng có với Trung Quốc vì đại dịch virus Corona
Giới chức y tế thế giới gặp phải thách thức chưa từng có tiền lệ khi cân nhắc có tuyên bố đại dịch viêm phổi đang lây lan nhanh chóng do virus Corona gây ra có phải tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Các trường hợp mắc virus corona đã được xác nhận trên khắp tỉnh thành của Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)
Chưa bao giờ một nền kinh tế quan trọng như Trung Quốc lại trở thành trung tâm của đại dịch toàn cầu như lần này, kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra hướng dẫn về tình trạng y tế cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) năm 2005.
WHO cũng chưa từng phải quyết định có tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với một quốc gia đang rất quyết tâm kiểm soát thông tin qua biên giới.
Các biện pháp ban đầu được thiết kế để huy động hỗ trợ quốc tế về tài chính, nhân lực và y tế cho những khu vực bị ảnh hưởng và bảo đảm tính minh bạch tốt hơn, nhưng đi kèm với lời cảnh báo rằng chúng không được sử dụng làm lý do để không gây tổn hại cho kinh tế của một quốc gia.
Những lần ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu trước đây đều áp dụng cho đại dịch ở những nước có thu nhập trung bình hoặc thấp như Congo, Guinea và Uganda trong 2 đợt dịch Ebola; Brazil và các nước Mỹ Latin trong đợt dịch Zika; sự tái diễn của bệnh bại liệt ở các nước bị chiến tranh tàn phá như Syria và Afghanistan; đại dịch cúm toán cầu năm 2009 bắt đầu từ Mexico.
Vì chưa có hướng dẫn nào để ứng xử với virus xuất phát từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các quan chức y tế thế giới đối mặt với sức ép lớn từ Trung Quốc khi cân nhắc có rung chuông cảnh báo hay không, nhằm tránh gây tổn hại về kinh tế và danh tiếng cho quốc gia này, các chuyên gia cho biết.
Ông Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu ở Geneva, nói rằng trước tình trạng virus tiến hóa, việc tuyên bố đại dịch virus corona lần này là vấn đề khẩn cấp toàn cầu chỉ còn là vấn đề thời gian.
“Vì lây lan từ người sang người giờ đã được xác nhận bên ngoài Trung Quốc, nên ngay sau khi nó được khẳng định là chuỗi lây lan bền vững, WHO sẽ tuyên bố PHEIC”, ông Flahault nói.
Trong cuộc họp khẩn vào tuần trước, một ủy ban của WHO quyết định không ban bố tình trạng khẩn cấp và nay vẫn đang tính xem có làm điều đó hay không. Ông Flahault cho rằng sự kiện này cũng mang tính chất biểu tượng đối với lịch sử của WHO.
WHO họp lại vào ngày 30/1 để bỏ phiếu lần nữa xem có đợt dịch virus corona lần này có tạo thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không, trong bối cảnh số ca mắc mới tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Dù Trung Quốc không cần hỗ trợ tài chính như các nước tình có PHEIC trước đây, nhưng việc cảnh báo sẽ khiến mọi người ý thức rằng dịch bệnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát của một chính phủ đơn lẻ. Cách cảnh báo này đi ngược lại với phương pháp mà giới chức Trung Quốc thường sử dụng, đó là kiểm soát chặt chẽ luồng thông tin trong nước và ra nước ngoài.
“Trung Quốc chắc chắn không muốn bị gọi là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu mà không kiểm soát được”, ông Michael Osterholm, một chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm tại ĐH Minnesota, Mỹ, nói. “Việc tuyên bố không phải vì chức năng hay hỗ trợ tài chính cho Trung Quốc, mà để thế giới biết rằng thực sự có thứ mà bạn không thể xem nhẹ”, ông Osterholm nói.
WHO bị chỉ trích vì không hành động đủ nhanh khi tuyên bố PHEIC ở Tây Phi năm 2014 vì sợ rằng làm như vậy sẽ gây tổn thất cho các nền kinh tế của những nước bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, do thiếu khuôn khổ chính thức về cách các quốc gia nên phản ứng như thế nào trước tình trạng khẩn cấp toàn cầu, không rõ việc ban bố PHEIC có gây thêm tổn hại kinh tế nào khác với Trung Quốc hay không, khi tình trạng virus lây lan nhanh chóng đang trở thành tiêu điểm của báo chí khắp thế giới.
Tổn thất kinh tế với cả Trung Quốc và các công ty quốc tế giờ đã rất lớn. Ngày 29/1, hãng hàng không British Airways và Lufthansa thông báo hoãn tất cả các chuyến bay ra vào Trung Quốc. Nhiều hãng hàng không khác cũng giảm dịch vụ đến Trung Quốc.
Starbucks thông báo sẽ đóng cửa khoảng một nửa trong số hơn 4.000 cửa hàng ở Trung Quốc. Các hãng xe hơi, trong đó có Toyoto và Hyndai, hoãn kế hoạch mở lại xưởng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, còn Apple khuyến cáo tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất của hãng.
Nhiều nhà máy khắp Trung Quốc vẫn đóng cửa vì hàng loạt lệnh cấm đi lại, khiến nhiều lao động di cư mắc kẹt ở quê nhà. Các thị trường chứng khoán cũng vấn đóng cửa khi kỳ nghỉ Tết được kéo dài đến tuần sau.
Một cô gái Thái Lan đang theo học tại Đại học Vũ Hán đã kể về nỗi sợ khi toàn bộ thành phố bị phong tỏa.
Nguồn: [Link nguồn]