Vùng ly khai ở quốc gia giáp Ukraine có thể gia nhập Nga
Quan chức ở vùng ly khai Transnistria khẳng định vùng lãnh thổ này sẽ theo đuổi mục tiêu độc lập khỏi Moldova và có khả năng gia nhập Liên bang Nga.
Quan chức vùng ly khai Transnistria, Vitaly Ignatyev.
"Gia nhập Liên bang Nga là quá trình đòi hỏi phải đưa ra những quyết định quan trọng, cũng như chuẩn bị về mặt chính trị và nhiều yếu tố khác. Ưu tiên hàng đầu hiện tại là độc lập", Vitaly Ignatyev, lãnh đạo cơ quan đối ngoại của vùng ly khai Transnistria ở Moldova, ngày 22.7 cho biết, theo AP.
Ông Ignatyev khẳng định Transnistria sẽ theo đuổi các mục tiêu đã được xác định trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2006, khi gần như 100% cử tri ủng hộ độc lập khỏi Moldova và khả năng gia nhập Nga. Cuộc trưng cầu dân ý này bị cộng đồng quốc tế coi là bất hợp pháp.
Ông Ignatyev đưa ra tuyên bố trên sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấp tư cách ứng viên cho Moldova hồi tháng 6, mở đường để quốc gia này và Ukraine gia nhập EU.
“EU cấp tư cách ứng viên cho Moldova là điều đã vượt giới hạn, đặt dấu chấm hết cho sự hợp tác. Giới lãnh đạo Moldova tự đưa ra quyết định mà không tham vấn với chúng tôi”, ông Ignatyev nói thêm,
Transnistria là vùng lãnh thổ ly khai thuộc Moldova, quốc gia láng giềng Ukraine ở phía tây nam. Nga đã duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình ở vùng lãnh thổ này kể từ năm 1992.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, có những đồn đoán cho rằng Moscow muốn mở rộng quyền kiểm soát từ miền nam Ukranie tới Transnistria.
Transnistria nằm ở phía tây nam Ukraine, gần Odessa.
Hồi tháng 4, một loạt các vụ nổ lớn xảy ra ở vùng lãnh thổ có 470.000 người sinh sống này càng khiến căng thẳng leo thang.
Hôm 21.7, Phó Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Nga, Igor Sokorenko cáo buộc Moldova cản trở Nga đưa thêm các vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại tới Transnistria. Bộ ngoại giao Nga cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Một ngày sau, Moldova đã lên tiếng bác bỏ. Nhưng khẳng định nước này giữ nguyên lập trường yêu cầu Nga rút quân và vũ khí khỏi Transnistria.
Moldova đã không cho phép Nga luân phiên đưa binh sĩ tới làm nhiệm vụ ở Transnistria từ năm 2015. Nước này đã nhiều lần yêu cầu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đảm bảo việc rút quân của Nga. Moscow hiện duy trì khoảng 1.700 binh sĩ ở Transnistria.
Lo ngại Moldova có thể bị cuốn vào cuộc xung đột ở Ukraine đang tăng lên sau khi một số vụ nổ được ghi nhận ở khu vực ly khai Transnistria thân Nga hậu thuẫn.
Nguồn: [Link nguồn]