Vương Trùng Dương trong lịch sử liệu có võ công khuất phục cả 4 đại cao thủ võ lâm?

Trong kiếm hiệp Kim Dung, Vương Trùng Dương sở hữu võ công vô địch thiên hạ khi dễ dàng đánh bại cả 4 đại cao thủ là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái để giành được Cửu âm chân kinh – bí kíp võ công cả giang hồ thèm khát. Trong lịch sử, Vương Trùng Dương còn nổi tiếng hơn như vậy nhiều, nhưng theo một cách khác.

Vương Trùng Dương trong tiểu thuyết Kim Dung võ công vô địch, đứng đầu sự kiện Hoa Sơn luận kiếm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vương Trùng Dương trong tiểu thuyết Kim Dung võ công vô địch, đứng đầu sự kiện Hoa Sơn luận kiếm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Chỉ xuất hiện qua lời kể lại của các nhân vật trong hai bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ nhưng Vương Trùng Dương lại gây ấn tượng mạnh với độc giả khi sở hữu võ công “quỷ khốc thần sầu”.

Trong kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương được tôn là “Trung Thần Thông”, đứng đầu “thiên hạ ngũ tuyệt” khi ông khuất phục cùng lúc cả 4 đại cao thủ đương thời bao gồm Âu Dương Phong (Tây Độc), Hoàng Dược Sư (Đông Tà), Đoàn Trí Hưng (Nam Đế) và Hồng Thất Công (Bắc Cái).

4 đại cao thủ đều nhất trí cho rằng chỉ có Vương Trùng Dương mới xứng đáng sở hữu Cửu âm chân kinh – bộ võ công được cho là mạnh bậc nhất trong truyện Kim Dung.

Tuy nhiên, Vương Trùng Dương lại không hề luyện Cửu âm chân kinh. Ông cho rằng môn võ công này quá yếu nên không xứng đáng để mình tu luyện. Vương Trùng Dương tham gia tranh đoạt Cửu âm chân kinh chỉ vì muốn người trong giang hồ ngừng chém giết, đổ máu vì bộ bí kíp này mà thôi.

Truyện Kim Dung đi khá sát lịch sử khi miêu tả Vương Trùng Dương từng tham gia khởi nghĩa chống quân Kim xâm lược nước Tống. Sau khi thất bại, ông lên núi Chung Nam tu luyện trong cổ mộ và sáng lập Toàn Chân giáo – môn phái được xem là đứng đầu Trung Quốc trong giai đoạn Tống – Nguyên.

Nói đến võ công của Vương Trùng Dương, mạnh nhất phải kể đến Tiên Thiên công. Đây là môn nội công không có tầng cuối cùng do Vương Trùng Dương sáng tạo ra. Vương Trùng Dương đánh giá, người luyện Tiên Thiên công cầm chắc 4 chữ “ thiên hạ vô địch” trong tay, nên không cần tốn thời gian luyện thêm Cửu âm chân kinh.

Vương Trùng Dương đánh bại Âu Dương Phong chỉ bằng một cú chỉ tay (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vương Trùng Dương đánh bại Âu Dương Phong chỉ bằng một cú chỉ tay (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo lời kể của “lão ngoan đồng” Chu Bá Thông – sư đệ Vương Trùng Dương – Tiên Thiên công cùng Nhất dương chỉ là 2 môn võ công duy nhất khắc chế được Cáp Mô công (võ cóc) của Âu Dương Phong.

Ngoài Tiên Thiên công, Vương Trùng Dương còn nổi tiếng với bộ Toàn Chân kiếm pháp. Trong kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương chỉ dựa vào bộ kiếm pháp này đã có thể khuất phục quần hùng. Tuy nhiên, Toàn Chân kiếm pháp của Vương Trùng Dương về sau bị người tình của ông – Lâm Triều Anh – phá giải toàn bộ bằng Ngọc Nữ tâm kinh.

Khi sắp qua đời, Vương Trùng Dương biết Âu Dương Phong không từ bỏ ý đồ cướp Cửu âm chân kinh nên cùng Chu Bá Thông tới nước Đại Lý để dạy Tiên Thiên công cho Đoàn Trí Hưng (Nam Đế). Ông hy vọng Nam Đế có thể dùng Tiên Thiên công trấn áp Âu Dương Phong. Tuy nhiên, khả năng lĩnh hội của Nam Đế có hạn, ông chỉ luyện được một phần nhỏ của Tiên Thiên công mà thôi.

Xuyên suốt 2 bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ, nhiều người đọc cảm thấy tiếc nuối vì không được chứng kiến cảnh Nam Đế dùng Tiên Thiên công giao đấu với Âu Dương Phong.

