WHO công bố 9 loại virus có thể đe dọa sự tồn vong của nhân loại
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, có 9 loại virus nguy hiểm có thể đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại và luôn tiềm ẩn nguy cơ làm bùng phát đại dịch toàn cầu. Trong số 9 loại virus trên, có thể kể tới “bệnh X”, virus Zika và Ebola.
Dịch Covid-19 đang là mối quan tâm hàng đầu của WHO (ảnh: Daily Star)
Danh sách 9 loại virus đe dọa sự tồn vong của nhân loại được những chuyên gia và quan chức của WHO xác định. Đây là các loại virus WHO sẽ ưu tiên ngăn chặn để tránh một đại dịch toàn cầu mới trong tương lai.
“Thế giới cần chuẩn bị cho một cuộc đại chiến tiếp theo với dịch bệnh”, Melanie Saville – Giám đốc nghiên cứu và phát triển vắc xin tại Liên minh Đổi mới và Ứng phó Dịch bệnh (CEPI) – nhận xét.
Trong số 9 loại virus được WHO liệt kê, Covid-19 đứng đầu danh sách. Hơn một năm kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 113 triệu người khắp thế giới và khiến hơn 2 triệu người tử vong.
Nipah cũng là một trong những loại virus khiến WHO lo ngại. Theo các chuyên gia, virus Nipah có thể gây ra đại dịch toàn cầu nếu chúng đột biến và có khả năng lây lan mạnh hơn. Loại virus này có tỷ lệ gây tử vong cao gấp 75 lần so với Covid-19.
Nipah được cho là có thể lây sang người từ dơi ăn quả. Virus này gây co giật, nôn mửa và sưng não ở người mắc. Được phát hiện ở Malaysia vào năm 1998, Nipah có tỷ lệ gây tử vong từ 40 – 75% đối với bệnh nhân.
Zika cũng được WHO xếp vào danh sách virus nguy hiểm đối với nhân loại. Virus từng lây lan mạnh ở châu Mỹ vào những năm 2015 và 2016. Xuất hiện từ một khu rừng ở Uganda, Zika gây phát ban, sốt, đau đầu và đau cơ.
Zika rất nguy hiểm đối với phụ nữ đang mang thai. Virus này có thể khiến trẻ sơ sinh bị teo não, dị tật sau khi sinh ra.
Ngoài các lại virus trên, Ebola, MERS và SARS cũng được WHO liệt kê.
Ebola đã xuất hiện trở lại vào năm 2021 và đang lây lan ở 6 nước châu Phi. WHO cảnh báo “hậu quả thảm khốc” nếu đợt bùng phát Ebola mới không được ngăn chặn. Loại virus này có thể gây tỷ lệ tử vong lên đến 90% đối với bệnh nhân. Người mắc Ebola có các triệu chứng như xuất huyết từ mắt, tai, miệng, kèm theo những cơn sốt kinh khủng.
Môi trường thiên nhiên bị tàn phá khiến con người ngày càng có nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm, theo chuyên gia (ảnh: Daily Star)
Nằm trong bản danh sách “chết chóc”, “bệnh X” là cách WHO gọi những mầm bệnh nguy hiểm chưa được xác định.
Các chuyên gia cảnh báo, đại dịch tiếp theo có thể do “bệnh X” gây ra. “Bệnh X” có thể còn tồi tệ hơn Cái Chết đen – dịch bệnh từng giết chết 75 triệu người trên thế giới.
WHO luôn coi “bệnh X” là “kẻ thù giấu mặt” cần phải ngăn chặn bằng những khuyến cáo về y tế, sức khỏe và môi trường.
Theo giới khoa học, có 1,67 triệu loại virus còn chưa được biết tới trên thế giới. Trong số đó, có 827.000 loại virus có thể lây từ động vật sang người. Nguy cơ “bệnh X” xuất hiện được cho là ngày càng tăng khi dân số thế giới bùng nổ và môi trường tự nhiên bị hủy hoại.
Thói quen ăn thịt động vật hoang dã của con người cũng được cho là nguyên nhân khiến “bệnh X” trở thành nỗi lo của WHO.
Các loại virus nguy hiểm khác được WHO liệt kê trong danh sách bao gồm Rift Valley, Lassa và virus sốt xuất huyết Crimean-Congo.
Nhiều quan chức, nhân viên ngoại Mỹ làm việc ở các nước có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao đang tỏ ra thất vọng vì không...
Nguồn: [Link nguồn]