Washington Post: Ông Zelensky "khó chịu" với đề nghị của Phó Tổng thống Mỹ
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris từng đề nghị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không tấn công các nhà máy lọc dầu Nga trong cuộc họp bên lề Hội nghị An ninh Munich diễn ra hồi tháng 2. Nhưng các cuộc tấn công sau đó vẫn diễn ra.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy.
Đây là thông tin được báo Mỹ Washington Post tiết lộ hôm 15/4, trích dẫn nguồn tin giấu tên.
Các cuộc tấn công như vâỵ của Ukraine sẽ làm tăng giá năng lượng thế giới và càng khiến Nga đáp trả mạnh mẽ hơn trong lãnh thổ Ukraine, bà Harris nói.
Theo tờ Washington Post, ông Zelensky tỏ ra "khó chịu" với đề nghị của Phó Tổng thống Mỹ và đã đặt đề nghị này sang một bên.
Sau Hội nghị An ninh Munich, Ukraine bắt đầu mở loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tầm xa nhằm vào các nhà máy lọc dầu Nga. Ít nhất 12 nhà máy như vậy bị hư hại trong cuộc tấn công của Ukraine hôm 17/3.
Ngày 2/4, Ukraine tiếp tục tấn công nhà máy lọc dầu Nga ở thành phố Nizhnekamsk thuộc Cộng hòa Tatarstan, cách biên giới Ukraine khoảng 1.000km.
Theo tờ Washington Post, ông Zelensky bác bỏ đề nghị của bà Harris do "không rõ đó có phải là quan điểm đại diện cho chính quyền Tổng thống Joe Biden hay không".
Theo báo Mỹ, "ổn định thị trường năng lượng thế giới là một ưu tiên của Mỹ trong năm bầu cử" nhưng Washington vẫn cam kết nỗ lực hỗ trợ Ukraine.
"Giá năng lượng thế giới leo thang sẽ gây tổn hại đến sự hỗ trợ của châu Âu cho Ukraine", một quan chức Mỹ giấu tên nói trên tờ Washington Post.
Theo Reuters, tính đến ngày 15/4, Nga đã nhanh chóng khắc phục các thiệt hại mà UAV Ukraine gây ra ở các nhà máy lọc dầu. Năng suất lọc dầu của Nga trong tháng 4 thậm chí dự kiến sẽ tăng so với tháng 3 do một số nhà máy đã hoạt động trở lại sau bảo trì.
Hôm 2/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Mỹ không ủng hộ và cũng không hỗ trợ Ukraine tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ LLoyd Austin sau đó cũng nêu quan điểm tương tự.
Trong khi đó, ông Zelensky cho rằng Mỹ không thể ngăn cản Ukraine do Kiev sử dụng UAV tầm xa mà nước này tự phát triển.
Luật huy động mới được Quốc hội Ukraine thông qua không có điều khoản cho phép quân nhân giải ngũ, gây nhiều tranh cãi trong dư luận nước này.
Nguồn: [Link nguồn]