Vương Trùng Dương có mối tình sâu nặng với Lâm Triều Anh – sư phụ của “Cô Cô” Tiểu Long Nữ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vương Trùng Dương có mối tình sâu nặng với Lâm Triều Anh – sư phụ của “Cô Cô” Tiểu Long Nữ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Khi bệnh nặng sắp mất, Vương Trùng Dương giả chết để dụ Âu Dương Phong tới cướp Cửu âm chân kinh. Chỉ bằng một cú chỉ tay, Vương Trùng Dương đã đánh bay Âu Dương Phong, đồng thời phế bỏ luôn Cáp Mô công của ông ta. Âu Dương Phong phải mất hàng chục năm sau mới có thể khôi phục lại môn võ công này.

Theo Kim Dung, võ công của Vương Trùng Dương được đúc kết từ các thế võ trong chiến đấu kết hợp với lý luận về âm dương, bát quái của Đạo giáo. Đây cũng là nền móng về tư tưởng giúp Vương Trùng Dương sáng lập Toàn Chân giáo trong lịch sử.

Theo Toàn thư Lịch sử Trung Quốc, Vương Trùng Dương (1113 – 1170) là một đạo sĩ sống vào thời Bắc Tống. Ông có tên thật là Vương Trung Phu (trong tiểu thuyết Kim Dung viết là Vương Triết), sinh ở Hàm Dương (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) ngày nay.

Có cha là một địa chủ nổi tiếng giàu có nên ngay từ khi còn nhỏ, Vương Trùng Dương đã được theo học cả văn lẫn võ. Ông nổi tiếng là người thông minh, chăm chỉ, ham học hỏi và có đạo đức nên được nhiều người kính trọng.

Giống như nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, sự ra đời của Vương Trùng Dương cũng nhuốm màu sắc kỳ lạ. Tương truyền, mẹ Vương Trùng Dương mang thai 24 tháng mới sinh ra ông. Vương Trùng Dương sinh ra với khuôn mặt đẹp như ngọc, tiếng nói vang như chuông, mắt to hơn miệng, khí phách hiên ngang, theo Sohu.

Vương Trùng Dương là người tinh thông võ nghệ, đặc biệt là môn cưỡi ngựa và bắn cung. Ông làm quan tới chức Trung lang tướng nhà Tống. Năm 1125, chiến tranh Kim – Tống nổ ra, nhà Tống liên tiếp bại trận, phải lui dần về phía nam Trung Quốc. Vương Trùng Dương lãnh đạo một đội binh sĩ kết hợp với người dân kháng Kim nhưng cũng thất bại. Chán nản trước sự hủ bại của triều đình nhà Tống, Vương Trùng Dương từ quan về quê và bắt đầu nghiên cứu về Đạo giáo.

Vương Trùng Dương trong lịch sử đắc đạo, sáng lập Toàn Chân giáo (tranh: Sohu)

Vương Trùng Dương trong lịch sử đắc đạo, sáng lập Toàn Chân giáo (tranh: Sohu)

Theo Sohu, việc Vương Trùng Dương lập Toàn Chân giáo là có thật, nhưng câu chuyện dẫn đến sự kiện đó thì mang đậm màu sắc hoang đường, do thiếu tư liệu lịch sử. Theo đó, trước khi lên núi Chung Nam tu luyện, Vương Trùng Dương gặp được "2 vị tiên" là Hán Chung Ly và Lã Động Tân trong lốt những kẻ ăn mày nghèo khó. Hán Chung Ly và Lã Động Tân truyền cho Vương Trùng Dương khẩu quyết luyện đan dược, cầu trường sinh gọi là “Toàn Chân”. Từ đó Vương Trùng Dương giác ngộ, đạt được nhiều thành quả trong tu luyện và cuối cùng sáng lập Toàn Chân giáo.

Phương pháp tu luyện của Vương Trùng Dương chú trọng vào sự thanh khiết và tĩnh lặng trong tâm trí. Ông cho rằng những người tu hành phải gạt bỏ mọi sự luyến tiếc trần thế và dục vọng. Vương Trùng Dương cũng chủ trương dùng lối tu khổ hạnh để thanh tẩy linh hồn.

Với tôn chỉ là từ bi và cứu giúp người nghèo khổ, Toàn Chân giáo do Vương Trùng Dương sáng lập được rất nhiều người kính trọng. Các học trò tìm đến theo học rất đông nhưng do Vương Trùng Dương quá khiêm khắc nên cuối cùng chỉ còn lại 7 người. Đây là nhóm Toàn Chân thất tử nổi tiếng trong cả truyện kiếm hiệp và lịch sử Đạo giáo Trung Quốc.

