Vùng lãnh thổ tranh chấp có ý định gia nhập NATO và EU
Trong chuyến thăm Mỹ, lãnh đạo một vùng lãnh thổ tranh chấp tuyên bố muốn khu vực này là một phần của NATO và EU.
Ông Albin Kurti, Thủ tướng nước cộng hòa tự xưng Kosovo. Ảnh: botasot
Theo RT, Albin Kurti, Thủ tướng nước cộng hòa tự xưng Kosovo, hôm 18/5 phát biểu trong chuyến thăm Washington rằng, Kosovo mong muốn trở thành thành viên của NATO và EU.
Kosovo, một tỉnh ly khai của Serbia, tuyên bố độc lập với sự ủng hộ của Mỹ năm 2008, nhưng không được Liên Hợp Quốc, Serbia và một số nước thành viên EU công nhận.
Ông Kurti đưa ra tuyên bố trên trong một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức chiều 18/5. Trước đó, ông Kurti đã gặp các quan chức của chính quyền Tổng thống Biden, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và một số thành viên quốc hội Mỹ.
Hạ nghị sĩ Elissa Slotkin, người có mặt trong cuộc gặp và là hạ nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Michigan, bày tỏ "sự ủng hộ rõ ràng" với nguyện vọng gia nhập "các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là NATO, của Kosovo", theo ông Kurti.
Kosovo là một tỉnh của Serbia tạm thời bị NATO chiếm đóng sau cuộc không chiến kéo dài 78 ngày của khối này ở đây năm 1999. Chính phủ lâm thời của Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008. Thời điểm đó, Mỹ và nhiều đồng minh công nhận chính phủ lâm thời Kosovo nhưng Nga, Trung Quốc và Serbia thì không. Ít nhất 5 thành viên của EU, gồm đảo Síp, Hy Lạp, Romania, Slovakia và Tây Ban Nha không công nhận nền độc lập của Kosovo. Điều này khiến nguyện vọng gia nhập EU của Kosovo gặp trở ngại.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic mới đây tiết lộ nước này đang chịu áp lực lớn từ EU trong việc tham gia trừng phạt nhằm vào Nga và công nhận nền độc lập của Kosovo. Đổi lại, EU hứa hẹn về việc Serbia có thể gia nhập khối vào một ngày nào đó.
Tuyên bố hôm 18/5 của ông Kurti là lần thứ 2 nhà lãnh đạo này công khai nguyện vọng gia nhập NATO và EU. Hôm 14/5, ông Kurti lần đầu bày tỏ nguyện vọng này tại một buổi diễn thuyết ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khoảng thời gian dài trung lập, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO, đánh dấu bước chuyển lớn về đường lối đối ngoại của 2 nước.