WHO cảnh báo sốc về số người nhiễm Covid-19 ở châu Phi
Tính tới 17/4, 54 quốc gia ở châu Phi ghi nhận dưới 20.000 ca nhiễm Covid-19 nhưng trong khoảng từ 3-6 tháng tới, con số này có thể tăng gấp 500 lần, theo cảnh báo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo Reuters, con số 20.000 ca nhiễm Covid-19 ở các nước châu Phi chỉ là một phần nhỏ trong tổng số hơn 2 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, WHO cảnh báo con số này sẽ là 10 triệu ca nhiễm Covid-19 trong khoảng 3-6 tháng nữa.
"Để bảo vệ và xây dựng hướng tới sự thịnh vượng chung, châu Phi cần ít nhất 100 tỷ USD để chuẩn bị cho các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội và sức khỏe", Ủy ban kinh tế châu Phi của Liên Hợp Quốc (UNECA) tuyên bố.
UNECA cũng ủng hộ lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính các nước châu Phi về khoản kích cầu kinh tế 100 tỷ USD khác. Cơ quan này đề xuất 4 kịch bản dựa trên mức độ các biện pháp phòng ngừa được đưa ra bởi chính phủ các nước châu Phi.
Trong trường hợp không có sự can thiệp như trên, nghiên cứu ước tính hơn 1,2 tỷ người châu Phi sẽ bị nhiễm Covid-19 và 3,3 triệu người có thể chết vì dịch bệnh này trong năm 2020. Tổng dân số ở châu Phi khoảng 1,3 tỷ người.
Hầu hết quốc gia ở châu Phi đã áp dụng bắt buộc các biện pháp giãn cách xã hội, từ giới nghiêm cho tới phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, ngay cả trong viễn cảnh tốt nhất khi chính phủ các nước châu Phi duy trì nghiêm ngặt giãn cách xã hội, châu Phi vẫn sẽ có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 lớn, lần lượt là 122 triệu và 300.000 người, theo UNECA.
Đối phó với đại dịch Covid-19 ở châu Phi sẽ vô cùng phức tạp bởi thực tế 36% người dân lục địa đen không có khu vực tắm rửa trong nhà. Thiếu thốn giường bệnh cũng trở thành vấn đề nhức nhối ở đây. Theo thống kê, chỉ có 1,8 giường bệnh/1.000 người ở châu Phi, thấp hơn so với tỷ lệ 6 giường bệnh/1.000 người ở Pháp.
Một người bị thương do đám đông tranh nhau tới nhận đồ hỗ trợ của chính phủ Kenya. Ảnh: AP
Đặc điểm dân số trẻ, khoảng 60% dân số châu Phi dưới 25 tuổi, theo lý thuyết có thể giúp lục địa đen phần nào thoát được ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Nhưng 56% người dân thành thị tập trung tại các khu ổ chuột đông đúc và nhiều người bị mắc AIDS, lao hoặc suy dinh dưỡng.
Châu Phi đang nhập khẩu 94% lượng dược phẩm và ít nhất 71 quốc gia châu Phi đã cấm hoặc hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu để chống dịch trong nước.
"Trong viễn cảnh tốt nhất, châu Phi vẫn cần 44 tỷ USD để làm xét nghiệm, mua trang thiết bị bảo hộ và điều trị cho những người nhập viện", báo cáo của UNECA cho hay.
Nhưng đó là số tiền mà châu Phi không thể tự đáp ứng khi dịch Covid-19 khiến nền kinh tế ở lục địa đen bị giảm 2,6% tốc độ phát triển.
"Chúng tôi ước tính khoảng 5 đến 29 triệu người sẽ bị rơi vào cảnh nghèo đói với số tiền kiếm được chưa đầy 2 USD/ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh", UNECA ước tính.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Châu Âu cùng Mỹ vẫn là các tâm dịch lớn nhất nhì trên thế giới về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19.
Nguồn: [Link nguồn]