Wenshigu – trang tin điện tử chuyên về lịch sử Trung Quốc – còn đưa ra một số thông tin khác về Vương Trùng Dương như sau:

Vương Trùng Dương sinh năm 1113 trong một gia đình giàu có. Ông được ăn học tử tế, thi đỗ cả cử nhân văn, võ. Vương Trùng Dương làm quan võ dưới triều Tống. Tuy nhiên, thay vì quản lý một đội quân, Vương Trùng Dương chỉ được giao chức quan thu thuế rượu nhỏ bé. Năm 47 tuổi, ông chán nản nên từ quan bỏ về quê.

Năm 1161, Vương Trùng Dương rời bỏ nhà cửa, lên núi Chung Nam đào một mộ huyệt trong núi, ở đó tu luyện, gọi là Hoạt tử nhân mộ (mộ của người sống). Năm 1163, Vương Trùng Dương tự cho mình đã đạt tới sự giác ngộ và xuất quan. Trong 7 năm sau đó, ông ngao du và truyền giáo khắp Trung Quốc. Vương Trùng Dương thường dùng những bài thơ để khuyến khích người đời tu tập theo Đạo giáo. Sau khi Vương Trùng Dương qua đời, học trò sưu tập được hơn 1.000 bài thơ của ông, soạn thành cuốn Toàn Chân tập.

Khi quân Mông Cổ xâm lược Tống, họ gặp khó khăn trong việc bẻ gãy ý chí kháng chiến của người Hán. Tư tưởng “tịnh tâm” của Toàn Chân giáo do Vương Trùng Dương sáng lập khuyên con người ta tránh dữ làm lành, không đua tranh với đời rất phù hợp với ý đồ của giai cấp thống trị Mông Cổ nên nhận được sự ủng hộ.

Vào thời Nguyên, Toàn Chân giáo được xem là quốc giáo, trụ sở chính là Thái Cực cung được đặt tại kinh đô Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Khâu Xứ Cơ – học trò nổi bật nhất của Vương Trùng Dương – nhờ bàn luận về phép trường sinh với Thành Cát Tư Hãn mà được khen ngợi là “thần tiên”. Thành Cát Tư Hãn cũng cắt một số vùng đất trù phú của đế quốc Mông Cổ giao cho Toàn Chân giáo quản lý, thu lợi. Toàn Chân giáo vì thế phát triển cực thịnh.

Vương Trùng Dương và Toàn Chân thất tử nổi tiếng (tranh: Aochima)

Vương Trùng Dương và Toàn Chân thất tử nổi tiếng (tranh: Aochima)

Trong giai đoạn Tống – Nguyên xảy ra chiến tranh, Toàn Chân giáo do Khâu Xứ Cơ (sau là Doãn Chí Bình lãnh đạo) chủ trương đứng ngoài cuộc chiến, chỉ tập trung cứu giúp người nghèo khổ. Tuy nhiên trong kiếm hiệp Kim Dung, Khâu Xứ Cơ được miêu tả là người có tính cách nóng nảy, yêu nước và thường ám sát tướng lĩnh của quân xâm lược nước Tống.

Năm 1170, khi Vương Trùng Dương qua đời, hàng vạn người đã tới viếng đám tang của ông. Năm 1269, Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) truy phong Vương Trùng Dương là Trùng Dương Toàn Chân khai hóa phụ cực đế quân, gọi là bậc thánh nhân.

Theo truyện kiếm hiệp Kim Dung, Vương Trùng Dương chỉ được người trong giang hồ kính trọng bởi võ công vô địch của ông. Tuy nhiên, trong lịch sử, Vương Trùng Dương còn làm được nhiều hơn thế khi sáng lập ra một trong những giáo phái nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc và cứu giúp được hàng vạn người gặp bất hạnh do chiến tranh.

_____________

Trong kiếm hiệp Kim Dung, Chu Bá Thông là một nhân vật được nhiều người yêu mến. Tính nết Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông chẳng khác nào đứa trẻ con nhưng võ công của ông lại vô cùng thâm hậu. Trong lịch sử, Chu Bá Thông liệu có nghịch ngợm như truyện? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài kỳ sau, xuất bản trên mục Thế giới sáng 25.11.2021.

Nguồn: [Link nguồn]

Sự thật lịch sử về Doãn Chí Bình: Khác hoàn toàn kẻ làm nhục Tiểu Long Nữ trong kiếm hiệp

Nhắc tới nhân vật bị ghét nhất trong các bộ truyện kiếm hiệp Kim Dung, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới cái tên Doãn Chí...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN