WHO đi bước đầu tiên sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi tổ chức

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi WHO đồng nghĩa cơ quan y tế lớn nhất thế giới sẽ mất đi nguồn tài trợ quan trọng nhất.

Ngày 24-1, phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết Mỹ dự kiến ​​sẽ chính thức rút khỏi WHO vào tháng 1-2026 sau khi cơ quan này nhận được một lá thư chính thức từ Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần này, theo kênh Al Jazeera.

“Tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi hiện đã nhận được thư của Mỹ về việc rút khỏi WHO. Thư đề ngày 22-1-2025. Do đó, việc [Mỹ rút WHO] sẽ có hiệu lực sau 1 năm, vào ngày 22-2-2026” - ông Haq cho hay.

Ông Trump cũng đã ra lệnh cho Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách của chính phủ Mỹ tạm dừng việc chuyển giao trong tương lai bất kỳ khoản tiền, hỗ trợ hoặc nguồn lực nào của chính phủ Mỹ cho WHO.

Washington đã triệu hồi tất cả nhân viên chính phủ Mỹ làm việc với WHO và ra lệnh cho họ ngừng tham gia vào các cuộc đàm phán về một hiệp ước toàn cầu do WHO lãnh đạo về việc giải quyết đại dịch.

Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: GETTY IMAGES

Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: GETTY IMAGES

Với việc ông Trump rút Mỹ khỏi WHO, cơ quan này sẽ mất đi nguồn tài trợ quan trọng nhất.

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Trong chu kỳ ngân sách hoàn chỉnh cho năm 2022-2023, Mỹ đóng góp 1,3 tỉ USD, chiếm 16,3%. Do đó việc ông Trump rút Mỹ khỏi WHO sẽ khiến tổ chức này thiếu hụt nguồn tài chính nghiêm trọng.

Để ứng phó việc Mỹ rút khỏi WHO, cơ quan y tế này đang “đóng băng việc tuyển dụng, ngoại trừ ở những khu vực quan trọng nhất” và “giảm đáng kể chi phí đi lại”.

Trong thư gửi đến nhân viên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo đóng băng việc tuyển dụng và cắt giảm các chuyến đi để ứng phó với việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi WHO, theo tờ Politico.

"Như các bạn đã biết, Mỹ đã tuyên bố rằng họ có ý định rút khỏi WHO. Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định này và hy vọng chính quyền mới sẽ xem xét lại” - ông Tedros cho hay.

“Thông báo này khiến tình hình tài chính của chúng ta trở nên nghiêm trọng hơn và chúng ta biết rằng nó đã tạo ra mối lo ngại và sự bất ổn đáng kể cho lực lượng lao động của WHO” - theo ông Tedros.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Tedros cũng yêu cầu tất cả các cuộc họp phải diễn ra hoàn toàn trực tuyến trừ khi có trường hợp ngoại lệ và các phái đoàn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia nên được “giới hạn ở những quốc gia thiết yếu nhất”.

Các biện pháp khác bao gồm giới hạn việc thay thế thiết bị công nghệ thông tin, đàm phán lại các hợp đồng lớn và đình chỉ việc cải tạo văn phòng và đầu tư vốn, trừ khi cần thiết cho an ninh hoặc cắt giảm chi phí.

“Bộ biện pháp này chưa phải là cuối cùng và sẽ có thêm nhiều biện pháp khác được công bố trong thời gian tới” - ông Tedros viết trong thư gửi đến nhân viên.

Chuyên gia tư vấn y tế toàn cầu Fifa Rahman nói với Politico rằng việc cắt giảm ngân sách là "một bàn phản lưới nhà lớn đối với một nước Mỹ ngày càng bị cô lập" và khiến nước này dễ bị tổn thương hơn trước các đợt bùng phát trong tương lai.

"Họ đã gặp phải những vấn đề lớn về thông tin sai lệch trong đại dịch trước và nếu không có WHO, họ sẽ cần rất nhiều may mắn trong đại dịch tiếp theo" - chuyên gia này nhận định.

Liên hợp quốc chính thức xác nhận Mỹ sẽ rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN